Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


XUÂN CANH TÝ 2020 : CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

MỒNG MỘT TẾT XUÂN CANH TÝ 2020 : CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI - Giáo xứ Châu Sơn 05g30 Thứ Bảy, ngày 25 tháng 01 năm 2020.
CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

DẪN NHẬP
Xin chào Xuân Canh Tý 2020, một năm cầm tinh con Chuột.
Ngưởi ta vốn không ưa gì loài gậm nhấm nhỏ bé có các giác quan như thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác rất phát triển nên khó diệt trừ, và gây hại nguy hiểm đối với nền kinh tế và đời sống con người. Các chuyên gia ước tính số lương thực do chuột tiêu hủy mỗi năm trên toàn thế giới đủ để nuôi 200 triệu người. Riêng ở Mỹ, chi phí hàng năm cho chương trình kiểm soát chuột là khoảng 120 triệu đô la.
Chuột có vóc dáng nhỏ nhất nhưng lại đứng đầu danh sách 12 con giáp. Kể cũng lạ, không biết có phải vì chuột nhỏ con mà người ta gọi là Tý? Năm 2020 là năm Canh Tý, khởi đầu một vòng 60 năm – gọi là “lục thập hoa giáp”. Khi viết ca khúc “Sáu mươi năm cuộc đời”, cố Nhạc sĩ Y Vân cũng muốn triển khai theo ý đó, chứ không có ý nói đời người chỉ “giới hạn” trong vòng 60 năm.
Thời xưa ông bà ta chưa có đồng hồ, nên tính giờ Tý là thời gian khoảng từ 23 giờ khuya đến 2 giờ sáng, cũng là thời gian giống chuột hoạt động rất mạnh trong việc sinh sản và kiếm ăn. Trong kho tàng văn học dân gian, chuột là hình ảnh độc đáo dùng để biểu tượng cho những điều không mấy tốt đẹp và đáng ghét trên đời, đồng thời phê phán gay gắt thói cửa quyền, tham ô nhũng lạm đang đục khoét nguy hại cho đất nước và xã hội hôm nay. Bởi thế, năm Chuột đã đem đến cho cuộc sống đạo đời nhiều bài học đáng suy ngẫm về đối nhân xử thế.
Khi muốn ám chỉ hạng người có bộ dạng gian xảo, chỉ chờ chực làm những việc xấu xa, hại người, thì dân gian có câu hạng Mắt dơi mày chuột.
Với những kẻ tiểu nhân, sống cố tình che giấu những điều ám muội, đến khi có biến cố, thì bộc lộc ra hết bộ mặt thật của kẻ giả nhân giả nghĩa, mới Cháy nhà ra mặt chuột.
Để chỉ bộ phận những người lãnh đạo đất nước, đề ra các công trình xây dựng trên cửa miệng và giấy trắng thì thật hoàng tráng vĩ mô, đến lúc thi công thì lại bị “rút ruột”, khiến hàng loạt công trình kém cỏi xuống cấp mau chóng trầm trọng, tục ngữ liền nói mỉa câu Đầu voi đuôi chuột. Và chỉ cách cho kẻ xấu tránh khỏi bị trừng phạt, thì lại là Bày đường cho chuột chạy.

Không chỉ xuất hiện trong thơ ca, hình ảnh chuột còn là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian khác, tiêu biểu một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian Đông Hồ là Đám cưới chuột. Một bức tranh có lịch sử hơn 500 năm trước, các nghệ sĩ đã nhân cách hóa con chuột, biến nó trở thành con người trong một đám cưới rình rang, có đủ kèn, trống và các loại lễ vật. Và để đám cưới được suôn sẻ, những con chuột vẫn không quên chuẩn bị cá, chim để hối lộ cho mèo. Người ta mượn hình ảnh chuột để châm biếm chua cay về tệ nạn xã hội cần lên án và loại bỏ. Cho nên, bức tranh xem ra vừa hài hước dí dỏm, vừa mang đến ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ của kẻ có chức có quyền ức hiếp dân đen.
Còn Kinh Thánh cũng xem chuột là loài ô uế trong các loài vật, nghĩa là luật cấm đụng vào nó hoặc ăn thịt nó. Một trong những sách đầu tiên của Cựu Ước là sách Lê vi, đoạn 11, câu 29–30, đã liệt kê rõ rằng “Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế : Chuột chũi, Chuột nhắt, mọi thứ thằn lằn, tắc kè, kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, thạch sùng.”

Sách Samuen quyển thứ nhất, chương 4, 5 và 6 còn kể câu chuyện bi hài về việc Năm con chuột vàng với rất nhiều tình tiết. Đại ý câu chuyện liên hệ đến Hòm Bia Thánh, một báu vật của dân Itraen, mà quân Philitinh cướp được. Khi người Philitinh di dời Hòm Bia Thánh đến đâu thì tai họa do các thứ chuột xuất hiện, lan rộng đến đó, khiến dân chúng khắp nơi bị bệnh dịch hạch hoành hành. Chết chóc lan tràn và tiếng khóc than khắp các thành thị vọng thấu trời xanh (x.1Sm 5,12). Để tránh tai họa, cuối cùng, họ bàn nhau trả Hòm Bia Thánh cho dân Itraen, kèm theo của lễ đền tội là đúc năm cái khối u như hạch xoài bằng vàng tượng trưng cho năm thành và năm con chuột bằng vàng, tượng trưng cho năm vương hầu cai quản, để tôn vinh Thiên Chúa Itraen. May ra Người sẽ nhẹ tay với các ngươi... (1Sm 6,4).
Kính thưa Cộng đoàn, theo dân gian, năm nay là năm có con số đẹp – 2020, nhưng con vật đại diện, lại không đẹp tí nào, xấu từ vóc dáng tới tính nết. Thật vậy, chuột là loài sống chui rúc ở những nơi tối tăm, biểu hiện sự gian xảo, ranh ma, chờ cơ hội để phá phách, gặm nhấm bất cứ thứ gì. Con người cũng tương tự. Những kẻ ở trong bóng tối là những kẻ mờ ám, xấu xa, độc ác. Người ta luôn phải cố gắng diệt chuột để bảo vệ tài sản của mình thế nào thì đối với những ác ý của con người cũng phải nỗ lực triệt tiêu như vậy – và còn phải dứt khoát hơn mới được.
Nhân năm Canh Tý nấy, bên cạnh những việc làm xấu xa phá hoại, chúng ta cũng cần công bằng ghi nhận bao đóng góp lợi ích và tích cực của họ nhà chuột đã giúp nhân loại suốt hàng trăm năm qua, cho khoa học và y tế, mà thấy cần phải cảm ơn chúng. Vì xét trên phương diện tiến hóa, chuột còn có họ hàng xa với con người: tổ tiên chung cuối cùng giữa chuột và người tồn tại cách đây 80 triệu năm, và các nhà khoa học đã khám phá ra con người và chuột nhắt có đến 90% tương đồng về gen. Bởi thế, trong nghiên cứu khoa học, chuột được xem như “linh vật” góp phần rất lớn trong việc thử nghiệm và sáng chế các phương thuốc, vắcxin cho con người.

 
Theo Báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) về kết quả thống kê số lượng động vật dùng trong thí nghiệm và các mục đích khoa học khác tại 27 nước thành viên cho thấy chuột chiếm 75% số lượng các loài vật dùng trong nghiên cứu, bao gồm 61% là chuột nhắt đã khám phá ra con người và chuột nhắt có đến 90% tương đồng về gen.và 14% là chuột cống. Cho nên chuột nhắt (mouse) và chuột cống (rat) được mệnh danh là “nhà vua” và “nữ hoàng” trong giới động vật thí nghiệm. Nếu, nhân rộng tỉ lệ số liệu chuột được sử dụng hằng năm trong khoa học này trên toàn thế giới, thì số lượng chuột thí nghiệm vào khoảng 75 triệu con mỗi năm! Nếu hỏi một nhà khoa học về ưu điểm của chuột khiến chúng được ưa chuộng trong thí nghiệm đến thế, câu trả lời nhận được sẽ là do chúng nhỏ, rẻ tiền, lành tính và dễ can thiệp. Một chú chuột thí nghiệm có giá khoảng 5 đô la và chỉ tốn 1/10 số tiền đó để nuôi mỗi ngày, vì chúng kích thước nhỏ của chuột giúp cho việc nuôi nhốt chúng tại phòng thí nghiệm đơn giản và ít tốn kém hơn hẳn các loài khác.
Dựa trên các tiêu chí này, họ nhà chuột trở thành chiếc “chìa khóa vạn năng” để mở tất cả cánh cửa bí hiểm của y khoa, từ ung thư, tiểu đường, trầm cảm, hậu chấn tâm lý, hay bất cứ bệnh tật hay chứng rối loạn nào mà con người có thể gặp phải.
Để kết thúc, xin mượn câu chuyện 3 chú chuột chui vào một chum mỡ, đã mang đến chúng ta một bài học đáng suy ngẫm về sự đoàn kết. Bởi đoàn kết là điều không thể thiếu trong một tập thể, cộng đoàn. Đó là điều kiện cần. Bất kể ai, như 1 trong 3 con chuột trong câu chuyện trên, chỉ để ý đến lợi ích cá nhân mà xem nhẹ tập thể, bất chấp làm những việc tư lợi ích kỷ thì tự họ sẽ bị loại bỏ.
Như lời của một Nữ tiểu thuyết gia người Mỹ ( Louisa May Alcott (1832–1888) đã nói: “Phải hai hòn đá mới đánh được lửa”. Thực vậy, để tạo được thành quả cần có sự chung tay xây dựng mà không một chút ích kỷ, tư lợi.
Chuyện bắt đầu vào một đêm nọ, có 3 chú chuột rủ nhau vào phòng bếp lục đồ ăn. Chúng reo mừng khi phát hiện một chum mỡ thơm ngon. Điều không may là, những dòng mỡ béo ngậy, thơm lừng kia lại nằm ở dưới đáy chum. Con đầu đàn bỗng nghĩ ra một kế hay. Nó nói : Ba chúng ta sẽ cắn đuôi nhau tạo thành một chiếc thang dây đu xuống đáy chum và thay phiên nhau ăn phần mỡ.
Hai con chuột còn lại nhanh chóng hưởng ứng sáng kiến. Tuy nhiên, khi nhìn lượng mỡ ít ỏi trong chum, sự đoàn kết ban đầu đã dẫn biến thành sự ích kỷ đang xâm chiếm cả 3 con. Con chuột đầu đàn được đu xuống ăn đầu tiên. Nó nghĩ bụng : Mỡ thì ít mà phải chia cho hai bạn kia thì tiếc thật. Kệ bọn chúng, mình cứ chén đi đã ! Con chuột thứ hai cũng có những ý nghĩ “đen tối” không kém. Nó tự nhủ: Mỡ thì ít. Nhỡ may con đầu đàn xuống trước và ăn hết sạch thì chẳng phải mình đang làm việc không công đó ư? Có khi thả nó ra rồi nhảy xuống đánh chén cho no còn hơn. Rồi con chuột thứ 3 cũng không ngoại lệ. Nó hậm hực : Đợi hai bạn kia xuống ăn thì mình làm gì còn phần, sao mà lại phải dại vậy ! Thôi thì thả cả hai bạn ra, ta cùng nhảy xuống “trặc” một bữa cho đã.

Ý nghĩ cùng đến khi lòng tham đang ngập tràn, cả 2 con chuột ở trên đều nhả đuôi con chuột còn lại. Cuối cùng, 3 chú chuột đều nhảy xuống chum mỡ. Chúng tranh nhau ăn cho đã. Nhưng khi cơn thèm và lòng ích kỷ được thỏa mãn, thì cũng là lúc ý chí chúng mới hoạt động trở lại. Chúng nhận ra, toàn thân mình ướt đẫm và trơn trượt vì dính mỡ. Trong khi chum mỡ sâu như vậy thì làm sao thoát khỏi đây? Chúng sợ hãi rồi lao nhao la hét vì không thể thoát khỏi cái chum sâu kia. Cuối cùng, một phần vì mất sức, một phần vì tuyệt vọng, cả 3 con chuột đều chết trong chum mỡ, một cách cay đắng!
Nguyện xin Thiên Chúa là Mùa Xuân vĩnh cửu ân ban cho mỗi người, mỗi gia đình, và Giáo xứ chúng ta một năm mới may lành, được hồn an xác mạnh. Xin Ngài tẩy rửa tâm hồn ô uế chúng ta, được trở nên thanh sạch. Xin Ngài thánh hóa để chúng ta không còn hôi hám như loài chuột, và xin biến đổi để chúng ta sống hữu ích chứ đừng gặm nhấm tha nhân vì thói tham lam ích kỷ.
Với những tâm tình chan hòa hân hoan đó, xin Cộng đoàn mở lòng ra đón một mùa Xuân mới, qua Trống hội mừng Xuân rộn ràng của các Em Thiếu nhi và hòa nhịp Niềm hân hoan tươi mới trong Vũ khúc khai xuân cùng Vũ đoàn trẻ Giáo xứ.

 

HIỆP LỄ
Mỗi ngày một tý vui tươi,
bao dung, tha thứ,  nụ cười tỏa lan.
Một tý kiên nhẫn, dịu dàng,
giải hòa, chia sẻ, bình an tâm hồn.

Một tý xin lỗi, cám ơn,
bên nhau hạnh phúc quý hơn bạc tiền.
Nguyện cầu Năm Mới bình yên
Mỗi ngày một tý sống vui an hòa
Sr Vân Nga, MTG Thủ Đức

VIẾNG MẸ ĐẦU NĂM
 

15


Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm là Mùa Xuân Ơn thánh, khởi đầu cho một Năm mới, Cộng đoàn chúng con đang hướng lời tri ân cảm tạ về Người Mẹ tuyệt vời nhất của Giáo xứ. Thật hạnh phúc khi đoàn con luôn có Mẹ canh giữ, bao bọc chở che, để mang lại một Vùng trời bình yên, cùng với bao ơn lành hồn xác cho con cái.
Khởi đi từ mối quan tâm đặc biệt về các Kitô hữu trẻ của Thượng Hội đồng, trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.
Khởi đi từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018, ĐTC Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit, số 2627,) ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người (x.Lc 2, 52). Từ đó, bước vào 3 Năm Mục vụ Giới trẻ, mà Chủ đề năm nay là Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện, HĐGMVN đã đặc biệt đề nghị các bậc làm cha mẹ trong Giáo xứ chúng con nói riêng, cần đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.
Giờ đây. Cộng đoàn Giáo xứ chúng con xin mừng tuổi Mẹ và phó dâng bước đăng trình trong một Năm mới 2020 nầy cho Mẹ. Từ trên tòa cao sang, cúi xin Mẹ chúc lành và ban bình an cho Cộng đoàn chúng con.
 

1
 
2
 
3
 
4
 
5
 
6
 
7
 
8
 
9
 
10
 
11
 
12
 
13
 
14
 
MỜI XEM THÊM HÌNH ẢNH

MỜI NGHE BÀI DẪN NHẬP

MỜI NGHE BÀI GIẢNG LỄ

MỜI NGHE BÀI CHÚC TẾT CỦA HĐGX

MỜI NGHE TÂM TÌNH ĐẦU NĂM CỦA CHA QX

Tác giả bài viết: BBT - Trang Tin GXCS; Hình ảnh CAO THIÊN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây