ĐỌNG LẠI NHỮNG DƯ ÂM *

Thứ ba - 20/03/2018 08:17
Sau đám tang Đức Tổng Phaolô, dân Sài Gòn: “Người Công giáo văn minh, đạo lý Công giáo nhân văn, sâu sắc…” Những ngày qua, với sự kiện đông đảo người Công giáo tiễn đưa và tham dự Thánh lễ An táng Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (đặc biệt đoàn rước linh cữu lúc 20h, tối 16/03/2018), dân Sài Gòn đã thấy gì? Họ đã nghĩ gì, nói gì? Chúng ta có thể làm gì cho họ?
Nhà thờ Đức Bà Sài gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài gòn

NHỮNG DƯ ÂM ĐỌNG LẠI
SAU ĐÁM TANG ĐỨC TỔNG PHAOLÔ

NÉT ĐẸP CỦA NIỀM TIN

Lễ Tang 2

Rất nhiều người đi đường và hàng triệu người theo dõi trên các trang mạng xã hội đã nhìn thấy rõ nét đẹp thật sự của niềm tin Công giáo khi chứng kiến cảnh tượng hàng chục ngàn tín hữu để tang tiễn đưa linh cữu Đức Tổng Phaolô. Giữa biến cố tang thương, sự ra đi của người cha chung và đứng trước cái chết, sự chia ly; nhưng người Công giáo đã minh chứng rõ nét về niềm tin Phục Sinh, niềm hy vọng vĩnh cửu mà cái chết chỉ là sự bắt đầu.
Một triết gia đã nói rằng: “Nếu ai đó nói với bạn rằng họ luôn nhớ đến bạn, thì bạn sẽ chẳng bao giờ chết đâu”, và đức tin Công giáo còn mạnh hơn như thế. Thật vậy, đoàn người đông đảo (các trang báo thông tin khoảng 10 ngàn người, nhưng thực tế là hơn gấp đôi con số đó) trong bầu khí trang nghiêm, ngay hàng thẳng lối, tay cầm nến sáng, hát du dương những bài thánh ca cầu hồn và niềm hy vọng phục sinh đã khiến người dân Sài Gòn phải cúi chào với lòng ngưỡng mộ sâu xa. Người Sài Gòn đã học được bài học quá lớn về niềm hy vọng và đời sống vĩnh hằng.

VĂN MINH, LỊCH SỰ
Chưa từng có đoàn rước linh cữu nào linh thiêng và trang nghiêm đến thế. Đoàn rước kéo dài gần 03 km từ Nhà thờ Đức Bà, dọc đường Lê Duẩn, dẫn về Đại Chủng viện không một tiếng kèn trống, không xô sát, ồn ào; nhưng thay vào đó là bầu khí thinh lặng và du dương của những bài hát thánh ca. Trái ngược với những gì dân Sài Gòn quen thấy ở các đám tang ngoài Công giáo với những đám rước kèn trống inh ỏi, kèm theo “cơn mưa rác” tiền vàng mã.
"Xem kìa, họ yêu thương nhau dường bao!” Hình ảnh một rừng người, không liên hệ huyết thống nhưng cùng để tang, cùng chung một niềm tin và cùng hướng lòng về một niềm hy vọng đã cho thấy sự đoàn kết, yêu thương và xem nhau như anh em một nhà đúng nghĩa. Đoàn người tín hữu đã làm chứng về giáo lý yêu thương, chính tình yêu đã quy tụ họ và họ quy tụ là để yêu thương, chứ không phải để bạo động. Điều đó ngược hẳn và xoá tan những nghi kị mà người ta vẫn đồn đoán không tốt về người Công giáo.

ĐẠO LÝ NHÂN VĂN
Cuộc sống xô bồ, tấp nập lo toan, cùng với ý thức hệ vô thần đã làm cho dân Sài Gòn mất dần ý thức linh thiêng về sự chết và niềm tin Phục Sinh; tệ hơn là mất cả niềm hy vọng vào đời sống. Nhưng hình ảnh đoàn rước linh cữu với nến sáng trên tay, vừa đi vừa hát vang bài thánh ca: “Tôi tin rằng Đấng Cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại…” đã thắp lên trong lòng người dân Sài thành này sáng mãi niềm tin Kitô Giáo, niềm tin vào đời sống vĩnh cửu và giá trị linh thánh của phẩm giá con người.

CÔNG GIÁO VÀ PHỔ QUÁT
Hình ảnh đông đảo tín hữu đã một lần nữa khẳng định đặc tính Công giáo, tính phổ quát của Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội mang tính Công giáo nghĩa là dành cho tất cả mọi người, chính Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội để dành cho tất cả mọi người: “Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28,19-20). Và mặc dù không có chung niềm tin, nhưng mọi người cũng được mời gọi bước vào gia đình Thiên Chúa, hướng đến niềm hy vọng lớn lao mà Thiên Chúa đã đặt sâu thẳm nơi lương tâm mỗi con người.

VÀ ƯỚC MƠ…
Cùng với các Thầy Chủng sinh Đại Chủng viện Sài Gòn, con đã không khỏi xúc động khi hoà mình vào đoàn rước linh cữu tiễn đưa Đức Tổng. Con đang cảm nghiệm sức sống của Giáo Hội và sức mạnh niềm tin Cộng đoàn. Nhưng con cũng không khỏi bồi hồi, thương xót cho những người lương dân đang đứng xa xa ngoài kia…! Họ đang thiếu vắng niềm tin, niềm hy vọng nơi Chúa. Chứng kiến cảnh tượng người dân Sài Gòn lương giáo, những con người chưa biết Chúa đang đứng từ xa khao khát, con thật sự thấy mình có trách nhiệm với họ và cũng thầm nguyện xin cho nước Việt, cách riêng là người Sài Gòn được ơn Chúa biến đổi và hoán cải, để họ nhận biết Chúa. Tâm nguyện đó lại càng ý nghĩa đặt trong những ngày cuối mùa chay hướng về Tam Nhật Thánh và đại Lễ Phục sinh.
Xin Đức Tổng cầu nguyện cho Sài Gòn...
Thương tiếc Đức Tổng Phaolô.


* Tiêu đề của BBT

Tác giả bài viết: Paul Nguyen

Nguồn tin: gpphanthiet.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây