Chữ "HIẾU" có 4 ký tự: H, I, E, U nhắc nhớ con cháu 4 việc phải làm để tỏ lòng hiếu thảo: H = HIỂU – I hay Y = YÊU – Ê = ÊM ÁI – U = ỦI AN. Hiếu thảo là bổn phận của chúng ta đối với bậc sinh thành. Hãy cố gắng sống tốt bổn phận ấy bằng cách cố gắng hiểu, yêu mến, thái độ êm ái và an ủi các ngài. Sống hiếu thảo không chỉ làm tròn bổn phận của chúng ta mà còn là gương sáng cho con cháu chúng ta sau này.
HIẾU THẢO : Mc 7,1–2.5–13a
Chiết tự HIẾU và Gợi ý
HIẾU là phụng dưỡng Mẹ Cha.
Mẹ Cha chống gậy, con là muỗm thay.
HIẾU (phụng dưỡng Cha Mẹ, Táng chế) được ghép bởi ba chữ TỬ (người con trai), THỔ (đất, quê hương) và PHIỆT (nét phết xuống, tượng trưng chiếc gậy). Được hiểu là khi Cha Mẹ già đi trên đất và chống gậy thì con (trái) phải nâng đỡ chăm sóc. So sanh chữ HIẾU ( phụng dưỡng mẹ cha, táng chế) và chữ LÃO (già) chúng ta thấy ngay chữ Tử (người con) thay cho chữ Chủy (muỗm, thìa), con là chiếc muỗm, giúp cha ăn tuổi già; thay cho đôi đũa, bởi giờ tay cha run.
Chúng ta có được vài gợi ý đẹp qua chiết tự:
+ HIẾU là phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, lúc về già: Chúng ta thường ăn cơm bằng đũa, thế mà trong chữ Hiếu nói về chuyện chăm sóc cho cha mẹ lại chỉ có chữ thìa, muỗm (chủy). Hiếu là thế, phải cụ thể! Khi cha mẹ già đi trên đất (thổ) phải chống gậy (phiệt) thì người con (trai: tử) phải nâng đỡ và không chỉ lo cho cha mẹ có cơm ăn, áo mặc; mà còn phải trở thành cái muỗm để giúp cho cha mẹ ăn được ngon. Xin phân tích chữ HIẾU để thấy rõ ỹ nghĩ sâu xa của việc hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ:
H = Hiểu : Một người muốn sống và thực hiện chữ hiếu phải hiểu điều này: Cha Mẹ khi về già thừơng Hoài-Cổ, thường nhớ chuyện xưa và kể nhiều lần không chán. Kế đến là trí nhớ giảm sút, dễ quên nên thường hỏi đi nói lại mà chúng quen gọi là lẩm cẩm.
I = Yêu : Sống hiếu thảo không thể thiếu tình yêu thương, mà yêu thì phải thể hiện ra qua những việc làm, chăm sóc cụ thể, “Đêm đêm con thắp đèn trời. Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con”.
Ê = Êm đềm (tôn trọng) : Hiếu thì phải yêu, mà yêu thiếu tôn trọng sẽ biến người mình yêu thành nô lệ, lệ thuộc, mất tự do. Thiếu êm đềm tôn trọng thì một ký thịt bò còn thua cả ký khoai lang: ‘mẹ ơi, mẹ khỏe nhiều hả mẹ; sáng nay thấy khoai ngon con mua biếu mẹ ăn lấy thảo mẹ nhé!’ chưa ăn mẹ đã cảm được vị ngọt từ cổ họng. Còn cứ ngồi trên xe, ném vội ký thịt bò tươi rói vào cửa: ‘thịt còn tươi đấy, bà làm ngay đi, tôi về đây đang bận lắm’ thị thịt ngon mấy, mẹ cha đã thấy đắng lòng.
U = Ủi an (thăm viếng) : Không ai muốn được gần con bằng cha mẹ, dù miệng ‘nói tránh’ ‘đủ lông đủ cánh rồi’ cứ việc đi đâu thì đi!’. Đứng quên rằng: người già rất dễ tủi thân, thăm viếng là cách tốt nhất nói lên lòng biết ơn và khẳng định với người già: họ vẫn còn rất cần thiết cho cuộc đời này: “Mẹ già ở túp lều tranh, Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”.
+ HIẾU là tổ chức tang lễ và giỗ kỵ, kính nhớ cha mẹ khi các vị đã qua đời: Việc trả hiếu này chỉ có ý nghĩa và hợp nghĩa khi đã phụng dưỡng chu đáo khi còn sống chứ chỉ chờ đến lúc các vị đã khuất mới lo thì chưa tròn đạo làm con.
Ca dao:“Khi sống thì chẳng cho ăn.
Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi".
Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài thơ “Mẹ”, đã nghẹn ngào, trong nước mắt hối hận:
“Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ,
sống tự do như một cánh chim bằng.
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái,
có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn,
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc.
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác,
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ.
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ,
giọt nước mắt già nua không ứa nổi.
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi,
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng …”
Tác giả bài viết: Lm. JB. Trần Đinh Tử.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn