Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


TỰ DO TRONG YÊU THƯƠNG

Đan sĩ Linh mục Phanxico Salesio Trần Huy Huề – Đan viện Phước Vĩnh, nhân ngày trở về giáo xứ mẹ Núi Ngọc dự lễ tang bà cố Maria thân mẫu cha Phêrô Nguyễn Thái Hải, Ngài gặp gỡ BBT Trang tin GX và gởi bài viết TỰ DO TRONG YÊU THƯƠNG. BBT Trang tin chân thành cảm ơn Cha Phanxico Salesio và mong tiếp tục được nhận nhiều bài viết từ cha hơn nữa. Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả thân yêu.
TỰ DO TRONG YÊU THƯƠNG

TỰ DO TRONG YÊU THƯƠNG

Đã gần một năm qua, nhân loại sống trong lo lắng, hoang mang. Thế giới chao đảo vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi. Con virut nhỏ xíu, quái ác đã làm tê liệt, khuynh đảo mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo. Nó đã và đang đe dọa, giết chết hàng triệu người trên thế giới. Trong bối cảnh hiện tại, con người cảm thấy yếu đuối nhỏ bé, bất lực vì dịch bệnh, thiên tai và sự chết! Nhân dịp tháng 10, tháng kính Đức Mẹ Mân Côi. Bài chia sẻ này mạo muội gửi tới bạn đọc, cách riêng các bạn trẻ khi giáo hội mời gọi chúng ta mừng kính, suy tư, noi gương hai vị thánh của thời đại: Thánh Phanxico Assisi và thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu!

Các bạn thân mến! Mỗi một ngày chúng ta luôn được Giáo hội khích lệ, động viên, để nỗ lực sống đức tin và trở nên “mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu” và cùng nhau “đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu” (2Tm 2,1-3). Cũng như khi nghe lời mời gọi của Đức Giêsu với người phụ nữ Samaria bên giếng Giacop, giúp chúng ta phân định:  “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Nước mà Đức Giêsu ban cho con người là gì, nếu không phải là tình yêu? Một Kitô hữu được gọi là thánh, khi họ uống nước hằng sống và làm cho tình yêu nơi mình trở thành một mạch ngầm khả dĩ vọt lên sự sống vĩnh cữu cho mình và cho tha nhân. Vậy phải dùng phương thế nên thánh nào đây? Cuộc đời của hai thánh Phanxico Assisi và thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu sẽ là câu trả lời sống động cho chúng ta: Nên thánh với niềm vui tự do!

Vậy thì Tự do là gì? Tự do là không bị bó buộc, lệ thuộc vào bất cứ điều gì.Tự do ấy thuộc loại nào? Ta thường hiểu Tự do là khả năng chọn làm cái này cái kia. Thích đối tượng này, chọn đối tượng nọ, nhưng ít khi “Tôi chọn tôi”, hoặc theo kiểu nói của Jasper: tự do là tôi chọn cái mình là! Tại sao tôi đang hiện hữu mà lại còn chọn tôi làm gì? Thưa! Cái “tôi” của chúng ta nay mới chỉ là dạng “mầm”! Vì thế tôi chọn “tôi” cũng đồng nghĩa tôi chọn một mẫu người, mà theo khuôn mẫu đó, tôi sẽ xây dựng bản thân. Nhưng nếu phải chọn một khuôn mẫu để xây dựng bản thân thì còn gì là tự do? Cho nên đức tin sẽ trả lời và giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.

Đúng thế! Sống trên đời này ai cũng cố gắng học sống theo khuôn mẫu của mình. Cái mẫu đó nhiều lúc mang tính văn hóa địa phương, vùng miền. Dù bạn rập theo một khuôn mẫu nào đó, đều nói lên sự trân trọng cái “khác” nhau nơi bản sắc văn hóa dân tộc, sinh hoạt tôn giáo, chính trị xã hội. Trong xã hội hôm nay, dù khác biệt về địa vị, giai cấp giàu nghèo, con người vẫn chọn cho mình một chỗ đứng. Ai chọn sống ơn gọi thánh hiến thì mong đạt tới lý tưởng phục vụ Tin mừng. Ngay cả tầng lớp giàu có, được xem là đại gia, hoặc theo kiểu xã hội đen, tự xưng là anh hai, là “sếp”, họ cũng đi theo một khuôn mẫu của một thần tượng nào đó.

Các bạn còn nhớ, triết lý tự do của Karl Marx (1818 – 1883) cũng đã làm nhiều thế hệ trẻ Châu Âu bị “lạc lối” trong tư tưởng và cuộc sống. Đặc biệt, vào thời gian 1960 - 1970 ( thế kỷ 20) giới trẻ Pháp đã bị ảnh hưởng tư tưởng của triết gia hiện sinh J.Paul Sartre (1905 – 1980) khi ông đề cao một triết lý về  một nếp sống phóng túng, nhân danh tự do. Thế hệ thanh niên trong giai đoạn này đã tôn thờ J. Paul Sartre như một thần tượng. Các tác phẩm của ông (như Buồn Nôn; Tồn Tại và Hư Vô…) đã xuất bản và được nhiều độc giả trên thế giới đón nhận. Trong giới nghệ sĩ thời đó rất hippy. Nam để tóc dài, quần ống loe… với mục đích nhân danh tự do. Kết quả là đời sống họ đi vào ngõ cụt, cảm thấy vô nghĩa và dẫn tới tình trạng bị phá đổ hơn là xây dựng. Chính J.P.Sartre đã thất vọng, khi nhận ra cái chết đã vô hiệu hóa mọi dự định, mọi cơ đồ xây dựng của ông!  Đến nỗi ông phải cay đắng nhìn nhận: Đời là nôn mửa…! Tha nhân là hỏa ngục! Con người là chó sói của nhau! Vì thế, ai chủ trương sống theo triết lý tự do của J.P.Sartre đều bị sa lầy trong thất vọng, buông xuôi. Chẳng khác gì một đám trẻ xây nhà bằng cát nơi bãi biển.

Thực tế hiện nay, với bối cảnh dịch Covid -19, thì giới trẻ các nước Âu- Mỹ vẫn nhân danh tự do, không áp dụng mọi biện pháp y tế ngăn ngừa dịch bệnh Covid 19; không tôn trọng luật pháp và lợi ích sức khỏe cộng đồng (không chịu mang khẩu trang, vẫn tụ tập tổ chức tiệc tùng đông người…). Vì quá tự do, cho nên một vài quốc gia bị nhiễm  bệnh nặng, số người chết vì dịch Covid thật khủng khiếp! Bài chia sẻ này không dám phê bình, nhưng muốn đề cao sự tự do chân chính. Với mục đích giúp các bạn có quyền nhận định, để mỗi người xác định: tôi muốn xây dựng bản thân, nên tôi cần theo một khuôn mẫu, một đối tương, một lối sống nào đó, mà tôi biết sẽ giúp tôi định hướng cuộc đời. Các bạn cần nhớ là chúng ta chỉ hơn nhau ở chỗ là bạn chọn khuôn mẫu, lối sống nào để thăng tiến bản thân..

** Thưa các bạn! hơn ai hết, Đức Giêsu đã đề nghị với chúng ta một mẫu sống cụ thể, hiện đại. Đó là mẫu sống hoàn thiện: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt5,48). Nhưng Thiên Chúa là Đấng Vô hình, làm sao ta thấy được khuôn mẫu của Người? Vâng! Chúng ta đã nghe lời Đức Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.. vì Cha với Thầy là một. Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha” (Ga10,30.38). Sống hoàn thiện là sống theo khuôn mẫu của Đức Giêsu. Khi mở mắt cất tiếng khóc chào đời, cho đến ngày lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và mang trong mình hai giòng sự sống: sự sống con người và sự sống Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu trao ban cho chúng ta món quà cao quý: vừa biết sống làm người; vừa biết sống làm con Thiên Chúa. Thánh giáo hoàng Gioan- Phaolô II đã viết trong thông điệp Redempter Homini ( Đấng Cứu Chuộc con người): “Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho con người nhận ra sự cao cả- thánh thiêng nơi bản chất con người. Cho nên ai sống càng trở nên giống Đức Giêsu Kitô, thì càng trở nên con người hơn.” (# 92)

Muốn biết Đức Giêsu làm người như thế nào, các bạn hãy đọc Kinh thánh, nhất là các sách Tin mừng. Hãy nhìn vào cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu nơi làng quê Nazaret. Hãy đi theo những bước chân rao giảng của Đức Giêsu. Hãy vào cầu nguyện với Đức Giêsu khi Ngài ở trong vườn Giêtsimani. Hãy ngước mắt nhìn Đức Giêsu trần trụi, đau đớn, thều thào trên thánh giá. Tất cả đều chứng minh cho nhân loại biết Đức Giêsu yêu thế gian trọn vẹn, Ngài yêu đến cùng và Ngài cũng tự do đến cùng. Nơi Đức Giêsu chữ yêu cũng đồng nghĩa với tự do. Sở dĩ Đức Giêsu yêu con người đến cùng (Ga 13,1) là vì Đức Giêsu có khả năng cho đi tất cả, không tiếc nuối điều gì, không tính toán, so đo, hơn thiệt…Ngay cả mạng sống, Đức Giêsu cũng hiến dâng một cách nhưng không. Không tiếc nuối, nên Đức Giêsu không lệ thuộc bất cứ điều gì. Ngài cho chúng ta một mô hình cụ thể: yêu thương trong tự do. Bởi vậy thánh Phaolô đã dặn dò: “ Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau..”(Ga 5,13) Nói cách khác, thánh Phaolô mời gọi chúng ta muốn yêu như Đức Giêsu, thì ta phải có tự do và muốn thể hiện sự tự do đúng mức thì phải sống đức ái.

Giáo hội đã cho các bạn chiêm ngắm cuộc đời hai thánh Phanxico Assisi và Têrêxa Hài đồng Giêsu là hai bản tình ca yêu thương trong tự do. Nơi hai bông hoa phong phú sắc màu này trong vườn hoa Giáo hội, đã thơm ngát hai yếu tố thiêng liêng trên. Vì các ngài mang trong tâm hồn mình một sự tự do của lòng mến Chúa bừng bừng như lửa; đồng thời các ngài có khả năng yêu mến tha nhân và không hề bị nô lệ bất cứ mọi đối tượng nào. Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu có quy tắc sống: Chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi! Ơn gọi của tôi chính là yêu mến! Dù ẩn mình trong bốn bức tường dòng kín, nhưng cuộc sống của thánh nữ không bị phân tán chi phối hay lệ thuộc bất cứ điều gì. Ngay cả bản thân thánh nữ dù sức khỏe yếu, thân xác mỏng manh, mệt mỏi, nhưng thánh nữ luôn tươi cười với hai chữ yêu mến trên miệng. Chúng ta có thể ví Têrêxa Hài đồng Giêsu như một tài xế đang điều khiển xe với tốc độ cao trên đường cao tốc. Nhưng tài xế không hề bị chi phối bởi những quán nhậu, quán cà phê mời gọi, hoặc chẳng bao giờ chia trí vì những hình ảnh vui mắt ở hai bên đường, mà  chỉ biết chăm chú cầm chặt tay lái nhìn về phía trước mong chạy thẳng về tới điểm hẹn sớm. Cuộc hành trình trần gian của Têrêxa Hài đồng Giêsu (1873-1897) quá vắn vỏi! Chỉ có 24 tuổi đời mà thôi. Thế mà Giáo hội đã tôn vinh thánh nữ là bậc thầy cho những ai sống chiêm niệm, khao khát tìm Chúa. Dĩ nhiên cuộc đời thánh nữ không thiếu những xung khắc, mâu thuẫn, những hiểu lầm nơi chị em trong dòng, cùng những khổ đau thân xác vì bệnh hoạn. Niềm vui tự do nơi Têrêxa Hài đồng Giêsu gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một sự can đảm phi thường. Còn gì phi thường bằng một sự nỗ lực tuyệt vời đối với một cô gái bé nhỏ, khi vừa thức giấc thấy áo gối mình thấm đầy máu! (Các bạn biết Têrêxa Hài đồng Giêsu bị bệnh thổ huyết.) Lúc này Têrêxa Hài đồng Giêsu mở mắt, hoảng hồn, la hét vì bị sốc chăng? Không! Thánh nữ vẫn bình an vui vẻ và coi sự thổ huyết đó như là lời mời gọi của tình yêu. Thế rồi, thánh nữ hân hoan tin tưởng viết bản kinh “Hiến dâng cho tình Cha đầy lòng thương xót”

Còn thánh Phanxico Assisi! (1181-1226) Vị thánh của hòa bình. Lịch sử giáo hội cho thấy vào thời ngài, hàng ngũ giáo sĩ trong giáo hội sống xa hoa, hưởng thụ, bất xứng, thậm chí nêu gương mù gương xấu…! Như một sứ giả của Đấng Tuyệt đối. Với  sự tự do chân chính, đích thực, thánh Phanxico Assisi đã khiêm nhường, nhẹ nhàng, linh động cải tổ mọi tổ chức giáo sĩ sinh hoạt  đúng luật giáo hội. Hơn thế nữa, thánh nhân đã nỗ lực vượt thắng chính mình để chống lại thế lực tội lỗi, sự ghì kéo của cám dỗ, của sự quyến rũ hấp dẫn của thế gian, xác thịt. Để thể hiện sự tự do đó, thánh Phanxico Assisi đã chọn  đối tượng duy nhất cho đời ngài là Đức Giêsu trần trụi trên thánh giá. Thánh nhân tự do thoát ly gia đình để không bị trói buộc. Mang chất nghệ sĩ nơi mình, thánh nhân làm bạn với bà chúa nghèo. Vui tươi tín thác, dám đối diện với chị Chết. Trong tự do ngài tỏ ra thân thiện với muôn loài tạo vật: chim trời cá biển, thú vật rừng hoang. Thánh nhân còn tỏ ra yêu mến và tạo ra mối tương quan rất gần gũi với Anh mặt trời, Anh Gió, anh Sao, Chị mặt trăng đặc biệt là Mẹ Đất. Nhờ sự tự do chân chính, thánh Phanxico Assisi đã diễn tả chiều kích cao rộng của tình mến. Bản “Kinh Hòa Bình”  đã nói lên mối tương quan mật thiết của thánh nhân với Chúa và tha nhân. Cho dù cuộc sống có nhiều nghịch lý, trở ngại, chông gai, nhưng mọi sự đều cho Chúa và cho anh em!

Các bạn mến! Ai cũng nhớ lời thánh Phaolo đã chia sẻ: “Anh em hãy lấy yêu thương mà phục vụ nhau” (Gl 15,13) và hơn ai hết 2 vị thánh trên đã thi hành cách trọn vẹn. Còn chúng ta? Các bạn đã nghe lời thao thức của vị đại thánh Augustino: ông kia bà nọ làm thánh được, tại sao tôi lại không ? Từ nỗi ưu tư khắc khoải ấy mà Augustino đã vượt thắng từ vực thẳm tội lỗi để có thể ngẩng đầu hiên ngang bước vào con đường hoàn thiện và bay vào khung trời tình yêu và tự do. Các bạn cũng biết xã hội Việt Nam hôm nay (cách riêng giáo xứ Châu sơn) cũng đang hòa nhập vào cuộc sống văn minh, để rồi cũng  được đón nhận những gì là hay, là đẹp của nền văn minh thế giới. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của nền văn minh thực dụng, những trào lưu tư tưởng hiện đại đề cao chủ nghĩa cá nhân, tự do, đã và đang làm cho thế hệ trẻ bị cuốn vào cơn lốc của chủ nghĩa thực dụng, có nguy cơ đi “lệch” đường của nền luân lý, đạo đức gia đình mà cha ông chúng ta đã gầy dựng và bảo dưỡng qua nhiều thế hệ. Các bạn cần cảnh giác với mọi mưu mô của ma quỷ: “ anh  em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh embằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2)

** Để kết thúc bài viết này, người viết muốn gợi ý một vài tâm tình và suy tư: Tôi và các bạn đang đứng vị trí nào trong giáo hội và xã hội? Lời mời gọi của Đức Giêsu còn vang vọng: “ anh em hãy nên hoàn thiện!” (Mt5,48)  có tác động mạnh mẽ  với các bạn trong cuộc sống hôm nay hay không? Thiển nghĩ chắc chắn là có! Vì nếu chúng ta giúp nhau kiến tạo cho mình có một đời sống nội tâm dồi dào phong phú. Lúc đó các bạn sẽ hiểu lý do tại sao trong cuộc gặp gỡ với Nicôđêmô, Đức Giêsu đưa ra điều kiện “phải sinh lại bởi ơn trên” để có thể thấy Nước Thiên Chúa. (Ga3,3) Cho nên chúng ta cần được “sinh lại” để có sự sống của Thần khí. Sự sống của Thần khí là sự sống yêu thương và tự do, sự sống được ví như gió “ muốn thổi đâu thì thổi..” (Ga3,8) Ở đâu có Thần Khí ở đó có Tự do. Nhờ tự do mà cuộc đời hai thánh Phanxico Assisi và Têrêxa Hài đồng Giêsu đã mang chiều kích giáo hội và thế giới. Hai thánh không gắn kết vào bản chất con người ích kỷ, không ôm khư khư vào cái tôi nhỏ nhen. Trái lại các ngài hết sức tín thác, can đảm, quảng đại, bao dung. Nhờ tự do mà các ngài luôn xác tín: “ mọi thời, mọi nơi, chúng tôi luôn mang trong mình cuộc thương khó của Đức Giêsu Kytô” (2Cr 4,10.16-17)

Mến chúc các bạn bình an vui vẻ dõi theo chân Đức Giêsu Kytô qua mẫu gương của hai thánh Phanxico Assisi và Têrêxa Hài đồng Giêsu. Các bạn hãy nhìn xem cuộc đời của J,P.Sartre, Karl Marx có được kết quả gì khi họ đề cao tự do? Còn chúng ta vui vẻ sống tự do theo Thần Khí! Có Thần Khí dẫn bước, các bạn sẽ là những người trưởng thành toàn diện, đặc biệt sống Tự do trong Ơn Thánh. Như lời nhắn nhủ của thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu với một tập sinh trong Dòng: “ cần gì em phải cảm thấy mình can đảm. em hãy sống như mình đã có đủ can đảm!” Lúc đó các bạn sẽ không ngại ngùng, mà chỉ biết can đảm “lao mình về phía trước như một vận động viên điền kinh…”(Pl 3,13) để đạt tới đích là Nước Trời. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Phanxico Assisi và Têrêxa Hài đồng Giêsu, xin Chúa  và Mẹ Maria, thánh Giuse chúc lành cho các bạn!

Mến chào các bạn trong Chúa!

Đan sĩ Linh mục Phan Sa – Đan viện Phước Vĩnh

Tác giả bài viết: Đan sĩ Linh mục Phan Sa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây