CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Thứ bảy - 19/10/2024 17:28
Chúa nhật thứ hai của tháng mười được dành riêng để cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo hội, đồng thời, Mẹ Giáo hội cũng kêu gọi con cái hãy chia sẻ phần nào giúp Giáo hội trong việc loan báo tin mừng.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô. (Mc 16,15-20)

Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng, chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.

Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Giêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVIII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 


Suy niệm

Có nỗi niềm thao thức nào lớn cho bằng nỗi niềm của Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, trước khi rời thế gian, nỗi thao thức đó là mong muốn con người thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi đất nước dưới gầm trời này được trở về ngôi nhà chung của mình, đó là ngôi nhà hạnh phúc vĩnh cửu, ngôi nhà của bình an tuyệt đối, ngôi nhà không còn phải lo toan, vất vả, không còn nước mắt và khổ đau, không còn bệnh tật và đói nghèo, đó là Nước Trời, vì thế, trước khi rời thế gian, Con Thiên Chúa đã mời các học trò của Ngài, đặc biệt là gia đình Giáo hội, hãy tiếp nối sứ mạng của Ngài, là đem ơn cứu độ tới cho mọi người. Chúa nhật thứ hai của tháng mười được dành riêng để cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo hội, đồng thời, Mẹ Giáo hội cũng kêu gọi con cái hãy chia sẻ phần nào giúp Giáo hội trong việc loan báo tin mừng.

Chứng kiến sự lầm than vì đau khổ, vì nô lệ, vì đói kém của dân chúng, tất cả đều là hậu quả của tội lỗi, tiên tri I-sa-i-a đã lên tiếng khích lệ tinh thần tôn giáo của dân chúng, ngài đã kêu gọi họ hãy vững tâm, hãy cùng sống trong sự hy vọng và kiên nhẫn của niềm tin, Thiên Chúa không bao giờ quên lãng dân Người đang vất vả trong phận người: “Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”. Một tia sáng mới đang dọi chiếu trên con người, đó là dấu chỉ Thiên Chúa không quên lãng dân Ngài, Ngài luôn dõi theo từng bước chân của họ, dù họ có trung thành hay quay lưng lại với Ngài. Thiên Chúa không bao giờ là một Đấng bội tín.

Thánh Phaolô, trong lá thư gởi cho người học trò của mình là ông Ti-mô-thê, ngài luôn nhắc cho ông biết bổn phận cao quý của mình là giới thiệu về ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, đồng thời, đó cũng là sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu phục sinh: “Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật”. Sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu phục sinh là phải giới thiệu về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Thầy mình cho nhân loại, cho thế giới, luôn biết cầu nguyện và cổ võ cho việc loan báo tin mừng cứu độ, làm sao để mọi người biết đâu là sự thật đích thực, và ai là những người được cứu độ, đó là ước mong của Thiên Chúa, là khát vọng vô biên của Đấng Tạo Hóa.

Khát vọng của Con Thiên Chúa làm người đó là, đã là người sẽ được cứu độ, được gọi Thiên Chúa là Cha, vì thế, sau khi đã hoàn tất sứ vụ ở trần gian, Thiên Chúa Cha đã trọng thưởng khi đón Ngài về trời trong vinh quang, phút giây chia tay tạm biệt các học trò và cộng đoàn sơ khai, Ngài mời họ tiếp tục sứ mạng của Ngài là loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân mọi thời đại: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Dù được rước về trời nhưng Đức Giêsu vẫn hướng về nơi Ngài đã làm người, vì thế, mỗi người tín hữu, khi đáp lời mời của Ngài, ra đi loan báo tin mừng cứu độ, đều có sự hiện diện thiêng liêng của Ngài trên từng bước chân của hành trình.

Ơn cứu độ là một ân ban của Thiên Chúa trao cho con người, hơn nữa, Ngài còn mong muốn không ai đứng ngoài cộng đoàn con cái của Ngài. Thao thức của Đức Giêsu ngày xưa cũng là thao thức của Giáo hội hôm nay, mỗi ngày, Giáo hội vẫn cầu nguyện cho việc truyền giáo và mời gọi con cái hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần và Giáo hội, để việc truyền giáo thêm phần tích cực hơn. Trong hành trình truyền giáo của người tín hữu hôm nay, luôn có sự đồng hành của Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn có sự hiện diện của Giáo hội và cộng đoàn, bởi đó là một công việc của Thiên Chúa mà con người được vinh dự tham gia và cộng tác tích cực. Sứ vụ này không chỉ dành riêng cho một ai và cho một tầng lớp nào trong Giáo hội, sứ vụ này được trao cho mọi người đã được rửa tội, được gọi là con cái Giáo hội.

Nhiều người ngại rằng truyền giáo phải bắt đầu từ đâu và phải làm thế nào để truyền giáo. Ngày xưa, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã rong duỗi trên mọi nẻo đường để truyền giáo với những bài giáo lý từ Kinh thánh, ngược lại, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu chỉ giam mình trong bốn bức tường của đan viện, chỉ đóng góp vào đó những lời cầu nguyện nhỏ bé, vậy mà được chọn làm Bổn mạng các nhà truyền giáo. Mỗi người được mời gọi tham dự vào một công việc theo ý muốn của Thánh Thần, nếu biết lắng nghe và khiêm tốn thực hành theo ý định của Ngài. Và hôm nay, tôi và bạn, mỗi người được đem tới một môi trường sống khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau, ở đó chúng ta có nhiều sáng kiến và điều kiện để truyền giáo.

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô khi ghé thăm các nước châu Á, Ngài tự nhận mình là một vị tôi tớ ghé thăm mọi người trong tình thân hữu, bởi ngài biết con cái ngài đang sống trong cái nôi của các tôn giáo lớn, nơi đó dễ có những xung đột, những hiềm khích và những va chạm rất đời thường giữa mọi người, Ngài đến để an ủi những người bị tổn thương, chia sẻ với các anh chị em tôn giáo bạn đang gặp khó khăn, đồng hành cùng các bạn trẻ đang mất định hướng cuộc đời. Cũng trong chuyến hành trình đó, Ngài gặp gỡ, chia sẻ với các tôn giáo bạn để góp phần làm ấm hơn tình huynh đệ trong gia đình châu Á, giúp mọi người ý thức hơn về tương quan giữa con người với môi trường, với mẹ thiên nhiên, để cùng nhau bảo vệ và chăm sóc môi trường và thiên nhiên xinh đẹp. Và đó có phải là việc truyền giáo không các bạn, thiết nghĩ tính nhân văn Kitô giáo lúc này đây đang cần được quan tâm, và như là sợi chỉ đỏ cho việc truyền giáo của Giáo hội trong thời đại mới.

Lạy Chúa, thao thức của Chúa ngày xưa cũng là trăn trở của Mẹ Giáo hội chúng con hôm nay, xin Chúa ban Thánh Thần tình yêu cho mỗi người, để chúng con lắng nghe được tiếng nói của Ngài trong sứ vụ truyền giáo của mình. Chúa luôn đồng hành với mỗi chứng nhân truyền giáo, xin giúp chúng con vững tin hơn trong ơn gọi và sứ vụ của mình, để chúng con cố gắng bằng chính khả năng và điều kiện hiện tại, chúng con sẽ đem ơn cứu độ và niềm vui Tin mừng tới cho mọi tâm hồn, cho mỗi gia đình bên cạnh chúng con. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây