Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


TẤM VÉ SỐ CUỐI CHIỀU

…Cảm ơn những tấm vé số cuối chiều đã giúp ta nhận ra nghề nghiệp nào cũng đẹp, cũng đáng được tự hào nếu lòng người ta luôn có sẵn tấm thiện lương. Và cũng chợt nhận ra, khi ta biết giúp đỡ người khác, dù cho đó chỉ là một hành động bình thường nhỏ nhặt, nó cũng sẽ mang lại cho ta những phút giây hạnh phúc đến không ngờ...
TẤM VÉ SỐ CUỐI CHIỀU

TẤM VÉ SỐ CUỐI CHIỀU

Tầm năm giờ 10 phút chiều nay, lúc đang ngồi ở tiệm sửa điện thoại VIỆT ở đường Lê hồng Phong ở phố mình, trong lúc ngáp ngắn ngáp dài chờ đợi mấy gã thợ hì hục sửa giùm cái Smartphone  cũ mèm hư lên hư xuống, thì có một người đàn ông có lẽ đã quá tuổi lục tuần, hình như là nông dân bỏ ruộng nương ra mưu sinh nơi phố thị hớt hải chạy tới, năn nỉ mua giùm cho ông mấy tờ vé số giúp với chứ giờ này đã trễ quá rồi nên ông không thể quay về đại lý kịp để trả vé được nữa. Đôi mắt ông trông lên với ánh nhìn mệt mỏi lắm, ánh mắt ấy cứ như khẩn khoản, như van xin, như tìm kiếm ở người đối diện một chút lòng thương mua giúp, khi thời gian đã gấp rút không thể đợi chờ.

 Thú thật, tôi hiếm khi mua vé số, vì nghĩ phận nghèo như mình chả bao giờ thắng được nhà nước. Nếu có mua thì chỉ dăm ba tờ cho vui hoặc ít ra cũng là vì sĩ diện với lũ bạn những lúc rảnh rỗi tranh thủ cà phê cà pháo các buổi sáng chủ nhật nơi phố núi đất đỏ cao nguyên này,

 Nhưng chiều nay, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã bỏ  tiền mua luôn gần 20 tờ vé số đó, rồi cho lại ông hai tờ để lấy hên, không phải vì sĩ diện mà lúc ấy, tôi và có lẽ bạn, hay mọi người lương thiện không thể không mua khi nhìn vào đôi mắt rười rượi buồn của người đàn ông ấy! Đôi mắt mệt mỏi đượm buồn như phản chiếu đúng hình ảnh của cuộc đời ông, nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo đã ngả màu, cái quần dài cũ kĩ, hai chân đầy những vết chai sần trên đôi dép đã mòn sứt hết cả quai, chợt thấy thương cho những phận người đã sống đến ngần này tuổi rồi mà vẫn còn vất vả, lam lũ quá đi thôi!.
 

1
Hình ảnh minh họa

Hỏi ông một ngày đi bán vậy thì được bao nhiêu tiền!?. ...ờ, thì chỉ  khoảng từ một trăm đến trăm rưỡi ngàn thôi chú!,  vì tui yếu rồi, đi lại khó khăn chậm chạp nên không dám nhận nhiều, với lại bây giờ người bán thì nhiều mà người mua ít lắm, nếu hôm nay không trả vé kịp thì công sức của cả ngày ngược xuôi dầm mưa dãi nắng coi như công cốc chú ạ!. Chợt nghĩ cũng đúng thôi vì giờ hầu như mọi người, mọi nhà vẫn phải đang oằn mình trong đại dịch nên mọi chi tiêu đều phải tính toán dè sẻn, sức mua vì thế kém hẳn, thu nhập giảm sút cũng là lẽ đương nhiên, gia đình nào rồi cũng vậy...

Vài ông khách sửa điện thoại ngồi bên nghe thấy vậy rồi cũng thương tình mua giúp thêm những tấm vé còn lại, vậy là  nhoáng cái hết sạch, mừng quá ông cảm ơn mọi người rối rít,  rồi chậm rãi đứng dậy, quày quả bước đi về con hẻm nhỏ sâu hun hút, dáng liêu xiêu dưới chiều nhàn nhạt nắng, một tay gạt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên lưng trán, một tay cầm cái mũ nan rộng vành phe phẩy quạt, mùi mồ hôi nồng nồng bay lên theo không khí, hòa lẫn theo với đủ bao hương vị của phố phường.
 

2
Hình ảnh minh họa

Rồi khi bầu trời xanh đã thôi lấp loáng nắng, mặt trời đã nấp trôi sau dãy núi của làng Châu, những đàn chim thưa thớt đã bay về phía cuối trời xa tít, khi cơm tối xong xuôi, tôi mới đem điện thoại ra dò số thử, dò xong bỗng bất giác cười, những tấm vé số đó tất nhiên là không trúng, nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời, mới có cảm giác không trúng tờ nào mà vẫn thấy vui, vui vì đã lâu lắm rồi mới làm được một điều tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa cho người khác, vui vì đã nhận ra mình còn may mắn hơn nhiều so với những phận đời vẫn còn đang lam lũ gió sương kia.

Những tấm vé số cuối chiều cùng bóng dáng gầy gò khắc khổ của người đàn ông ấy đã gợi lại cho tôi nhớ về ông bà cha mẹ, về tuổi thơ nghèo khó chốn quê nhà, về những ngày mùa giáp hạt đói ăn, thời cả làng Châu Sơn này hầu như ai cũng khó khăn thiếu thốn, nhưng tình cảm xóm làng giành cho nhau lúc nào cũng đong đầy ăm ắp, mọi người luôn bên nhau trong những lúc vui buồn, đau ốm, tối lửa tắt đèn đều có nhau, san sẻ cho nhau khiến ai cũng thấy ấm lòng, để rồi giờ đây khi thoát ra được khỏi cái nắng của những mùa hè bỏng rát, cái lạnh lùng giá rét của mùa đông, của những giây phút cơ hàn bĩ cực. Những năm tháng quẫn cùng giữa thời kỳ bao cấp,  ta mới biết tự hào và trân trọng hơn về những tháng ngày lao nhọc thuở cha ông.

Những tấm vé số cuối chiều ấy cũng giống hệt như những phận số phận con người, có những phận người lúc chào đời đã không có được may mắn, có những người lại tốt số hơn khi sinh ra đã sống một cuộc đời nhung lụa, nhưng cuộc sống là vậy, luôn phải cứ vận hành hai chiều cao thấp khác hẳn nhau, giống như thiện ác cứ phân tranh nhau liên tục, mãi như một vòng tuần hành luân hồi vĩnh cửu.

Những tấm vé số cuối chiều đã giúp tôi nhận ra, giữa những ngày gió thu dịu mát còn có những tháng ngày nắng chói chang nồng nực song hành. Ngày lại ngày trôi qua, chúng ta cứ lao mình vào cuộc mưu sinh với rẫy nương đầy lo toan bận rộn. Cuộc mưu sinh ấy cứ không ngừng cuộn chảy như một dòng sông, có những lúc trôi nhẹ êm đềm, lại có những lúc gặp những khúc quanh với biết bao sóng dữ cuộn trào ầm ĩ, nhưng như vậy mới lột tả đúng ảnh sắc chân thực của cuộc đời nhân gian với đủ mọi thăng trầm suy biến.

Cảm ơn những tấm vé số cuối chiều đã giúp ta nhận ra nghề nghiệp nào rồi cũng đẹp, cũng đáng được tự hào, nếu lòng con người ta luôn có sẵn tấm thiện lương. Và cũng chợt nhận ra, nếu ta biết giang tay giúp đỡ người khác, đôi khi dù chỉ là những việc làm nhỏ nhặt, hẳn sẽ đem đến cho ta những phút giây hạnh phúc đến không ngờ .
 

4
Hình ảnh minh họa


Chợt nhớ nụ cười móm mém lúc chiều của người nông dân xa lạ, nụ cười hiền ấy bỗng gợi về trong tâm trí ta cảm giác an lành dìu dịu bình yên êm ả của chốn quê xưa, trong tâm thức lặng yên giữa vùng miền hanh hao hư ảo ấy, cuộc sống của những ngày cũ xưa của làng quê xa như  vẫn mãi còn chập chờn ẩn hiện trong những lũy tre làng cao vút, dưới khung cảnh làng xưa  thanh vắng tiếng gà trưa ấy, tất thảy mọi người dân của xứ đạo Châu Sơn, cho dù có lúc nghèo, có lúc sướng, có lúc vui, có lúc buồn, thì dẫu vậy, dưới hiên nhà, giữa lưng chừng sương khói, các cụ già vẫn cứ thảnh thơi têm trầu uống nước. Phía đồng xanh, mấy nàng thôn nữ dịu dàng vẫn tươi cười đùa nghịch, rồi lại cùng trai làng bận bịu tát nước dưới sông trăng...

Tác giả bài viết: Nguyễn Khải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây