NHÂN NGÀY LỄ THÁNH GIOAN BOSCO BỔN MẠNG CỘNG ĐOÀN TRƯỞNG
QUÝ CHA QUẢN XỨ,
BAN THƯỜNG VỤ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ
QUÝ CHỨC, QUÝ PHỤ HUYNH
HÂN HOAN CHÚC MỪNG CÁC ANH CHỊ TRƯỞNG THIẾU NHI
là những người “THẦY DẠY ĐỨC TIN” cho các em,
âm thầm phục vụ tận tụy theo gương Chúa Giêsu, vị Thầy mẫu mực.
CÁC ANH CHỊ TRƯỞNG
không những là những cộng sự viên đắc lực của Quý Cha Quản xứ,
mà thực sự là chứng nhân của Đức Kitô trong cộng đoàn của mình.
GIÁO LÝ VIÊN, theo định nghĩa của Bộ Truyền giáo, là một giáo dân được Giáo Hội đặc cử, tùy theo những nhu cầu tại chỗ, để làm cho Đức Kitô được nhận biết, yêu mến và noi theo, nơi những người chưa biết Chúa cũng như nơi các tín hữu.
Giúp các em Thiếu nhi đến gặp gỡ CHÚA GIÊSU, ĐẤNG “LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG”. GIÁO LÝ VIÊN là chứng nhân, là người làm chứng cho Tin Mừng,
là thầy dạy, giúp cho học viên biết Thiên Chúa yêu thương họ và đã cho Con Một của Người chết trên Thánh giá để được cứu độ.
(BBT TRANG TIN GIÁO XỨ)
THÁNH GIOAN DON BOSCO
(1815 - 1888)
Là cha, thầy và bạn của Thanh Thiếu Niên
Cuộc đời thánh Gioan Don Bosco, như chính ngài viết trong nhật ký theo lệnh ÐGH Pio IX, ghi lại dòng Salésiens, gồm 3 phần : sống nghèo với cảnh mẹ góa con côi. Ơn gọi làm linh mục mở trường giáo dục con em và lập Dòng Salésiens. Cha Thánh suốt đời sống và phục vụ người trẻ. Trước khi qua đời, (31.01.1888), cha nói : Hãy nói với các bạn trẻ, ta chờ chúng ở trên Thiên Ðàng. Thánh nhân được phong Chân Phước 02.06.1926, và Hiển Thánh 1.4.1934, do ÐGH Pio XI. Lễ kính 31.1. hàng năm. Khi phong thánh, ÐHG tôn vinh Don Bosco là cha và thầy của thanh thiếu niên
I. Nghèo cảnh Mẹ Góa con côi
Thánh Gioan Don Bosco sinh 15.08.1815, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, tại làng Becchi, Marialdo, thị trấn Castelnuovo d’Asti, bắc Ý, xa Torino 17 cây số. Ngày 17, Gioan được rửa tội do cha Giuse Festa. Trong sổ rửa tội ghi tên em nhỏ : Bosco Joannes Melchior. Melchior là tên ông nội. Chữ Don thêm vào để ‘‘tôn kính’’ hay ‘‘cha’’.
Mẹ Gioan là Magarita Occhiena di Capriglio (+1865). Ông bà thành hôn năm ông 28 tuổi bà 24 tuổi. Cha của Gioan là Phanxico Aloysii, dân quê. Ông qua đời 12.5.1817, 34 tuổi. Năm đó, Bosco mới 22 tháng, mẹ kéo Gioan vào buồng khóc, nói : Bố không còn nữa. Trên mộ ông, ghi : Orphanorum pater, cha trẻ mồ côi. Gia đình có ba anh em : Antôn con mẹ trước, Têrêxa mất khi mới hai ngày. Giuse và Gioan. Trong nhà còn bà nội, 70 tuổi.
Gia đình sống trong thời đói kém. Dân làng ăn cháo bột bắp hay mì. Người chết đói la liệt ngoài đường, miệng còn ngậm cỏ. Có tiền cũng không mua được thức ăn. Có lần bà mẹ nhờ người hàng xóm đi mua thức ăn. Họ mang tiền về. Cả nhà bàng hoàng lo sợ. Giữa lúc túng bấn ngặt nghèo, bà qua nhà bên cạnh vay mượn chút ít. Nhưng không ai có. Bà nói với các con : Khi bố chết, có dặn : phải có lòng tin. Nghe lời bố cả nhà qùi xuống cầu kinh. Rồi bà xuống bắt con bê, nấu một phần cho con ăn, qua cơn đói.
Ngay trong những ngày đói kém, có người ngỏ ý muốn kết hôn. Bà từ chối : Thiên Chúa cho tôi một người chồng. Nay Chúa cất đi. Anh trao lại cho tôi ba đứa con. Tôi sẽ là người mẹ độc ác, nếu bỏ rơi chúng. Ðang khi chúng cần tôi. Người ta nói với bà tìm cho mỗi đứa một người giám hộ tốt. Bà trả lời : giám hộ chỉ là bạn. Tôi là mẹ, không bao giờ bỏ con. Dù cho tôi vàng bạc.
Chính bà để tâm dạy các con đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện. Năm con Bosco lên sáu, xưng tội lần đầu mẹ dẫn con đến nhà thờ, tham dự Lễ, bà xưng tội trước, sau đến con. Ðức Pio XII nói về gia đình bà : hãy xem người phụ nữ góa, cùng ba đứa con cầu nguyện. Chúng như thiên thần nhỏ. Người mẹ mở tủ, lấy quần áo cho con mặc. Ðem con đi nhà thờ làng bên cạnh. Sau cơm tối, con cái vây quanh, bà nhắc các con 10 giới răn. Kể cho con cuộc tử nạn Chúa Giêsu. Sau này, Bosco kể lại, nhờ mẹ, mà mình có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.
Mẹ con không có nghề trong tay, nên Bosco làm nhiều việc, phụ giúp nuôi gia đình, như : chăn bò, bửa củi, bồi bàn cafe, may quần áo... Năm 11 tuổi, Gioan mới cắp sách, đi bộ 4 cây số, mới đến trường. Do các linh mục điểu hành, kỷ luật.
Nghèo, lại lận đận học hành, Bosco mất học nhiều năm. Từ nhỏ nuôi mộng thành linh mục. Nhưng sợ mẹ vất vả tốn kém. Bà đã nói với con :đừng băn khoăn. Mẹ nghèo, sống và chết nghèo. Năm 16 tuổi, Bosco nhập tu. Giờ rảnh Bosco xin tập họp trẻ mồ côi, vui chơi và dạy giáo lý. Sau khi làm linh mục, cha bắt tay gầy dựng theo ước mơ. Lần đầu 1 trẻ đến. Ba hôm sau có 9 em. 3 tháng có 25 em. Chẳng bao lâu, toàn trẻ mồ côi đến. Sáng lễ, xưng tội. Chiều giáo lý, hát vui chơi. Cha lập các ‘‘nguyện xá’’ qui tụ thanh thiếu niên, vui chơi. Cha có thiên tài viết nhạc thuyết phục trẻ và chủ trương : Nhà Salésiens thiếu âm nhạc, chỉ là xác không hồn. Bosco yêu giới trẻ.
Có mẹ Margarita, Thánh Gioan Don Bosco trở thành nhà giáo dục thanh thiếu niên tài giỏi. Anh của Bosco nóng tính hay hành hạ em. Bà buồn. Cha sở thấy Gioan thông minh chọn vào nhà xứ học latinh, chuẩn bị đi tu. Anh ghét, bắt Gioan làm việc tối ngày lại đánh đập, có khi Gioan ngất xỉu. Nhìn xa, biết con sẽ đau khổ, bà gửi con tới nhà cậu em, xa 20 cây số. ở nhà cậu, em làm bánh mì, nặng nhọc thức khuya dạy sớm. Dưới ánh lửa tối, Gioan lấy sách ra học. Ðôi khi bà gửi con đến nhà những người quen.
Ðến hôm người anh lập gia đình, ở riêng. Bà mẹ đem con về nhà và gửi vào cha xứ tiếp tục tu luyện. Ngày con nhập tu viện Torino, nghèo bà phải bán áo cưới may cho con áo chùng thâm. Ngày con thụ phong linh mục, bà qùi nhận phép lành, bà nói : mẹ sung sướng thấy con thành linh mục. Con thành tâm phụng sự Chúa và các linh hồn.
Có lần thấy mẹ lạnh, ăn mặc lôi thôi, cha mua cho mẹ áo mới. Lâu không thấy mẹ mặc, cha hỏi. Mẹ trả lời đã bán phụ tiền nuôi trẻ. Sau nhiều năm phụ con, cạn tiền, lại già, kiệt sức, vì lũ trẻ tinh nghịch, phá phách bà xin nghỉ. Cha nói với mẹ: vắng mẹ, còn ai giúp con. Bà mẹ mắt mờ, lưng còng, hai mẹ con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng, nói : Gioan con, mẹ hiểu và ở lại với con....cho đến chết. Tụi nó là con mẹ. Sau 20 năm phụ con, bà qua đời ai cũng mộ mến và gọi là má Magarita. Hiện có tượng má lớn ngay cổng vào làng cũ xưa. Tay mang giỏ hoa. Bàqua đời năm 1865, sau 20 năm phụ con giáo dục, giúp trẻ em. Ai cũng mộ mến gọi bà : Má Margarita. (Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng. ttr.193-197).
II. Linh Mục trẻ ở Torino
Mẹ thánh nhân nói với con lúc 14 tuổi khi vào chủng viện Chierin ở Turino : Mẹ tràn đầy niềm vui, khi thấy con mặc áo chùng thâm, nhưng con nên nhớ ‘‘chiếc áo không làm nên thầy tu’’. Nếu ngày nào con nghi ngờ ơn gọi, thì mẹ van xin con, hãy cọn con đường khác. Mẹ thích đứa con nông dân nghèo hơn linh mục sao lãng bổn phận. Lúc con chào đời, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ. khi con đi học, mẹ đã dặn con tôn kính Người trong khó khăn. Giờ đây con hãy chọn Đức Mẹ là nữ vương của con.
Năm 1848, Don Bosco thụ phong linh mục, lúc đầu làm tuyên úy nhà tù, sau có mẹ phụ giúp, phục vụ giới trẻ trong xóm lao động. Và 1844, làm tuyên úy lưu xá sinh viên. Từ 1856, hai mẹ con trực tiếp nuôi khoảng 150 đến 200 trẻ em.
Từ nhỏ Gioan cảm thấy ao ước làm linh mục. Cậu kể lại giấc mơ, năm lên 10. Một đêm trong giấc mơ, Gioan Don Bosco thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi tục. Cậu khuyên can, chúng không nghe. Bỗng, người áo trắng đến mỉm cười, nói :
- Bằng tình yêu, em sẽ biến chúng thành ngoan ngoãn đạo hạnh.
- Nhưng thưa ông, cháu nghèo và dốt.
- Vâng lời, chịu khó học, em sẽ làm được.
- Thưa, ông là ai ?
- Ta là con Trinh Nữ mà mẹ em đã dạy phải cầu nguyện, em hãy xin Mẹ Ta giúp.
Rồi kìa, Ðức Mẹ xuất hiện, mặt dịu hiền, nói với Don Bosco :
- Con nhìn xem...
Theo tay Mẹ chỉ, Bosco nhìn thấy đoàn chó dữ. Ðức Mẹ tiếp :
- Như Mẹ xử với đoàn chó dữ thế nào, con hãy xử với các trẻ như vậy.
Từ giấc chiêm bao đó, Don Bosco hiểu được sứ vụ giáo dục phục vụ thanh thiếu niên.
Ngày kia, mẹ dẫn Bosco đi coi xiệc. Về nhà, Bosco nảy ra, bắt chước trong xiệc ‘'tự tập leo giây’’. Mỗi lần té, Bosco lại đọc Kinh Kính Mừng. Sau nhiều lần. Bosco thành công. Tập hết màn này, sang màn khác. Cuối cùng, Don Bosco trình diễn một buổi xiệc. Thành công.
Nguyện xá ở Valdosco
Năm 1848, chuyện xảy ra khiến cha nghĩ phải lập nhà riêng cho giới trẻ nghèo. Là hôm đó, cha vào phòng áo chuẩn bị lễ, thì nhìn thấy người coi phòng áo đánh đập cậu bé. Cha đuổi ông. Tên cậu Garetti Bartholomew, 16 tuổi, làm gạch. Ba hôm sau cậu rủ thêm 8 người khác, đến gặp cha. Rồi được Thiên Chúa và Ðức Mẹ thúc đẩy, Cha nghĩ ra nơi tập trung cho thanh thiếu niên đến ngày một đông. Cha đặt tên cho trung tâm này Nguyện xá. Các linh mục, dân chúng, trong vùng không tán thành vì cho rằng cha đã lôi kéo bọn trẻ, chúng không đến nhà thờ được. Trong khi đó, chính quyền làm khó dễ, cho là ồn ào, mất an ninh. Nên bước đầu cha tập trung thanh thiếu niên ngoài cánh đồng. Ngủ lều, lưu động, mưa gió, nhất là thực phẩm vô cùng khó khăn. Có những ngày, cha dẫn đàm em xin ăn. Bên ngoài nhìn vào, người ta cho cha điên. Nhưng kiên tâm, kết quả tốt, nhờ giúp đỡ người thiện nguyện. Chính trong các Nguyện Xá có thánh lễ, ca hát, lớp học chữ và nghề.
Ngày nay, trung tâm Valdocco còn lại : lớp học, phòng ăn, phòng ngủ, sân chơi, vòi nước... xưa, rộng rãi, một lúc cho cả mấy ngàn em... Nguyện xá lần lượt xây cất, dựng lên, với bao tiếng hoan hô và khâm mộ. Các em đến ngày một đông. Nổi tiếng.
III. Lập Dòng Phanxico Salésiens.
Một mình không thể làm xuể. Có lần Cha mệt, té, tưởng chết. Từ đó, năm 1859, cha và các cộng sự viên có ý tưởng lập Dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên. Có dòng nam và nữ Salésiens. Người ta thường gọi Don Bosco là Vincent de Paul mới. Theo tinh thần của Thánh Phanxico. Ðược Tòa Thánh công bố, 22.07.1864, mang tên Hội Ðạo Ðức thánh Phanxico đệ Salê, với sắc lệnh Decretum Laudis. Ðức Pio IX, phê chuẩn hiến luật, 1873.
- 1859, đầu tiên có dòng Nam, tên là ‘‘Phanxico Salésiens’’ (SDB). Dòng lo giáo dục, dạy nghề cho thanh thiếu niên. Dòng còn lo truyền giáo.Triết lý giáo dục là hiểu biết và yêu thương giới trẻ. Chân phước linh mục Michel Rua là 1 trong 8 tu sỹ khấn dòng đầu tiên. Sau làm Bề trên kế nghiệp Cha Bosco. Họ được chọn trong những em được cha Bosco nuôi.
(Huy hiệu) Logo Dòng cũ do Giáo sư Boas thiết kế (1885) : Ngôi sao rạng rỡ (niềm tin), mỏ neo (hy vọng), và một trái tim (tổ chức). Ðặt trên nền khu rừng nhỏ (hình đấng sáng lập) với ngọn núi cao (thành viên Salésiens vươn cao). Vòng quanh, là cành nguyệt tuế đan quanh xen nhau. Phía dưới câu khẩu hiệu Dòng.
Huy hiệu mới : Thánh Bosco với vòng tay mở rộng, cô đọng trong ba từ : Lý trí, tôn giáo và lòng thương yêu. Các trung tâm (nhà dòng trên thế giới được che dưới đường chữ ‘‘S’’ (Salésiens) Ba mũi có vòng đỏ trên đầu, chỉ ba người, người giữa cao hơn. Che bởi mái nhà.
- 1872, Cha cùng thánh Marie Mazzarello lập Dòng Nữ mang tên ‘‘Dòng con Ðức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu’’ (FMA)
- 1876, Cha bề trên cả Phillip Rinaldi (sau là chân phước) thành lập ‘‘Chí nguyện Don Bosco (VDB) nhiệt tâm với giới trẻ. Họ là những người độc thân, có nam, có nữ được thánh hiến. Dưới sự hướng dẫn của linh mục Salésiens.
Sau khi Thánh Don Bosco qua đời, những người tình nguyện và cựu học sinh mộ mến Dòng, lập ra ba tổ chức sau, yểm trợ cho Dòng tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ.
- ‘‘Hội Cựu học viên Don Bosco’’ (FMA) gồm những học sinh đã chịu ơn Salésiens, rải rác khắp nơi, đóng góp tài sức cho dòng Salésiens.
- ‘‘Hội Cộng tác viên Salésiens’’ gồm giáo dân sống trong gia đình và cả linh mục trong xứ đạo, sống Tin Mừng theo tinh thần Don Bosco, trên thế giới, phục vụ giới trẻ địa phương.
- ''Hội Truyền giáo giáo dân Salésiens’’ gồm nam nữ độc thân hay có gia đình, làm việc tự nguyện, ít ngày, bên cạnh SDB, FMA, tại các nước truyền giáo, có người Salésiens.
Nay Salésiens có mặt tại 130 nước, gần 20.000 tu sỹ. VN có 11 cộng đoàn. Sau Ý, Salésiens mở sang Nice, 1875 (Pháp) rồi Argentina... từ 1911, phát triển qua Colombia, Trung Quốc, ấn Ðộ, Nam Phi.. Năm 1877, ‘‘Tập san Salésiens’’ đầu tiên phát hành.
TRUNG TÂM VALDOSCO TORINO
Trung tâm phát sinh Salésiens, nay còn ba nơi hành hương kính viếng, vết tích công trình thời thánh Don Bosco để lại.
1. Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu
Dưới hầm đặt hơn 3.000 xương các Thánh Tử Ðạo. Bên phải có xác Thánh Don Bosco. Vương Cung Thánh Ðường chứa khoảng 5.000... Ngày 09.06.1868, thánh lễ thánh hiến đầu tiên, có tới 1.200 em trường Don Bosco tham dự. Vòm nhà thờ có hàng chữ : Hic Domus Mea, inde Gloria mea (Ðây là nhà của Mẹ. Từ đây giải tỏa vinh quang của Mẹ). Báo Unita Catonca viết : Ngôi thánh đường do người ngheo xây cất, để phục vụ người nghèo. Sau đó trong vùng ngôi trường thứ ba xây cất.
Gioan Don Bosco qua đời ngày 31.01.1888. 72 tuổi. Don Bosco muốn ở với đàn con, trong khu trường, thành phố Torino. Nhưng vì vệ sinh, thi thể ngài an táng bên cạnh, ở Valsalice, chiều 06.02.1888, xa Torino 400 mét.
Ngày 16.05.1929, dịp phong chân phước cho cha Don Bosco, Thi thể Thánh nhân được bốc lên. Xác còn nguyên vẹn, đầy đủ. ÐGH Pio XI phong chân phước cho ngài, ngày 02.06.1929 và hiển Thánh 01.04.1934.
Hòm kiếng đựng Thánh Quan, bàn tay phải, ban phép lành, được đặt trên ngực, Hai bên hông có hàng chữ khẩu hiệu Dòng Da Mihi Animas. Cetera Tolle. Ðầu và cuối Thánh Quan có hình đông trẻ em và bản đồ thế giới Salésiens. Thánh quan nặng 820 kg, dài 2m53, rộng 1m08, cao 1m32.
Ngày 09.06.1929, Thánh Quan Don Bosco long trọng đặt trong hòm kiếng nghinh về đặt bên phải Ðền Thánh Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Ðể đón chào kỷ niệm 150 năm thành lập Dòng, hòm kiếng thánh quan Don Bosco di chuyển đi 130 nước, có Salésiens. VN đón mừng từ 21.01.2011 đến 01.02.2011. Tháng quan trở về kịp năm 2015, 200 năm sinh nhật của thánh sáng lập Salésiens.
2. ‘‘Cái Nôi’’, làng cũ của Don Bosco
Ðây, quảng trường rộng lớn. Công trình lớn nhất là đại thánh đường, có tầng và hầm. Kiến trúc tối tân. Bên ngoài là beton, nhưng trong là gỗ. Sau bàn thờ trên cao là tượng gỗ Chúa Phục Sinh giang tay, cao 16 thước. Theo thánh Don Bosco, thì Chúa Phục Sinh dễ khuất phục người trẻ hơn Chúa Chịu nạn.
Bên cánh phải bàn thờ chính có bàn thờ cạnh, đặt tượng thánh Dominico Savio, trên tường gắn đầy thư, kỷ vật của những cặp vợ chồng trẻ, tạ ơn, vì hiếm muộn, được ơn có con, hay nuôi con khó mà nuôi con khỏe mạnh.
Tháng 4. 2015, phái đoàn hành hương Giáo Xứ VN Paris ghé kính viếng và dâng lễ tại đây.
Làng quê thánh Don Bosco, mang tên Colle Don Bosco, có phần đất nhỏ dưới thung lũng cây cỏ um tùm, để hoang. Trong căn nhà mô hình nông trại xưa, còn nhiều dụng cụ nhà nông thô sơ. Cày, cuốc, xẻng, cào... Bên cạnh nhà ở gia đình Thánh Don Bosco, phòng ngủ, phòng nguyện gia đình dành cho Cha khi mới chịu chức. Bàn thờ phủ khăn, còn nguyên.
Cũng trong khu có Bảo Tàng Truyền Giáo, nhiều kỷ vật của các vị truyền giáo Salésiens, từ 5 châu gửi về. Khu Việt Nam chưa có gì. Các cha Salésiens VN có gửi tại đây tượng Ðức Mẹ La vang, mà chưa trưng ra. Một nhà nguyện nhỏ, trên tường đầy những bao thư viết cám ơn thánh Trẻ Dominico Savio đã ban cho những cặp trẻ hiếm muộn hay khó nuôi con.
Bên ngoài, đầu nhà nguyện, dưới gốc cây, có mộ trống thánh trẻ Dominico Savio. Ði bộ một lên sườn đồi một chút gặp nhà của gia đình Thánh trẻ. Bà quản gia vui vẻ, cười tươi khi có phái đoàn đến.
Suốt đời, Thánh Nhân đã tôn kính Đức Mẹ và kêu cầu Đức Mẹ dưới tước hiệu “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu’’. Trên áo tu các tu sĩ dòng Don Bosco có ghi Da mihi animas cetera tolle tibi.
Khi còn sống, Cha Thánh không Iàm phép lạ. Nhưng được cứu thoát cách lạ lùng. Như một hôm cha bị 4 gã thanh niên đến hành hung, tấn công. Bỗng có con chó xuất hiện cứu thoát, rồi chó dẫn cha về. Dọc đường chó biến mất. Sau này chó xuất hiện khi cha gặp nạn. Hình chó và cha có trưng bày trong khu nhà cũ của cha.
Theo chân Thánh lập dòng, hàng ngũ đông đảo nam nữ Salésiens, 16.092 người, tại 1.859 nhà thuộc 130 nước, có VN, từ 1952 (2009) đang hiến dâng cuộc đời phục vụ người trẻ.
Lạy thánh Gioan Don Bosco, là người cha, thầy, bạn tuyệt vời của bạn trẻ. Xin cho chúng con biết noi gương Ngài cả đời đem hết tâm huyết nhiệt tình lo cho thanh thiếu niên, giáo dục bằng tình yêu và gương sáng, để giúp các em về và ở lại với Chúa mãi mãi. Amen.
Trần Ngọc Hân ( nguồn giaoxuvnparis.org)
Tác giả bài viết: BBT Trang tin GXCS & NGỌC HÂN Đoàn Thiếu nhi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn