LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP VỀ CUỐN DOCAT

Thứ ba - 30/01/2018 23:58
Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.
Giám mục Giáo phận Vinh
Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình
Trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

DOCAT là một trong sáu cuốn sách dành cho giới trẻ trong chương trình huấn luyện giới trẻ Công giáo, được khởi xướng chính thức ở JMJ Madrid 2011 với sự ra mắt của YOUCAT (Giáo lý dành cho giới trẻ). Cuốn DOCAT tiếp tục chương trình đó với một bước tiến xa hơn được ĐGH Phanxicô diễn đạt qua "Ước mơ một triệu bạn trẻ Công giáo" thấm nhuần tinh thần của Giáo Hội trong đời sống xã hội, cộng đồng để đào tạo một thế hệ con người mới làm men cho thế giới.

Ấn bản DOCAT là tập cẩm nang Giáo huấn xã hội của Giáo Hội được tổng hợp và biên soạn để phù hợp với giới trẻ. Ấn bản DOCAT tiếng việt được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp viết lời giới thiệu trong cương vị là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình. Thiết nghĩ, cuốn sách sẽ rất phù hợp và hữu ích cho các bạn trẻ Công giáo tại Việt nam và cách riêng là với Giáo phận Vinh.

Sau đây là Lời giới thiệu của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp:

LỜI GIỚI THIỆU

Khi triệu tập Công đồng Vaticanô II, Đức Thánh Cha Gioan XXIII muốn khai mở một “mùa xuân”trong Giáo Hội và một cuộc canh tân đích thực để người Công giáo có khả năng loan báo “Nước Trời đang tới” cho con người và thời đại hôm nay[1]. Ngài mời gọi tất cả các Kitô hữu can đảm và sáng suốt nhận diện “các dấu chỉ thời đại”, những dấu chỉ của hy vọng, bất chấp những thách đố, khó khăn và mây mù hiện tại.

Trong diễn văn bế mạc khoá I của Công đồng, ngài tái khẳng định ước vọng thâm sâu đó: “Công đồng sẽ đích thực là ‘Lễ Hiện Xuống mới’, làm cho Giáo Hội được triển nở trong nguồn năng lực nội tâm và mở rộng ra tất cả mọi lãnh vực hoạt động nhân loại. Sẽ là một bước nhảy vọt của triều đại Đức Kitô trong thế giới, một sự tái khẳng định theo cách thế luôn luôn cao hơn và có tính thuyết phục hơn Tin Mừng cứu độ, viêc loan báo rạng ngời về quyền tối thượng của Thiên Chúa,về tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, về hứa hẹn hoà bình dưới trần thế cho những người thiện tâm”[2].

Tuy nhiên, thời kỳ hậu Công đồng là một giai đoạn khó khăn cho Giáo Hội cũng như xã hội trong trách nhiệm kiếm tìm một hướng đi mới phù hợp với môi trường văn hoá và những biến đổi sâu rộng của thời đại. Thật vậy, nhiều Kitô hữu băn khoăn tự hỏi cách hiểu Đạo và lối sống Đạo ngày xưa có còn phù hợp với thời đại và những đổi mới của Công đồng hay không? Trong gia tài Giáo lý truyền thống, cái nào còn giữ lại, cái nào đã đổi và đã thay đổi như thế nào? Ngày nay phải sống Đạo và trình bày Đạo ra sao?

Để trả lời cho những câu hỏi nền tảng liên quan mật thiết đến niềm tin ở giai đoạn giao thời, chập chùng ánh sáng và bóng tối, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định mời gọi các giám mục và các chuyên viên trên thế giới cùng góp phần soạn thảo cuốn “Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo” (1992). Đây là “bản văn quy chiếu”, đúc kết toàn bộ đạo lý công giáo cả về đức tin lẫn luân lý trải dài nhiều thế kỷ, nhưng được thích nghi với những biến đổi của thời đại và đời sống hiện nay của các Kitô hữu[3]. Các mầu nhiệm Kitô giáo được trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu hơn cho các tín hữu không những thuộc các lục địa và các nền văn hoá khác nhau, mà còn có những phân cách sâu xa về môi trường xã hội, điều kiện kinh tế, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tuổi tác…

Kể từ khi Ngày Giới trẻ Thế giới ra đời để tạo cơ hội cho người trẻ khắp năm châu bốn bể gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhau về những niềm vui và nỗi buồn, âu lo và hy vọng, nhất là những thao thức và trắc trở trên con đường kiếm tìm Thiên Chúa và bước theo Đức Kitô thì một số câu hỏi khẩn thiết khác đã được đặt ra cho Giáo Hội. Làm sao giúp người trẻ hiểu và sống đạo trong thời toàn cầu hoá, với nền kinh tế loại trừ, xã hội tiêu thụ, tục hoá và đầy bạo lực này? Phải chăng cần chuyển dịch “Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo” sang ngôn ngữ của giới trẻ và phù hợp hơn với tâm thức, cũng như thế giới của họ?

Để trả lời cho câu hỏi đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cử Hồng y Christoph Schonborn, O.P làm điều phối viên để soạn thảo “Giáo lý Hội thánh Công giáo cho Người trẻ” ở thời đại chúng ta. Tài liệu này đã được long trọng công bố vào dịp “Đại hội Giới trẻ Thế giới”, tại Madrid, 2011, với một tựa đề độc đáo mà kể từ đó đã trở thành một thứ thương hiêu được người trẻ thích thú đón nhận: YOUCAT[4]. Tiếp nối vị tiền nhiệm, nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới tại Cracovia, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao thêm cho các bạn trẻ một cuốn Giáo lý Giới trẻ nữa: DOCAT. Đây là một cẩm nang sống Đạo và định hướng dấn thân của người trẻ Công giáo nhằm trả lời những câu hỏi căn bản: Chúng ta phải làm gì để thể hiện sứ điệp yêu thương của Kitô giáo trong xã hội ích kỷ, hận thù, bạo lực và bất nhân hiện nay? Cuốn sách được soạn thảo dựa trên các văn kiện quan trọng của Giáo huấn Xã hội Công giáo. Người trẻ được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương, kiến tạo một xã hội tiến bộ, công bằng, nhân bản, tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái… Các nguyên tắc căn bản của Giáo huấn Xã hội Công giáo như Công ích, Nhân vị, Bổ trợ, Liên đới, Ưu tiên Chọn lựa Người Nghèo, cũng như quyền đình công, biểu tình bất bạo động để phản đối bất công, phân biệt đối xử, hận thù, bạo lực… được nhấn mạnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô “ước mong có một triệu Kitô hữu trẻ, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa, cả một thế hệ những người đương thời cùng “đồng hành, thảo luận học thuyết xã hội”. Sẽ chẳng có gì khác có thể thay đổi thế giới ngoài những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến với những người sống bên lề xã hội và đi đến ngay cả với các mảnh đời lem luốc. Hãy dấn thân vào lãnh vực chính trị nữa và tranh đấu cho công lý và phẩm giá con người, nhất là cho những người nghèo nhất trong những người nghèo”[5]. Theo ngài, “trong thời đại hôm nay, một Kitô hữu không dám lội ngược dòng thì không phải là Kitô hữu”.

Xin chân thành cảm ơn tất cả những ai đã góp sức phát hành DOCAT Tiếng Việt này. Ước mong DOCAT Tiếng Việt không những sẽ được phổ biến rộng rãi cho các Kitô hữu, đặc biệt giới trẻ, mà còn đến tận tay tất cả những ai đang quan tâm đến các vấn đề nhân phẩm – nhân quyền – đạo đức – giáo dục - kinh tế – xã hội – chính trị của đất nước chúng ta.

 

[1] Gioan XXIII, Loan báo Công đồng, ngày 25 tháng giêng 1959.

[2] Gioan XXIII, Diễn văn bế măc khoá I của Công đồng, số 22.

[3] Xem Gioan Phaolô II, Diễn văn bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục (Khoá ngoại thường), ngày 7/12/1985.

[4] Xem Bênêđictô XVI, Thư giới thiệu Youcat, 2011.

[5] Phanxicô, Lời dẫn nhập DOCAT, 2016.




 

Nguồn tin: GpVinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây