Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


ĐTC PHANXICÔ & TAM NHẬT THÁNH

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay ( 29.3.2018), được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
ĐTC & Tam Nhật Thánh

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích Tam Nhật Thánh (1 Cr 5:7–8).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhón tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay cha muốn dừng lại để suy niệm về Tam Nhật Thánh sẽ được bắt đầu vào ngày mai, để đào sâu một chút về những ngày quan trọng nhất trong Lịch Phụng vụ cho chúng ta là những tín hữu. Cha muốn hỏi anh chị em một câu: Lễ nào là quan trọng nhất cho niềm tin của chúng ta: Giáng sinh hay Phục sinh? Phục sinh, vì đó là lễ của ơn cứu độ cho chúng ta, lễ của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, lễ cử hành Cái Chết và sự Phục sinh của Người. Vì vậy, cha muốn cùng anh chị em suy niệm về Lễ này, những ngày này, những ngày vượt qua cho đến Phục sinh của Chúa. Những ngày này tạo thành một kỷ niệm hân hoan của mầu nhiệm vĩ đại: cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Giê-su. Thứ Hai Phục sinh là sự cử hành ngày lễ trọng đại này: thêm một ngày nữa. Tuy nhiên, đây là hậu-phụng vụ: đó là ngày lễ của gia đình, đó là ngày lễ của xã hội. Nó đánh dấu những giai đoạn nền tảng đức tin và ơn gọi của chúng ta trong thế giới, và tất cả mọi người Ki-tô hữu đều được kêu gọi sống ba Ngày Thánh – Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật — dĩ nhiên –, Thứ Bảy đã là Phục sinh rồi — ba Ngày Thánh, tới mức độ trở thành “cung lòng” của đời sống cá nhân và cộng đoàn của họ, của đời sống cộng đồng của họ, như cuộc xuất hành hỏi Ai-cập được những anh em Do thái giáo của chúng ta sống.
Ba ngày này một lần nữa kể lại cho những người Ki-tô các biến cố vĩ đại của ơn cứu độ được thực hiện bởi Đức Ki-tô, và do đó họ đặt nó làm mục tiêu ở chân trời cho vận mệnh tương lai của họ và củng cố nó trong cam kết làm chứng tá trong lịch sử.
Xem lại những chặng đường sống trong Tam Nhật Thánh, vào sáng Phục sinh Bài ca tiếp liên, đó là một Thánh thi hay là một Thánh vịnh, cho chúng ta nghe thấy sự công bố Phục sinh một cách trịnh trọng, và bài ca đó nói như vầy: “Đức Ki-tô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại và đi trước chúng ta tiến về Ga-li-lê.” Đây là một sự khẳng định vĩ đại: Đức Ki-tô đã sống lại. Và ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Đông Âu, người ta chào nhau bằng lời trong những ngày vượt qua này chứ không phải bằng câu “chào buổi sáng, “chào buổi tối” nhưng bằng câu “Đức Ki-tô đã sống lại,” để khẳng định lời chào vượt qua vĩ đại. “Đức Ki-tô đã sống lại.” Đỉnh điểm của Tam Nhật Thánh là những lời này — “Đức Ki-tô đã phục sinh” — của niềm vui trào dâng. Những lời này không chỉ là một thông báo niềm vui và hy vọng, nhưng cũng là một lời kêu gọi tính trách nhiệm và sứ mạng. Và nó không kết thúc với chim bồ câu, với trứng, với lễ lạc – cho dù điều này là tốt vì đó là ngày lễ của gia đình – nhưng nó không kết thúc ở đó. Con đường sứ mạng bắt đầu từ đó, từ lời công bố: Đức Ki-tô đã sống lại. Và lời loan báo này, là lời mà Tam Nhật Thánh dẫn đến, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận nó, là trung tâm điểm của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta, nó là cốt lõi, nó là lời loan báo, nó là — từ ngữ này khó, nhưng nó nói lên tất cả –, nó là sự loan báo (kerygma), nó tiếp tục rao truyền phúc âm cho Giáo hội và đến lượt mình Giáo hội lại được sai đi để rao truyền phúc âm.
Thánh Phaolo tóm tắt biến cố vượt qua bằng lời này: “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt qua của chúng ta” (1 Cr 5:7), làm chiên lễ. Người đã bị giết. Vì thế — ngài tiếp tục — “cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17), tái sinh. Và vì thế, từ lúc đầu, con người được rửa tội vào Ngày Phục sinh. Cũng vào tối thứ Bảy này cha sẽ rửa tội ở đây, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, tám người lớn bắt đầu một đời sống Ki-tô hữu. Và mọi thứ bắt đầu vì họ sẽ được tái sinh. Và, với một thể thức tổng hợp khác Thánh Phaolo giải thích rằng Đức Ki-tô “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rom 4:25). Người là Đấng duy nhất, Đấng duy nhất làm chúng ta nên công chính; Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng duy nhất làm cho chúng ta được tái sinh, không một ai khác làm được điều đó. Và, vì thế, không phải trả tiền cho sự công chính — làm cho chúng ta nên công chính — nó là nhưng không. Và đây là sự cao cả của tình yêu của Chúa Giê-su: Người trao tặng sự sống của Người một cách nhưng không để làm chúng ta nên thánh, để tái sinh chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Và đây chính là cốt lõi của Tam Nhật Thánh. Tam Nhật Thánh kỷ niệm biến cố nền tảng này trở thành một sự cử hành lòng biết ơn trọn vẹn, đồng thời nó làm mới lại ý thức về sự sống mới trong bí tích rửa tội, điều mà Thánh Tông đồ Phaolo một lần nữa nói với chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, […] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-3). Hãy ngước nhìn lên cao, hãy nhìn đến chân trời, hãy mở rộng chân trời: đây là niềm tin của chúng ta, đây là sự công chính của chúng ta, đây là tình trạng ơn sủng! Quả thật, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được sống lại với Chúa Giê-su và chúng ta chết đi cho những điều và những luận lý thuộc trần gian; chúng ta được tái sinh làm những con người mới: một thực tại đòi hỏi trở thành hành động cụ thể mỗi ngày.
Nếu một Ki-tô hữu thật sự để cho bản thân được Đức Ki-tô rửa sạch tội, nếu người đó thật sự để cho mình được Ngài lột bỏ đi con người cũ để bước đi trong một cuộc sống mới, cho dù vẫn còn là một tội nhân, — vì tất cả chúng ta đều là tội nhân — thì người đó không còn hủ hóa nữa, sự công chính của Chúa Giê-su giải thoát chúng ta khỏi sự hủ hóa; chúng ta là những tội nhân nhưng không bị hủ hóa; người đó không còn sống với cái chết trong linh hồn, hay thậm chí trở thành nguyên nhân của sự chết. Và đến đây cha phải nói một điều rất đáng buồn và đau đớn … Có những Ki-tô hữu giả hình: họ là những người nói “Đức Giê-su đã sống lại,” “Tôi đã được nên công chính bởi Đức Giê-su,” Tôi sống trong đời sống mới, nhưng tôi sống một đời hủ hóa. Và những ‘Ki-tô hữu giả hình’ này sẽ có kết cục xấu. Cha nhắc lại, một Ki-tô hữu là một tội nhân — chúng ta là như vậy — cha cũng vậy — nhưng chúng ta tin chắc một điều rằng khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ, Người tha thứ cho chúng ta. Người Ki-tô hữu hủ hóa ra vẻ là một người chính trực, nhưng cuối cùng sự sa đọa nằm trong tâm hồn người đó. Chúa Giê-su ban cho chúng ta một đời sống mới. Một Ki-tô hữu không thể sống với cái chết trong linh hồn, hay trở thành nguyên nhân của cái chết. Chúng ta hãy suy nghĩ — chẳng nói đâu xa — chúng ta hãy nghĩ đến gia đình, chúng ta hãy nghĩ đến những người được gọi là “những Ki-tô hữu mafia.” Những người này chẳng có gì là Ki-tô hữu: họ tự gọi họ là Ki-tô hữu, nhưng họ mang lấy cái chết trong linh hồn và cái chết đến cho người khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, xin Chúa chạm đến linh hồn của họ. Người anh em của chúng ta, đặc biệt những người bé mọn nhất và đau khổ nhất, trở thành khuôn mặt cụ thể để trao tặng sự yêu thương mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta. Và thế giới trở nên nơi của sự sống mới cho chúng ta là những người được phục sinh. Chúng ta đã sống lại với Đức Giê-su: vùng đứng với đầu ngẩng cao, chúng ta chia sẻ sự nhục nhã của những người vẫn đang chịu đau khổ, trần truồng, thiếu thốn, cô đơn, chịu chết của ngày hôm nay, như Chúa Giê-su, để nhờ Người mà trở thành những khí cụ giải thoát và khí cụ của hy vọng, những tín hiệu của sự sống và sự phục sinh. Ở nhiều quốc gia — trong nước Ý này và ở đất nước của cha — có một truyền thống vào ngày Phục sinh, khi nghe chuông nhà thờ đổ, những người mẹ, người bà đem những đứa trẻ rửa mắt cho chúng bằng nước, bằng nước sự sống, như là một dấu hiệu để có thể nhìn thấy những điều của Chúa Giê-su, những điều mới mẻ. Trong Mùa Phục sinh này, chúng ta hãy rửa linh hồn của chúng ta, rửa con mắt của linh hồn, để nhìn thấy được những điều đẹp đẽ và làm những việc tốt đẹp. Và điều này rất tuyệt vời! Quả thật đây là Sự Phục sinh của Chúa Giê-su sau cái chết của Người, đó là cái giá để cứu tất cả chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chuẩn bị để sống trọn vẹn tinh thần này trong Tam Nhật Thánh sắp đến — nó sẽ bắt đầu ngày mai –, để đi vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô một cách sâu đậm hơn, Ngài đã chết và sống lại cho chúng ta. Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh, Đấng đã theo Chúa Giê-su trong cuộc Khổ nạn của Người — Mẹ đã ở đó, lặng nhìn, đau đớn … Mẹ ở đó và kết hiệp với Người dưới chân Thập giá, nhưng không xấu hổ vì Con của Mẹ, một người Mẹ không bao giờ xấu hổ vì Con của Mẹ! Mẹ ở đó, và đón nhận niềm vui mãnh liệt của Sự Phục sinh trong tâm hồn của Mẹ –, đồng hành với chúng ta trong con đường thiêng liêng này. Nguyện xin Mẹ cầu cho chúng ta được ơn sủng biết thông phần vào những cử hành của các ngày sắp tới, để tâm hồn và đời sống của chúng ta thật sự được biến đổi.
Và cùng với những suy tư để lại cho anh chị em, cha xin gửi những lời chúc nồng hậu nhất cho một Mùa Phục sinh hạnh phúc và thánh thiện, cùng với cộng đoàn và những người thân yêu của anh chị em
Và cha cho anh chị em lời gợi ý, vào buổi sáng Phục sinh hãy đưa những đứa trẻ đến dưới một vòi nước và rửa mắt của chúng. Đó sẽ là một dấu hiệu để nhìn thấy được Chúa Giê-su Phục sinh.

 

Tác giả bài viết: Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN

Nguồn tin: Văn bản chính: tiếng Ý - Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester ZENIT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây