CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY

Thứ bảy - 14/03/2020 03:45
Chúa nhật tuần thứ ba Mùa chay trở về, phụng vụ Lời Chúa với những câu chuyện thời Cựu ước cũng như thời Tân ước, đưa chúng ta đến cuộc sống tâm linh của mỗi người trong hiện tại, để chúng ta giúp nhau tìm được nguồn dưỡng chất cho đời sống tâm linh của mình cũng như giúp mỗi người cũng tìm ra những dưỡng chất cho chính họ.
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42)

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria). Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống". Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?" Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý". Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".

Suy niệm

Nhu cầu về đời sống tâm linh vẫn mãi là những nhu cầu khẩn thiết trong đời sống con người, và đặc biệt là người tín hữu Kito trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Chúa nhật tuần thứ ba Mùa chay trở về, phụng vụ Lời Chúa với những câu chuyện thời Cựu ước cũng như thời Tân ước, đưa chúng ta đến cuộc sống tâm linh của mỗi người trong hiện tại, để chúng ta giúp nhau tìm được nguồn dưỡng chất cho đời sống tâm linh của mình cũng như giúp mỗi người cũng tìm ra những dưỡng chất cho chính họ.

 

Hành trình trở về đất hứa của dân Do thái là một thiên tình sử. Trong câu chuyện đó, Giave như người tình, luôn lo lắng, chăm sóc và bảo vệ dân, người bạn tình của Ngài, mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Từ miếng cơm, manh áo hàng ngày, là nhu cầu thể lý, đến đời sống phượng tự, đời sống nghi lễ, nhu cầu tâm linh. Có dân tộc nào được thần linh nuôi dưỡng suốt 40 năm trường như thế không ? chắc không bao giờ có. Ngài còn hướng dẫn họ các nghi lễ phượng tự, để qua những nghi lễ đó, họ hoàn thiện đời sống bản thân cũng như đời sống cộng đoàn, hoàn thiện luôn tương quan giữa con người với nhau, và sau nữa là tương quan giữa họ với Giave. Còn người bạn tình nào được chăm sóc và quan tâm đầy đủ bằng dân Do thái, người bạn tình của Giave, thế mà, thay vì tình yêu đền đáp tình yêu, họ đã lấy oán trả ân. Phản bội, kêu la, chống đối, nổi loạn và bao hình thức bất trung khác, luôn xuất hiện, làm cho Giave có những lúc nổi giận như muốn gạt bỏ dân tộc đó khỏi mặt đất. Câu chuyện dân chúng nổi loạn tại mạch nước Meriba mà tác giả sách Xuất hành ghi lại trong bài đọc 1 là một ví dụ điển hình: “Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: "Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy". Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: "Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Sự nghi ngờ và thái độ bất trung vẫn là một chứng bệnh nằm sâu trong suy nghĩ của dân chúng. Giave Thiên Chúa song hành với họ trên từng bước chân, lo lắng cho họ như thế, vậy mà họ vẫn nghi ngờ, vẫn nổi loạn, làm cho người lãnh đạo là Moisen cũng bị cuốn vào trong nỗi nghi ngờ đó: “không biết có Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta không ?”. Vì nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, dân chúng và cả Moisen bị Giave nghiêm phạt, dân chúng bị quở trách, Moisen không được vào đất hứa. Mối nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa đâu đó vẫn tồn tại trong thế giới con người hôm nay, ngay cả trong cộng đoàn môn đệ của Ngài. Tại sao có sự hiện diện của Thiên Chúa mà dịch bệnh mọi thứ cứ hoành hành và tàn phá gia đình nhân loại như thế ?

Nỗi nghi ngờ và sự yếu kém trong đời sống tâm linh của con người vẫn mãi là một sự trăn trở của bao người. Khi Đức Giesu đi vào lịch sử nhân loại, Ngài cũng đã nhiều lần chứng kiến những mối nghi ngờ của con người, ngay cả những đồ đệ thân tín bên cạnh Ngài trong thời gian 03 năm đi rao giảng công khai. Dân chúng thấy những dấu lạ Ngài làm thì lớn tiếng trầm trồ nhưng niềm tin thì chưa thực sự bén rễ sâu, các môn đệ chứng kiến những mẻ cá lạ lùng, những giỏ bánh đầy cho mấy ngàn người cùng ăn, và họ đi từ ngạc nhiên này tới những ngạc nhiên khác, nhưng thực sự niềm tin và sự khao khát trong đời sống tâm linh của họ đã được vun đầy và thoả mãn chưa ? thánh Phaolo trong lá thư gởi giáo đoàn Roma, ngài nói với họ rằng, con người được công chính, được nên hoàn thiện trong đời sống tâm linh là do bởi niềm tin chứ không đến từ công trạng của bản thân. Ai cũng nghĩ rằng, công trạng của mình đóng góp, hy sinh sẽ giúp mình nên công chính, nhưng thực sự, sự công chính đích thực đến từ niềm tin kiên định và chân thành, sẽ giúp họ phục vụ hay sống tình cộng đoàn đúng nghĩa hơn: “Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa”. Nếu mỗi người đều khao khát sự công chính đến từ niềm tin, ắt sẽ có một gia đình, một cộng đoàn huynh đệ thực sự của Thiên Chúa, tiếc thay, con người thường thể hiện công trạng và tài năng của mình, để yêu sách Thiên Chúa phải trả công bội hậu cho họ về những gì họ làm. Có phải lúc đó, họ đã thoả khát với những tham vọng của bản thân rồi chăng ? còn như sống và phục vụ với niềm tin chân thành, sự công chính của Thiên Chúa ắt sẽ đến và giúp con người đó thoả mãn cơn khát sự công chính và thánh thiện của Thiên Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Tiếc thay, đó mà một ước mơ chứ chưa thể là hiện thực.

 

Mỗi ngày, Đức Giesu thả bước trên những nẻo đường của đất nước Do thái, chia sẻ phận người khiếm khuyết với dân tộc của Ngài. Hôm nay, Ngài vượt ra khỏi ranh giới đó với một chuyến vi hành đi qua đất của người dân ngoại, người Samaria. Với người Do thái, đó là những người không cùng niềm tin, không cùng tôn giáo và tất nhiên là không cùng người Cha chung là Thiên Chúa. Đức Giesu không suy nghĩ như dân tộc của Ngài, Ngài dừng bên bờ giếng Giacop và trò chuyện với những người ngoại kia. Trong cuộc trò chuyện đó, Ngài thấy được cơn khát của mọi người, dù đó là dân ngoại hay dân Do thái, khát mong sự công chính, khát mong sự thánh thiện và khát mong cả nhu cầu và những hạnh phúc tầm thường trong cuộc sống, dù đó là ơn gọi nào. Thấu hiểu những nỗi niềm đó, Đức Giesu đã giới thiệu cho những người Samaria thứ nước hằng sống, họ sẽ được thoả mãn cơn khát về cả thể lý lẫn tinh thần, khi họ đó nhận nguồn nước hằng sống đang đứng đối diện với họ, là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Con Chiên xoá tội trần gian: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống". Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?" Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.  Người phụ nữ Samaria cùng với bà con họ hàng kéo đến bên cạnh Đức Giesu để xin Ngài thứ nước hằng sống. thứ nước đó không giống thứ nước dưới giếng, nhưng đó là nước đến từ trái tim tình yêu. Thiên Chúa đang khát thứ nước đến từ trời đó là nước tình yêu. Ngài yêu con người không phân biệt dân tộc, không phân biệt tôn giáo, Ngài yêu tất cả, tình yêu đó không phải chỉ làm thoả mãn cơn khát về tinh thần thôi, nhưng còn làm thoả mãn những cơn khát được quan tâm, được yêu, được trân trọng và được sống bình đẳng như là những thành viên trong một gia đình: “Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.

 

Nếu chúng ta có một cái nhìn của tình yêu đến từ Thiên Chúa, chúng ta có thể hình dung cộng đoàn dân Samaria là một đoàn dân mới trong ơn cứu độ của Đức Giesu, Ngài đã vượt qua ranh giới của dân Do thái, đến với những người họ cho là kẻ thù, cho là không xứng đáng đứng vào hàng ngũ dân Thiên Chúa. Vậy mà, nơi cộng đoàn đó, họ đã nhận ra Đấng Cứu Thế, người đang nói chuyện với họ, đã đem đến cho họ niềm vui tình người, niềm vui tình trời và hơn nữa là niềm vui cứu độ. Và cũng từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa không đóng khung theo giới hạn của con người, nhưng được giàn trải khắp mọi nơi và đường biên giới là không có đường biên. Và niềm vui đó, hôm nay Giáo hội đang mời gọi con cái tiếp tục đem đến cho anh chị em của mình. Để có thể đem dòng nước tình yêu và tình người đến với mọi dân tộc và mọi quốc gia, người môn đệ của Đức Giesu cần có một đôi mắt của tình yêu, biết nhận ra Đức Giesu đang hiện diện đó đây nơi mỗi người chung quanh, để tôn trọng, để chia sẻ, để yêu thương và để cùng họ trở về một mái nhà chung là nhà Thiên Chúa.

 

Ơn gọi nào cũng được mời lên đường, từ ơn gọi hôn nhân, người tín hữu Kito được mời làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng sự hy sinh, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Tình yêu đến từ Thiên Chúa là tình yêu không tính toán, không điều kiện, và Thiên Chúa đang muốn người môn đệ sống ơn gọi hôn nhân, hãy vẽ lên bức tranh tình yêu đó bằng sự chung thuỷ và yêu thương lẫn nhau. Bên cạnh ơn gọi hôn nhân, ơn gọi dâng hiến cũng là một con đường dành cho những ai được mời lên đường. Họ đi vào thế giới này, để giới thiệu cho thế giới một tình yêu phục vụ, một tình yêu sẵn sàng quên mình để sống cho, sống cùng và sống với anh chị em mình. Bức tranh tình yêu mà ơn gọi dâng hiến được mời giới thiệu là một đường thẳng được kết lại bằng những nét cong trong bàn tay của Thiên Chúa. Ngài mời mỗi người đi vào huyền nhiệm tình yêu với một lối nẻo khác nhau, để làm cho bức tranh tình yêu đó phong phú hơn. Tiếc rằng, cả hai ơn gọi đó, nhiều lúc chỉ dừng lại nơi những giới hạn của con người, thậm chí là dừng lại theo những tính toán của thế gian. Thiên Chúa muốn tất cả con người được thoả mãn cơn khát của tình yêu, để họ chân nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ngay hôm nay, ngay trong môi trường họ đang sống và làm việc, và ngay trong thế giới này, dù thế giới đang nghiêng chiều theo chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ.

 

Lạy Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống, Ngài đã đem đến cho nhân loại dòng suối của tình yêu và ơn cứu độ. Xin cho mỗi người chúng con được cộng tác với Chúa Thánh Thần mỗi ngày, trở nên nguồn suối của tình người và tình trời, giúp anh chị em đến với Thiên Chúa. Chúa đã làm cho những người Samaria được thoả mãn cơn khát cả thể lý lẫn tinh thần. Xin giúp mỗi người chúng con, được no thoả cơn khát tìm Chúa mỗi ngày, được no thoả tình yêu trời cao, để chúng con trở nên nhịp cầu ngoại biên, đem dòng nước dịu mát của ơn cứu độ đến cho thế giới hôm nay và ngày mai. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây