Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng nặng lòng với chữ hiếu kính với cha mẹ và biết ơn thầy cô để rồi dù có ở phương trời nao hay đã đi vào cõi thiên thu nhưng trong tư cách là con, là trò luôn luôn kính nhớ ông bà cha mẹ, tổ tiên, thầy cô và những người đào tạo mình. Rất đơn giản tâm tình “nửa chữ cũng là Thầy” luôn khắc sâu vào tâm trí của người Việt.
Cùng với tâm tình “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn” để rồi hôm nay, 02 tháng 01 năm 2018, học trò của cố nhạc sư Hải Linh quy tụ lại với nhau để cùng cầu nguyện, dâng Lễ cầu nguyện cho Thầy của mình nhân ngày giỗ lần thứ 30.
17 g 30, những học trò, những người thụ ơn của Thầy Hải Linh đã quy tụ lại với nhau trong một Thánh Lễ hết sức trang nghiêm và ấm cúng trong bầu khí gia đình thân thương tại Nhà Nguyện trên lầu Nhà Sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có thể không biết nhau hay cách nhau nhiều thế hệ nhưng tất cả đều vui chung niềm vui với nhau bởi lẽ đã thụ ơn của một người Thầy, một nhạc sư Công Giáo đã suốt cuộc đời cống hiến cho Thánh Nhạc Việt Nam.
Trước khi bước vào Thánh Lễ, nữ tu Maria Hồng Trang (nguyên bề trên Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa) giới thiệu thành phần tham dự Thánh Lễ hôm nay. Sau lời giới thiệu của Sơ Hồng Trang, cộng đoàn cùng dừng lại một chút để nghe đôi dòng tiểu sử của cố Nhạc Sư Phanxicô Atxidi Hải Linh. Nhạc sư Hải Linh, và thánh Phanxicô được chọn làm bổn mạng cho nhạc sư. Nơi sinh là làng Ứng Luật, phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, địa phận Phát Diệm. Tên thật là Trần Văn Đệ, sau cha già Trác nghĩa phụ đổi thành Trần Đức Trị theo chữ đầu của tên cha nghĩa phụ như thói quen thời ấy. Cuối cùng, năm 1936 cha già Liễn lại đổi tên Nhạc sư thành Trần Văn Linh (ngày sinh trên khai sinh là 30-10). Thân phụ là ông cố Trần Văn Minh, thân mẫu là bà cố Nguyễn Thị Lan, thường gọi là ông bà chánh Minh. Gia đình có 7 người con, gồm 5 người con trai và 2 người con gái. Hải Linh là con trai thứ hai, còn anh cả đã qua đời lúc còn thanh niên. Một người em trai thứ 6, là cố Lm Trần Công Hoan, tức nhạc sĩ Hùng An, cũng đã qua đời tại xứ Duyên Lăng, địa phận Xuân Lộc. Ngoài ra còn có ông Trần Du Dương ở Đồng Nai, bà Trần Thị Tính, tức bà Phạm Chính, ở đường Bà Hạt, xứ Bắc Hà, bà Trần Thị Mến ở Cái Sắn và ông Trần Văn Khiết cũng ở đường Bà Hạt, sau lập gia đình về ở Thủ Đức. Nay, 2013, các anh chị em đều đã qua đời, chỉ còn lại con cháu chắt.
Thân phụ làm nghề đắp tượng, còn thân mẫu làm “bà trùm” lo việc dạy “học trò” dâng hoa, dâng hạt, ngắm lễ… tại xứ Ứng Luật. Đôi tay khéo léo của thân phụ trong nghệ thuật đắp tượng và tiếng ca hồn nhạc đượm tính tôn giáo và dân tộc của thân mẫu trong nghệ thuật âm thanh đã góp phần làm nên một con người nghệ sĩ, rất nhạy cảm trước cái hay cái đẹp của nghệ thuật nói chung và của âm nhạc nói riêng ...
Thánh Lễ giỗ lần thứ 30 cầu cho linh hồn Phanxicô được Cha Giuse Nguyễn Bá Long thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (Cha Sở họ Xoài Mút – giáo phận Mỹ Tho). Cùng đồng tế với Cha Giuse có quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế và có cha Dũng (Dòng Thánh Tâm ở Pháp).
Mở đầu Thánh Lễ, Cha Giuse Nguyễn Bá Long ngỏ tâm tình với cộng đoàn : “Chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương quy tụ chúng ta để chúng ta nhớ đến Thầy Phanxicô đáng kính và Thầy Đinh Thiện Bản – những người giúp cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta phục vụ. Chúng ta tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho những người đi trước chúng ta và cầu nguyện cho mỗi người chúng ta trong tâm tình phục vụ và phục vụ trong khiêm tốn”.
Trong bài chia sẻ, Cha Giuse Nguyễn Văn Vượng. Cha Giuse mời cộng đoàn cùng nhìn lại việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ ... tất cả đều ở trong bức tranh trật tự. Vấn đề xảy ra khi con người muốn bằng Thiên Chúa và đó là tội nguyên tổ. Nhìn vào xã hội ngày hôm nay cũng vậy, không sống đúng tư cách làm con ... bác sĩ không chăm sóc bệnh nhân hay là thầy giáo cũng vậy, không đủ tiền nên tranh thủ mở thêm lớp do trật tự không có.
Đọc lại sách Sáng Thế ta thấy trật tự mất đi.
Sau đó, Cha Giuse kể về tâm tình của cha giáo về Thiên Chúa. Thiên Chúa không thất vọng khi con người đảo lộn trật tự. Thiên Chúa từ bản nhạc sai mà Ngài lại đánh lại bài thật tuyệt vời.
Cha Giuse mời cộng đoàn cùng nhìn lại hình ảnh của ông Gioan trong Tin Mừng hôm nay. Gioan nói : “Tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài”. Gioan lúc này thực sự chưa hiểu Đức Giêsu là ai. Sau này Chúa Giêsu đến thì Ngài thay đổi cái nhìn về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong tu đức đó là sự khiêm nhường, khiêm tốn. Thánh Gioan nhận vị trí nhỏ bé của mình ... Chúa Giêsu làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta ở trong gia đình của Thiên Chúa ... chúng ta nhìn lên Giêsu để được Ngài ráp nối và chuyển tải lại ... Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để xem mình đang ở đâu trong bản nhạc mà Thiên Chúa đã viết trong đời mình để Chúa sửa sai để người khác nhìn vào hòa tấu lên bản nhạc của Thiên Chúa ... chúng ta cùng cầu nguyện để nhìn ra mình là một nốt nhạc trong bản nhạc và tất cả chúng ta cùng cộng tác với nhau để Chúa nhào nắn để bản nhạc đó vang lên mãi trong cuộc đời của chúng ta.
Sau lời nguyện Hiệp Lễ, Cha Giuse Bá Long ngỏ lời cảm ơn quý sơ, quý thầy đã phục vụ Thánh Nhạc “Dù rời lớp ca trưởng lâu nhưng quý sơ và quý Thầy vẫn nhớ chúng con”.
Trước khi kết Lễ, Sơ Hồng Trang ngỏ tâm tình cảm ơn quý Cha và cộng đoàn. Cộng đoàn gửi đến quý Cha chút quà mọn bày tỏ lòng biết ơn của cộng đoàn.
Thánh Lễ giỗ lần thứ 30 cầu nguyện cho cố nhạc sư Hải Linh đã khép lại nhưng rồi lời cầu nguyện và lòng biết ơn vẫn còn mãi nơi người thầy kính yêu suốt đời tận hiến cho Chúa và Giáo Hội qua những nốt nhạc. Thật thế, chúng ta đang được thừa hưởng nền Thánh Nhạc từ biết bao nhiêu nhạc sư tài hoa và lòng biết ơn hết sức là tự nhiên vì chúng ta đã thụ hưởng những thành quả đó. Thánh Lễ thêm phần trang nghiêm và sốt sắng một phần do Thánh Nhạc. Chính vì lẽ đó, chúng ta càng trân quý những di sản của các vị tiền nhân để lại cũng như không quên thêm lời cầu nguyện để Giáo Hội ngày mỗi ngày có thêm nhiều tâm tình phục vụ Chúa và Giáo Hội qua Phụng Ca.
Tác giả bài viết: Người Giồng Trôm
Những tin mới hơn