THƠ: DÃ QUỲ VÀ HOA MAI

Thứ năm - 27/01/2022 21:15
Giáo xứ Châu Sơn đã trải qua 65 mùa Xuân với biết bao nhiêu vui buồn, sướng khổ Nhất là sau biến cố 1975 : chuyện làm ăn vất vả, khó khăn: trồng mía, 30 tết mía cháy! Trồng cà phê, mồng 2 tết nước về, chở dây đi tưới! Con dân giáo xứ có một số đông xuất ngoại theo nhiều diện. Một số đông bạn trẻ đi học, làm việc và lập gia đình phương xa . Có nhiều bạn “ Xuân này con không về” vì dịch bệnh v.v..Giáo xứ giờ đã có nhiều đổi thay, nhưng ai đó vẫn có chút ngậm ngùi hoài niệm. Anh Ngọc Hạnh đã cảm tác bài thơ “ Dã quỳ và hoa mai”, xin giới thiệu đến quý bạn đọc.
THƠ: DÃ QUỲ VÀ HOA MAI



DÃ QUỲ VÀ HOA MAI.

(Thân tặng những người xa quê.)

Jos. Trần Ngọc Hạnh

 

Cành hoa mai chúc tết người viễn xứ
Dã quỳ vàng cho kẻ “ thiếu quê hương”
Nương rẫy, làng quê, hoa dại bên đường
Khi xa xứ bỗng đan thành nỗi nhớ

 

Ruộng thấp, đồi cao oằn vai một thuở
Đã thấy vui khi lúa mới đòng đòng
Chuông lễ lên đường nước đục, nước trong
Khổ lắm lắm ! đêm giao thừa…mía cháy

 

Mùa tưới tắm đêm trắng đêm ngoài rẫy
Vũng nước cuộc đời chấp chới sao băng
Dãi Ngân hà sao chẳng thấy Ngưu Lang ?
Nghe nước chảy, nụ hoa nào sắp nở ?

 

Lũ côn trùng đêm thì thầm to nhỏ
Nỉ non buồn hay khúc nhạc cầu kinh
Đất trời mênh mông, thui thủi một mình
Chờ con nước trên nguồn về bất chợt

 

Sương muối chưa qua, lại mùa gió lớn
Thất bát mùa màng, “cháo nóng húp quanh”
Cũng bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành
Ly rượu mật mừng Xuân cùng thế sự

 

Có những địa danh nghe như chiến sử
Hai lẻ một, Mít nài, Ba tám tư
Năm năm chín, Rú le… tự bao giờ
Thành máu thịt, áo cơm dân Núi Ngọc

                  ******
 

y nghia hoa da quy va cach trong cham soc giup hoa no dep hoa d qu 1 1595411506 731 width720height403
Hoa Dã Quỳ

 

Khi cuộc đời ở bên kia triền dốc
Trong mắt chiều đã soi bóng hoàng hôn
Như cá hồi bơi ngược nước lên nguồn
Thân giả hiệp nhớ quê cha đất tổ

 

Đến rồi đi như mây trời theo gió
Những bi hài oan khuất “ tấn trò đời”
Cứ “ khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” ( P.D)
Ngày tháng cũ hom hem không trở lại.

 

Là cây cải, cứ lên trời theo cải
Phận rau răm, ở lại đắng rau răm
Có đêm ba mươi, đến độ trăng rằm
Vòng nhật nguyệt khiến “ sơn băng địa liệt”

 

Tháng Chạp kết, mười hai lần trăng khuyết
Lại thêm xuân, có nghĩa lại thêm già
Cánh chim nào cứ biền biệt bay xa
Có kịp về khi dã quỳ mới nở ?

 

Nghìn trùng xa cách, con chim lìa tổ
Biết “ bao giờ cho đến ngày xưa”
Đôi sánh đôi cùng đi lễ Giao thừa
Kỷ niệm đẹp vì đã thành… quá khứ.

 

Xuân trên cao cùng Đức Vua vũ trụ
Xuân thánh đức có Mẹ Chúa thiên đàng
Về xứ Châu, đến Đức Mẹ đầu làng
Đã thấy Mẹ đang âm thầm ngóng đợi

 

Muôn nẻo nhân sinh, đường đời trăm lối
Biển lớn, sông dài, truông, phá, sơn khê
Có Chúa cùng đi, theo Mẹ cùng về
Bến bình an, cả một đời hy vọng
 

sac mai phuong nam 5
Hoa Mai

 

Chiếc lá tàn đông bay qua mái tóc
Hương thời gian theo cơn “ gió Cố Trùm”
Gió huyền thoại về xóm ruộng, xóm trong
Lạnh cuối năm cho mai, đào ươm nụ

 

Tội nghiệp “ trâu già” kéo cày năm cũ
Luống nhọc nhằn, không “ ruộng mật bờ xôi”
Luống đau thương, nước mắt, luống ngậm ngùi
“ Cô vy” đến…đường giăng dây, đóng chốt

 

Chỗ này F không, nơi kia F một
Xé đêm trường, còi rợn rú, hoang mang
Xấu đẹp không màng, bịt mặt, khẩu trang
Mùa Xuân đến có chút gì vội vã!

 

Những được, mất như “ tái ông thất mã”
Chuyện Nước Trời, năm trinh nữ khôn ngoan
Sức khỏe, gia đình, hạnh phúc, bình an
Chỉnh cánh buồm…đừng phàn nàn hướng gió

 

Ai cũng có người để thương để nhớ
Một mái nhà, một tổ ấm bên nhau
Góc trời riêng, lưu luyến thuở ban đầu
Đơn giản thế… mà hạnh phúc cũng thế

 

Mùa Xuân đến, những mùa Xuân của mẹ
Tết đã về, nhiều cái Tết cùng cha
Hoa mai vàng, người năm cũ rất xa
Trong cõi lớn với mùa Xuân hy vọng

 

Sáu lăm năm, mừng Châu sơn, Núi ngọc
Xứ sở mình giờ “ đổi thịt thay da”
Nhưng “ đất lề quê thói” vẫn đậm đà
Bao giờ nhỉ…Ai về quê ăn Tết?

                            Xuân Nhâm Dần 2022

Tác giả bài viết: Jos Trần Ngọc Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây