GIÁO LÝ DIỄN CA MỘT DÒNG CHẢY SƯ PHẠM TRUYỀN THỐNG

Thứ tư - 10/11/2021 09:14
Thân mến gửi về giáo xứ - làng xóm Châu Sơn một nén tâm hương, để cùng kính nhớ vị chủ chiên chỉ ở với chúng ta một thoáng, rồi lặng lẽ ra đi. Cha GB Nguyễn trí Thức(1906-1977). Ngài, nói như Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh “Đã dành cả một đời cho Giáo lý Công Giáo”
Ở góc độ của một giáo dân “đi tìm ký ức văn hóa” và “Thượng nguồn thi ca Công Giáo Việt Nam” tôi vô vàn tri ân và nhớ tiếc Ngài.
Nay, nhân mùa báo hiếu của Tháng Cầu Hồn, lòng chạnh nhớ… và thầm đọc câu thơ ngậm ngùi của cụ Nguyễn Du, quê Hà tĩnh: “…Trông ra ngọn cỏ lá cây…thấy hiu hiu gió thì hay… Cha về”.
cha GB Nguyễn Trí Thức - Quản xứ Châu sơn 28.01.1959 - 10.03.1960
cha GB Nguyễn Trí Thức - Quản xứ Châu sơn 28.01.1959 - 10.03.1960

GIÁO LÝ DIỄN CA
MỘT DÒNG CHẢY SƯ PHẠM TRUYỀN THỐNG

 

Từ lâu, lâu lắm rồi, có lần tôi đã đọc quyển sách Giáo Lý mỏng tanh này, trong gian phòng tối om và nghèo nàn của một người anh em linh mục ở Kontum. Người ấy nói thành thạo tiếng Jarai, Sedang, Ede như tiếng mẹ đẻ. Lâu quá rồi, quên bẵng đi. Dễ đến 40 năm hơn. Tình cờ, trong mấy ngày sinh hoạt chung tại chủng viện Qui Nhơn với Ban Biên Tập Tủ Sách Nước Mặn – nhân dịp trao Giải Thưởng Viết Văn Đường Trường, 9.2015 – tôi gặp chị Agnès Nguyễn Thị Vàng (Bút danh Cát Vàng), một cây viết quá đỗi nhiệt tình từ Kontum - một trong những khách mời của Ban Tổ Chức. Trong những buổi gặp gỡ chung và riêng, tôi thấy chị nói năng rất say mê về quyển sách Giáo Lý Diễn Ca của cha Gioan Nguyễn Trí Thức. Chị bảo, bao năm rồi, ở vai trò người Giáo Lý Viên, chị đã sử dụng những vần thơ lục bát của cha để dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh, từ lớp vỡ lòng đến thêm sức và bao đồng. Các em không những ham học, mà còn mau thuộc, nhớ lâu. Nhiều em mãi sau này ra đời, vẫn còn đọc lên vanh vách những câu thơ được học từ tấm bé. Chính tôi cũng đâm ra tò mò, muốn tìm hiểu rõ nguồn cơn. Khi chia tay ra về, theo lời yêu cầu tha thiết của tôi, chị Giáo Lý Viên của Kontum ấy vui vẻ hứa sẽ gửi tặng tôi quyển sách “gối đầu giường” ấy của riêng chị. Quyền sách, giời ạ, cũ nát, ố vàng, lòe nhòe. May mà còn đọc được trọn vẹn. Chữ in theo kỹ thuật cổ lỗ sĩ từ năm 1961, đến nay, đã trở thành “cổ vật”, chỉ còn là “di sản”, đúng như “Lời Giới Thiệu” trân trọng của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, một “mạnh thường quân” có tầm cỡ đối với những người “làm văn học nghệ thuật Công giáo” xuyên suốt thập niên 2003-2013.

“…Đây là một tập Giáo Lý quý giá, đã từng góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng đức tin của bao con cái trong giáo phận. Đây cũng là kết quả bao ngày tháng cha cố say mê đọc, suy gẫm và phổ biến Lời Chúa, cách riêng cho các thanh thiếu nhi. Tôi trân trọng giới thiệu với gia đình giáo phận cuốn Giáo Lý này. Cầu chúc cuốn Giáo Lý bằng Thơ này sẽ được phổ biến sâu rộng trong cả giáo phận. Đọc, học và suy gẫm những vẩn thơ giáo lý này cùng vận dụng vào ngày sống chứng nhân là một cách tưởng nhớ tốt đẹp chúng ta dành cho một vị linh mục suốt cả đời hăng say rao giảng Lời Chúa, cách riêng qua các vần thơ.” (Tòa Giám Mục Kontum, 10.5.2007)

Cũng vì tò mò, tôi đọc đi đọc lại từng chữ từng câu, từ trang đầu đến trang cuối của quyển Giáo Lý Diễn Ca. Phải khổ công lần mò, theo tôi nghĩ, mới nhận ra giá trị của câu chữ, của ngôn ngữ chứa đựng trong sách. Không thể lướt qua như kiểu lang thang trên mạng. Hình như ngày nay, cái văn hóa đọc đang nhòa nhạt dần, thay vào đó là những kiến thức “mì ăn liền”. Trở lại chuyện đọc quyển Giáo Lý Diễn Ca. Thú vị lắm, bạn ạ. Ngay ở “Lời Ngỏ”, tác giả đã chứng tỏ là người rất “giàu ngôn ngữ” và “bẩm sinh là thi sĩ-natus poetà”. Nói không ngoa. Mời bạn đọc một đoạn văn xuôi “rất thơ” sau đây. Nói là thơ. Viết ra thơ. Thở thành thơ. Hay quá. Tài quá. Hèn chi Đức Cha Oanh trăn trở, tìm cách “tái bản” quyển sách này (2007), để gửi đến tận tay mỗi chủ chiên và giáo lý viên của miền truyền giáo Tây nguyên đại ngàn này. Đây, mời bạn đọc chậm rãi, đọc cho đúng tiết điệu từng 2 tiếng một. Sẽ thấy đó là nhịp đi, nhịp thở và nhịp ngừng của “Sớ, Tấu” biền ngẫu hoặc nhịp gồng gánh đủng đỉnh tang bồng của lục bát Việt Nam.

Tác giả dẫn chứng “đường lối giảng dạy của Chúa Giêsu” về nước trời bằng thứ ngôn ngữ của người dân quê và bằng những hình ảnh rất đời thường của họ. Nhưng ở đây và lúc này, ta lại gặp thứ ngôn ngữ và hình ảnh ấy của cha Gioan Nguyễn Trí Thức. Ông viết liền mạch là văn xuôi, còn tôi, muốn sắp xếp thành những câu thơ như sau, như một bài vè dân gian:

Vua, quan, dân chúng

Binh tướng, chủ nhà

Mẹ cha, chồng vợ

Bác thợ, ông lang

Về làng, lên phố

Giữa chợ, giữa đàng

Trong hang, ngoài ngõ

Cơm cỗ, tiệc tùng

Cây sung, cây vả

Con cá, lá rau

Vực sâu, chỗ cạn

Buôn bán, làm vườn

Ruộng nương, cày cấy

Gà mái, bồ câu

Nhà giàu, tiền của

Dầu, lửa, quét nhà

Cái xà, cọng rác

Biếng nhác, dại khờ

Gió, mưa, sấm, chớp

Trộm cướp, con chiên

Ăn trên, ngồi trước

Cỏ vực, lúa đồng

Qua sông, lội suối

Tiệc cưới, đám ma

Gần xa, quê quán

Thuyền ván, đóng đinh

Cây kim, sợi chỉ

Giờ Tý, canh ba

Quỷ ma, giả hình

Đèn sáng lung linh

Ngoại tình phụ nữ

Chúc dữ, thật thà

Lạc đà, hạt cải

Trai, gái, dại khôn

Sáng hôm canh cửi

Chỗ trên, chỗ dưới

Là muối, là men

Cây sậy, cành nho

Cỏ khô, ngọn lửa

Gõ cửa, sáng đèn

Chuồng chiên, đồng cỏ

Ngọn gió phất phơ

Xa bờ, thả lưới

Nạn đói, hoang đàng

Phượng hoàng, lang sói

(Trích đoạn tả Về Việc Dạy Giáo Lý Cho Trẻ Em, trang 7-8).

Có lẽ, tôi không chủ quan và võ đoán lắm đâu.

Bởi vì, tôi chỉ là người đọc “rất ư là hậu sinh, muộn màng”. Trước tôi xa lắm. Mãi những năm tháng của đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước. Lúc ấy, tôi vẫn còn đang loay hoay với chữ nghĩa ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, thì đã có vị linh mục bậc thầy của tôi là cha Giuse Nguyễn Viết Cư, Giám đốc Công giáo Tiến hành Việt Nam và cha Fr.Nguyễn Tri Ân, OP. không ngần ngại hạ bút viết “Lời Giới Thiệu” như sau : “…Đọc Giáo Lý Diễn Ca”, tôi nhận thấy: Tác giả đã thâu tập được nhiều kinh nghiệm trong việc huấn luyện trẻ em, nhất là đã thấu hiểu tâm lý trẻ em trong khi đem áp dụng lối “Thi Ca Bình Dân” để diễn tả những mầu nhiệm cao siêu trong Thánh giáo…” và “…Tập này đặc sắc vì có những bài học hàm súc được diễn tả một cách thấu đáo, có chỗ nói được là tài tình…”

Lại tình cờ, mới đây (11.2014), tôi gặp được một trùng hợp thú vị, khi đọc cuốn sách “Khám Phá Một Nguồn Vui” của linh mục Inhaxiô Trần Ngà gửi tặng. Hai linh mục, một già một trẻ, một ở trên núi Kontum và một ở dưới biển Nha Trang, hai người cùng chí thú làm một việc “Loan Báo Tin Mừng” với hai quyển sách cùng chung một nội dung là Giáo Lý Công giáo. Một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ. Nhưng cả hai cùng chở nặng một đức tin, một tâm tình muốn gửi gắm những ai khát khao sự thật.
 

1888670 668899469839335 1594969811 n

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây