ĐỨC CHA CHỦ TỊCH CARITAS VIỆT NAM: THƯ CHỦ ĐỀ HOẠT ĐỘNG CARITAS NĂM 2021

Thứ tư - 20/01/2021 19:34
UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS VIỆT NAM TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAMĐịa chỉ: 319 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.Điện thoại: +84 (28) 3727-1904Email văn phòng: caritasvietnamccsa@gmail.comEmail Truyền Thông: cvn.ptruyenthong@gmail.comWebsite: www.caritasvietnam.orgSố 01/01/2021/CVN
ĐỨC CHA CHỦ TỊCH CARITAS VIỆT NAM
ĐỨC CHA CHỦ TỊCH CARITAS VIỆT NAM

Tp. Thủ Đức, ngày 04 tháng 01 năm 2021

Kính gởi: Quý Cha Giám đốc, Phó Giám đốc Caritas Giáo phận

Quý Cha thân mến,

Năm 2020 đã trôi qua trong sự lo lắng của toàn thế giới do cơn dịch bệnh kinh hoàng gây ra. Giờ đây, chúng ta bắt đầu một năm mới với niềm hy vọng và những lời cầu chúc cho nhau về một tương lai tốt đẹp hơn. Để có được tương lai đó, chúng ta cần nỗ lực xây dựng thế giới huynh đệ hơn. Đức Thánh cha Phanxicô, qua các sứ điệp, nhất là thông điệp “Tất cả là Anh chị em” (Fratelli Tutti), đã nhắc nhở chúng ta như thế. Năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện chủ đề “Liên đới trong cầu nguyện.” Trong năm 2021 này, dựa vào tư tưởng của Đức Thánh cha Phanxicô, Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam chọn chủ đề năm nay là “Liên đới trong tình Anh chị em.” Với chủ đề này, tôi xin quý Cha, bên cạnh việc đọc lại Thông điệp Laudato Sí (LS) và Fratelli Tutti (FT), lưu ý đến hai ý tưởng chính:

1. Tình liên đới

Thế giới càng ngày càng xích lại gần nhau, do đó, không thể có một dự án chung nếu không có tình liên đới. Một điều nghịch lý là càng gần nhau thì sự cộng tác giữa con người dường như lại là điều khó khăn. Điều này thể hiện qua tình trạng dịch bệnh đang hoành hành và nhiều biến cố khác trong xã hội. Đức Thánh cha Phanxicô đã chỉ ra, “Bên cạnh những phương thức khác nhau mà nhiều quốc gia dùng để đối phó với cơn khủng hoảng thì sự bất lực của các quốc gia trong việc cộng tác với nhau cũng được thấy rõ ràng” (FT 7). Ngài nhấn mạnh rằng “không ai có thể một mình đối mặt với đời sống… Chúng ta cần một cộng đoàn nâng đỡ và trợ giúp mình, trong đó chúng ta có thể giúp nhau hướng nhìn về phía trước. Thật quan trọng biết bao việc biết cùng mơ ước với nhau” (FT 8).

2. Tình huynh đệ

Tình liên đới dựa trên nền tảng tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Anh chị em là những người sống quanh chúng ta, trong thôn xóm với chúng ta, cùng giáo xứ với chúng ta “vượt quá những dị biệt về nguồn gốc, quốc tịch, màu da, hay tôn giáo” (FT 3). Xa hơn, đó là những người cùng liên đới trong tình đồng loại, đặc biệt những người chưa được chia sẻ những phúc lộc của Thiên Chúa trong cuộc sống vì “Thiên Chúa đã dựng nên mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ, và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (FT 5). Anh chị em của chúng ta còn là mọi thành phần trong vũ trụ, từ anh Mặt trời, chị Mặt trăng, đến anh Núi, chị Sông. “Như một phần của vũ trụ, được Chúa Cha mời gọi đi vào trong hiện hữu, tất cả chúng ta được liên kết bởi những mối dây liên kết vô hình và cùng nhau tạo nên một gia đình đại đồng, một sự hiệp thông cao cả thúc đẩy trong chúng ta sự tôn trọng thánh thiêng, yêu thương, và khiêm tốn” (LS 89).

Xin quý Cha phổ biến và triển khai chủ đề này trong các sinh hoạt Caritas Giáo phận.

Cùng với lời cầu nguyện, tôi cầu chúc quý Cha một Năm Mới an lành, tràn đầy hồng ân của Chúa. Hy vọng mối liên đới trong tình anh chị em sẽ nâng đỡ chúng ta trong những dự án tốt đẹp mà gia đình Caritas Việt Nam sẽ thực hiện trong năm nay.

Thân mến chào quý Cha,

CHỦ TỊCH UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM

(đã ký)

† Tôma Aquinô VŨ ĐÌNH HIỆU
 

duc cha chu tich caritas viet nam 1

Tác giả bài viết: nguồn https://www.hdgmvietnam.com/

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây