SỰ KHÓ NGHÈO THEO KINH THÁNH

Thứ hai - 22/01/2018 09:12
Lời khấn đầu tiên trong ba lời khấn thường được nói đến là lời khấn khó nghèo. Thật sự mà nói, chẳng ai trong chúng ta thích nghèo. Nghèo là một tình trạng tồi tệ, là điều Thiên Chúa không hề muốn.

Lời khấn đầu tiên trong ba lời khấn thường được nói đến là lời khấn khó nghèo. Thật sự mà nói, chẳng ai trong chúng ta thích nghèo. Nghèo là một tình trạng tồi tệ, là điều Thiên Chúa không hề muốn. Mọi nỗ lực của Giáo Hội, xã hội và từng người chúng ta đều nhắm đến việc giúp nhân loại thoát khỏi cái nghèo, chẳng còn ai phải thiếu cái ăn cái mặc. Có nhiều nguyên do dẫn đến cái nghèo: có thể là do lười lao động, hoặc không có điều kiện lao động; có thể do sinh ra đã nghèo, dù có cố gắng nỗ lực nhưng chưa gặp may; cũng có thể do sự bất công xã hội… Nghèo thì chẳng có gì trong tay, tiếng nói của mình không được ai nghe, nhân phẩm của mình bị người ta coi thường. Nói tóm lại, cái nghèo biểu hiện cho một sự dữ, một kiểu kém may mắn, một tình trạng mà ai cũng muốn thoát khỏi.

Vậy tại sao lại khấn khó nghèo? Tại sao nhiều dòng tu, nói là đã khấn khó nghèo, mà cơ ngơi lại hết sức lộng lẫy? Sống trong một toà nhà cao và đầy đủ tiện nghi liệu có đi ngược lại với lời khấn khó nghèo không? Kỳ thực, các tu sĩ khấn khó nghèo không phải để trở nên thiếu thốn trăm bề, không có ăn không có mặc, quần áo rách rưới… Sự khó nghèo trong lời khấn khó nghèo cũng không chỉ nói đến yếu tố vật chất bên ngoài. Nhưng trước khi đào sâu vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về sự khó nghèo và quan niệm về nó biến đổi như thế nào theo dòng thời gian, qua các thời kỳ khác nhau.

Thời kỳ đầu của Cựu Ước, người ta chỉ biết đến đời này. Cuộc sống hiện tại là nơi sự hiện diện của Thiên Chúa được phô bày cách trọn vẹn. Vì thế, giàu có được xem là điềm may, một diễm phúc, được Thiên Chúa ân thưởng. Những người giàu thường chỉ là số ít. Họ được mời gọi để sống đức ái, chia sẻ với người khác những gì mình có, nhưng đây chỉ là một hành vi liên đới, chứ không được coi là một nhân đức. Và để được giàu có, con người phải tuân giữ giao ước với Thiên Chúa, phải tuân giữ mệnh lệnh của Ngài. Giao ước được xem là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người; bất cứ khi nào con người bất tuân Thiên Chúa, phản bội lại những gì đã hứa với Ngài, tôn sùng thần ngoại, ngay lập tức sẽ có những tai hoạ ập đến. Ngược lại, ai rơi vào hoàn cảnh túng quẫn thì bị cho là bị Thiên Chúa trừng phạt, đó là người bị chúc dữ. Những người đó đang sống trong tình trạng tội lỗi hoặc là những kẻ thiếu may mắn, bị Thiên Chúa lãng quên.

Đọc các sách ngôn sứ hoạt động vào khoảng thế kỷ thứ 8 tr.C.N, chẳng hạn như Hôsê, Amos, Isaia I, Michea, ta thấy được tình trạng bất công xã hội rất nặng nề tại vương quốc Israel (vương quốc phía Bắc, trong thời kỳ đất nước bị chia làm đôi sau khi vua Salomon qua đời). Các ngôn sứ đã không ngần ngại buông lời chê trách thậm tệ một xã hội tuy phát triển về kinh tế nhưng lại có tình trạng giàu bóc lột nghèo. Có hai thái cực được hình thành: giàu – nghèo. Người ta không còn bận tâm đến chuyện giàu là phúc – nghèo là hoạ. Cái bị lên án chính là sự phân hoá giàu nghèo này, vốn được xem là hậu quả của việc con người lãng quên Thiên Chúa. Cái nghèo dĩ nhiên bị coi là một sự dữ, nhưng không phải đến từ sự trừng phạt của Thiên Chúa mà do sự bất công gây ra. Người nghèo, do không còn nơi nào để bám víu, nên chỉ biết hướng về trời cao, cầu khẩn Thiên Chúa. Ý thức về sự nghèo hèn của mình trở thành một thái độ tôn giáo. Cái nghèo giúp người ta biết cúi đầu trước Thiên Chúa và xem Ngài như là cứu cánh duy nhất của cuộc đời.

Trong thời gian lưu đày ở Babilon, hơn bao giờ hết, dân Israel ý thức về sự nhỏ bé và nghèo hèn của mình. Do bất trung với Thiên Chúa, họ đã mất đi nhà cửa, đất đai, Đền Thờ. Nơi đất khách quê người, họ chỉ là một số ít nhỏ nhoi, cố gắng xoay sở để gìn giữ căn tính của mình qua việc giữ ngày Sabat, thực hiện việc cắt bì. Sách Isaia II (từ chương 40–55) mời gọi người dân – những người nghèo – hãy có lòng tín thác nơi Chúa, vì chính Người sẽ đến an ủi dân mình. Đến đây, ta thấy có một sự thay đổi về quan niệm dành cho người nghèo. Nếu như lúc trước, người ta cho rằng Thiên Chúa chỉ quan tâm đến người giàu và ban cho họ sự phú túc thì bây giờ, đối tượng mà Thiên Chúa đưa mắt nhìn đến lại là những con người phải sống lưu đày tha hương, những người mất đi tất cả, không có gì trong tay. Cái nghèo đưa người ta đến với Chúa, giữ người ta ở lại trong tương quan với Chúa, giúp người ta thấy mình cần Chúa hơn. Thiên Chúa quả thật là một vị vua tốt lành, vì Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những thần dân nghèo đói của mình.

Đến thời Hy Lạp hoá, dân ngoại chà đạp Thiên Chúa, xúc phạm Đền Thờ, dẫn đến cuộc nổi dậy của anh em nhà Macabe. Trong trình thuật về cuộc tử đạo của bảy anh em (x.2Mcb 7,1–41), ta thấy thấp thoáng bóng dáng tư tưởng về sự sống đời sau. Tất cả đều sẵn sàng chết chứ nhất quyết không vi phạm luật Chúa vì tin rằng Chúa sẽ cho họ sống lại để vui hưởng sự sống đời đời. Khi có ý thức về sự sống đời sau, người ta bắt đầu phóng tầm nhìn ra xa hơn. Cái nghèo nói riêng và những đau khổ ở đời này nói chung không còn là một mối hoạ, một điềm gở hay một sự chúc dữ của Thiên Chúa nữa, bởi vì “sự sống đời sau” mới quan trọng. Rơi vào hoàn cảnh túng nghèo có thể là một thử thách của Thiên Chúa, và nếu mình vẫn trung tín với Ngài thì mình sẽ được Ngài bù đắp ở sự sống đời sau. Dù vậy, người ta vẫn đón nhận cái nghèo như một tình thế bất đắc dĩ, khi không còn chọn lựa nào khác, chứ không tự nguyện chọn nó như một lối sống.

“Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12,8). Đây là lời khẳng định của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Câu nói này của Ngài làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng nghèo là một tình trạng thường hằng không sao tránh khỏi. Ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào, người ta vẫn luôn thấy người nghèo ở một bình diện nào đó. Tuy vậy, trong suốt hành trình sứ mạng của mình, Đức Giêsu luôn dành một sự quan tâm đặc biệt dành cho những người nghèo. Ngài còn khẳng định rằng Nước Thiên Chúa là nước dành cho người nghèo khi dạy “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3) hay “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Dụ ngôn về ngày phán xét cũng để lại trong chúng ta không ít bận tâm khi vị Vua vũ trụ tự đồng hoá mình với người nghèo: thăm người nghèo là thăm Ngài, cho người nghèo thức ăn, quần áo chính là cho Ngài (x. Mt 25,34–40).

Đức Giêsu tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, nhưng ưu tiên hàng đầu của Ngài luôn là người nghèo, bởi vì lớp người này cần sự nâng đỡ nhất. Và để có thể tiếp cận với họ, tự bản thân Giêsu phải trở nên một trong số họ. Cái nghèo luôn đi theo Giêsu trong suốt cả hành trình dương gian: sinh ra nghèo, gia đình nghèo, sinh sống nghèo, rao giảng trong điều kiện nghèo, chết nghèo và được chôn cất cũng trong tình trạng nghèo. Ngài được Nicôđêmô và Giuse Arimata an táng chứ không phải do các môn đệ hay người nhà của mình. Ngôi mộ đặt thi thể Ngài cũng nhờ Giuse Arimana tặng cho (x.Ga 19,38–41). Ngài trở nên nghèo là vì người nghèo, chứ không quan niệm nghèo như là một hình thức để đạt đến mức độ chiêm niệm cao.

Khi kêu gọi các môn đệ, Đức Giêsu chỉ mời gọi họ hãy bước theo mình, chứ không nhấn mạnh gì đến sự khó nghèo. Có lúc Ngài nói đến sự từ bỏ và không ngoái lại đằng sau để một lần nữa tô đậm tính khẩn thiết của sứ mạng và sự hiển trị của Nước Trời. Khi Đức Giêsu bảo chàng thanh niên hãy bán hết mọi sự, cho người nghèo rồi đến theo Ngài (x.Mt 19,16-22), Ngài mời gọi anh ta hướng đến một sự thanh thoát tuyệt đối khỏi những dính bén của tiền tài danh vọng mà toàn tâm toàn ý tìm kiếm sự sống đời đời như lòng anh ước mong, chứ chẳng phải vì bản thân sự từ bỏ hay cái nghèo có gì đó đáng quý để theo đuổi. Đức Giêsu nói về chuyện “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Trời” (Mc 10,25) chính là muốn cảnh báo các môn đệ đừng để danh vọng bạc tiền níu giữ con tim mình, không cho mình thoả sức bay về phía trời cao, nhưng hãy luôn cố gắng làm cho mình được nhẹ bổng bằng cách buông bỏ những gì cản lối.

Các môn đệ đã noi theo lối sống của thầy mình. Họ tự nguyện từ bỏ mọi sự và xem đó như một điều kiện để nên giống Chúa cách hoàn thiện hơn. Thật ra, trong số các môn đệ, có một số người xuất thân rất khá giả. Nhưng để có thể thực hiện lệnh truyền “ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19), họ phải tự do với tất cả những gì mình đang nắm giữ trong tay. Họ chọn cái nghèo như một phương thức để phục vụ, và họ dạy các tín hữu phải biết nâng đỡ người nghèo. Thật vậy, ngay trong cộng đoàn đầu tiên, “không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ, tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4,34–35). Sự nghèo khó ở đây đã bắt đầu mang dấu tích của sứ mạng: vừa để mình không bị dính bén, vừa để mình có thể dễ đến với người nghèo.

Như thế, quan niệm về cái nghèo từ chỗ “một sự chúc dữ” của Thiên Chúa đã chuyển sang “một điều phúc vì được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến”, rồi sau đó là một thái độ sống theo Tin Mừng và vì sứ mạng. Sự khó nghèo còn tiếp tục được nói đến theo dòng lịch sử linh đạo với nhiều giai đoạn khác nhau.

 

Tác giả bài viết: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây