Người xưa đã từng nói :“ Nhất niên chi kế mạc như chủng cốc. Thập niên chi kế mạc như chủng mộc. Bách niên chi kế mạc như thụ nhân ”.
Kế một năm không gì bằng trồng lúa. Kế mười năm không gì bằng trồng cây. Kế trăm năm không gì bằng trồng người.
Ngay từ buổi đầu khai sơn phá thạch nơi miền đất mới, cuộc sống cần cù chịu khó của cha anh vốn đã gắn chặt với đất đai ruộng đồng. Cha ông canh cánh trong lòng niềm ấp ủ suy tư : Không lẽ từ đời nầy sang đời nọ, con cháu cứ phải chấp nhận bán lưng cho trời và bán mặt cho đất. Làm sao cho thế hệ con cháu đỡ chân lấm tay bùn vất vả, để có thể ngửng mặt lên với đời ? Ý tưởng ban đầu cho con cháu mở mang văn hoá kiến thức, cộng với niềm thao thức đầu tư “ kế trăm năm ” lâu dài cho con em, công việc khuyến học là mối quan tâm cấp bách hàng đầu của các vị Mục tử và từng thế hệ cha anh.
Bởi thế, sau khi tạm định cư được hai tháng, vào tháng 10 năm 1956, trường học đầu tiên được hình thành ở khu vực Dòng Châu Sơn gồm lớp Vỡ lòng, lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba. Năm 1957–1958 : Trường được dời về Vườn Trẻ, bây giờ là Hoa viên Thánh Gioan Baotixita, gồm các lớp từ Mẫu giáo đến lớp Nhì. Năm 1958–1970 : Trường được di dời ra khu vực Nhà thờ Giáo xứ, gồm hai lớp Mẫu giáo, và các lớp Ba, Tư, Nhì và Nhất.
Năm 1957–1970 : Cha Phêrô Nguyễn Văn Bân là Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Tiến Đức. Ngài rất quan tâm chăm lo cho học sinh về những học cụ như sách vở, bút mực, sách Giáo khoa và xin được nhiều nguồn trợ cấp để cấp phát cho học sinh.
Năm 1959 : Cha Quản xứ Gioan Nguyễn Trí Thức hoạt động rất năng nỗ về lãnh vực giáo dục Nhân bản. Ngài động viên cho các học sinh học tập bằng những câu châm ngôn : “ Tiên học lễ hậu học văn ” –“ Ngày nay học tập ngày mai giúp đời ”.
Năm 1960–1966 : Cha Quản xứ Giuse Trịnh Chính Trực rất quan tâm đến đời sống và việc giáo dục cho con em. Ngài xin được nhiều nguồn trợ cấp thực phẩm như bơ, bột mì, bột sữa... và nhiều sách Giáo khoa để phân phát cho con em học sinh. Công việc giáo dục thời gian nầy mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng. Đó là phát triển đồng bộ Đức dục, Trí dục và Thể dục.
Năm 1966–1969 : Cha Quản xứ Grêgôriô Đỗ Trúc Đường thiên về giáo dục nhân bản. Mục đích ngài nhắm tới là giúp các con em đào tạo nhân cách, lễ nghĩa và đạo đức.
Năm 1969–1975 : Cha Quản xứ Phêrô Lê Hùng Tâm đã hoạt động về lãnh vực giáo dục nhiều năm ở Trường Trung học Hưng Đức. Đứng trước nhu cầu cấp bách cho số lượng học sinh của Giáo xứ ngày càng đông đảo, phải ra Thị xã Banmêthuột học, với một lộ trình vất vả hơn 3 Km, bởi thế, vào năm 1969, ngài cho khởi công xây Trường Trung Tiểu học Tiến Đức với năm phòng khang trang. Trung học từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Tứ. Ngài đã cho các Giáo viên trẻ đi học bồi dưỡng các khoá Sư phạm.
Việc phụ trách hướng dẫn cho các lớp Trung Tiểu học, mặc dầu chiếm đa phần là Giáo viên người làng, lão thành và trẻ trung, nhưng đều đầy nhiệt huyết. Bởi thế, chất lượng giáo dục luôn được nâng cao. Tất cả cũng vì Tương lai con em chúng ta. Và quả thế, từ nơi đây, bao thế hệ học sinh đã lớn lên và thành đạt.
II. Phát triển Quỹ Khuyến học.
Sau ngày thống nhất đất nước, việc học của các con em trong Giáo xứ bị chững lại và gián đoạn một thời gian dài. Để tiếp nối truyền thống tốt đẹp về chăm lo sự nghiệp Giáo dục của cha anh và để cụ thể hoá, năm 1995, nguyên Linh mục Quản xứ Đaminh Vũ Đức Hậu đã khởi xướng thành lập Quỹ Khuyến học và đã được Ban Chấp hành Đoàn Tráng niên thời đó hưởng ứng triển khai với tôn chỉ : Giúp đỡ, tài trợ để khuyến khích thiếu nhi trong Giáo xứ phát huy việc học tập Đạo đức và Văn hóa.
Bước đầu nhằm góp phần động viên và phất cao ngọn cờ cho Quỹ Khuyến học, Cha nguyên Quản xứ đã ủng hộ hơn 2 triệu đồng để khuyến khích sự rộng tay hỗ trợ của đoàn viên Tráng niên và các Đoàn thể khác. Nguồn vốn huy động lúc đầu ở Đoàn Tráng niên được gần 20 triệu đồng. Nhờ tiếp nối vòng tay của các ân nhân và Đoàn thể đóng góp, đã đưa nguồn vốn lúc nầy lên đến hơn 25 triệu đồng và được giao cho Ban Thường vụ HĐGX. quản lý. Đến ngày 31 tháng 7 năm 1999, nguồn vốn được chuyển giao lại cho Đoàn Tráng niên trực tiếp quản lý và điều hành.
Vào ngày 23 tháng 8 năm 1999, Cha Quản xứ đã chính thức phê nhận cho Bản phác thảo khiêm tốn của Ban Chấp hành Đoàn Tráng niên thành Nội lệ Quỹ Khuyến học Giáo xứ Châu Sơn. Đến năm 2000, Quỹ Khuyến học đã thực sự khẳng định được tính đúng đắn.
Qua 5 năm xây dựng, sau 2 kỳ huy động nguồn lực của Đoàn Tráng niên Giáo xứ, Quỹ đã có những bước đầu phát triển hữu ích và tốt đẹp nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của các đoàn viên Tráng niên và các Đoàn thể, cùng với lòng hảo tâm giúp đỡ của các ân nhân trong và ngoài Giáo xứ. Cha Quản xứ luôn là ngọn cờ đầu để chuyển hướng cho một tương lai mới của Quỹ Khuyến học.
Theo tinh thần cuộc họp của Đại hội đồng Giáo xứ vào ngày 17 tháng 12 năm 2000 đã nâng Quỹ Khuyến học lên tầm cỡ Giáo xứ. Và qua đó, Giáo xứ đã chính thức công nhận là một Ban trong cơ cấu hoạt động của Hội đồng Giáo xứ.
Theo dòng thời gian, Quỹ Khuyến học Giáo xứ ngày càng phát triển lớn mạnh. Thành quả mỹ mãn này phần lớn nhờ vào sự động viên hỗ trợ của quý Cha Quản xứ, sự năng nỗ tiếp sức của các bậc Phụ huynh và nhất là của các ân nhân trong ngoài Giáo xứ đã sẵn lòng mở rộng vòng tay nhằm nâng cao nhận thức cho tương lai của Giáo xứ và cho chính các con em. Với nguồn vốn bước đầu của Quỹ còn hạn hẹp. Và, theo quy định của Nội lệ, Quỹ chỉ được sử dụng nguồn lãi để chi cho các Dịch vụ Khen thưởng và các Sinh hoạt Hè. Nhưng, theo Nghị quyết của Đại hội đồng thường kỳ năm 2001, mỗi năm Nguồn vốn Quỹ Khuyến học phát triển lớn mạnh nhờ vào sự đóng góp nhiệt tình của các Đoàn thể, các bậc cha mẹ và các ân nhân trong và ngoài xứ.
III. Tổ chức Điều hành & Quản lý.
Nội lệ Quỹ Khuyến học quy định cụ thể như sau :
Đại hội đồng Giáo xứ : thẩm quyền cao nhất, biểu quyết tổ chức xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học. Ban Chỉ đạo gồm Linh mục Quản xứ : chỉ đạo mọi sinh hoạt của Quỹ – Ủy viên Ban TV.HĐGX : Cố vấn và kiểm tra – Thành viên BCH. Đoàn Tráng niên : Trưởng ban Điều hành Quỹ – Thành viên BCH. Phụ nữ, Thanh Tráng niên và Thanh niên : Ủy viên – Các Thành viên BCH. Thiếu nhi : lập Danh sách các Đối tượng được khen thưởng.
Ban Điều hành gồm Trưởng ban : chịu trách nhiệm tổng quát cùng với hai Tiểu ban Phát triển Quỹ và Kế hoạch Khen thưởng & Khuyến học. Trưởng ban hiện nay là Đoàn phó Kế hoạch của Đoàn Tráng niên – Tiểu ban Phát triển Quỹ gồm Trưởng Tiểu ban : anh Hoàng Xuân Thanh; Kế toán : anh Trần Thanh Hiệp và ủy viên : anh Trần Ngọc Huân – Tiểu ban Khen thưởng : do các Trưởng của Cộng đoàn Thiếu nhi đảm nhận.
IV. Hoạt động Phát thưởng.
Đối tượng phát thưởng, chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn xét thưởng cho các em học sinh tiên tiến của từng cấp theo Niên khoá :
–Niên khoá 1998-1999 : phát thưởng cho 80 em.
–Niên khoá 1999-2000 : phát thưởng cho 188 em.
–Niên khoá 2000-2001 : phát thưởng cho 253 em và 4 em khuyết tật vượt khó.
–Niên khoá 2001-2002 : phát thưởng cho 286 em và 5 em khuyết tật vượt khó.
–Niên khoá 2002-2003 : phát thưởng cho 306 em và 3 em khuyết tật vượt khó.
–Niên khoá 2003-2004 : phát thưởng cho 334 em và 4 em khuyết tật vượt khó.
–Niên khoá 2004-2005 : phát thưởng cho 410 em và 3 em khuyết tật vượt khó.
Với nguồn vốn ít ỏi và đồng lãi còn đang khiêm tốn, hằng năm Ban Vận động đã tổ chức được những phần quà nhỏ bé để trao thưởng cho các em Học sinh giỏi trong Giáo xứ. Việc làm ý nghĩa nầy đã góp phần khơi gợi lên ý thức Giáo dục nơi các bậc Phụ huynh và khích lệ sự thi đua học tập nơi các con em thiếu nhi. Mỗi năm số học sinh giỏi càng tăng lên, năm sau nhiều hơn năm trước. Từ bước đầu chỉ có hơn 80 em học sinh giỏi, đến nay số đó đã tăng lên đến 410 em.
Cùng góp sức cho phong trào “ toàn dân học tập, toàn dân thi đua làm giáo dục ” và xét thấy bà con giáo dân tâm huyết với sự nghiệp “ trồng người ”, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, ngày 02.8.2005, Hội Khuyến học thành phố đã quyết định thành lập Chi hội Khuyến học Giáo xứ Châu Sơn
50 năm nhen nhúm nhiều nỗ lực, Quỹ Khuyến học Giáo xứ nay đã tròn 10 năm. Sự quan tâm đến Giới trẻ trong Giáo xứ đã là mối chăm lo chung của tất cả mọi thành phần trong Giáo xứ. Các bậc cha mẹ đã hết sức đầu tư cho con cái trong việc học tập và nâng cao kiến thức văn hoá. Một tín hiệu đáng mừng khi hằng năm số lượng con em trong Giáo xứ vào các trường Đại học, Cao đẳng tăng lên đáng kể. Phải chăng niềm thao thức cùng chung xây cho tương lai của thế hệ trẻ bây giờ không còn chỉ là nỗi trăn trở của Cộng đoàn Tráng niên khi hình thành, mà là dậy lên một tinh thần ý thức chung của toàn Cộng đoàn trong Giáo xứ.
Với những thao thức trên, Ban Khuyến học Giáo xứ thiết tha kêu gọi sự hỗ trợ tiếp tay của mọi thành phần trong Cộng đoàn Dân Chúa. Để những món quà đầu năm học mới cho các con em sẽ thêm phần phong phú, sống động và thiết thực.
Tác giả bài viết: Quỹ Khuyến Học
Những tin mới hơn