Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


TÔI SẼ LÀM MƯA HOA HỒNG

Trong số các nhân vật lịch sử, danh nhân và các thánh, có lẽ chưa có vị nào một trăm năm sau khi khuất bóng mà được “sống lại” một cách vẻ vang, đồng thời được ngưỡng mộ, dễ thương, dễ mến đối với mọi người, như “Nữ Thánh Tê rê sa kiều ái của Chúa”.
TÔI  SẼ  LÀM  MƯA  HOA  HỒNG

 

TÔI SẼ LÀM MƯA HOA HỒNG

Francis Assisi Lê Đình Bảng.

 

  1. Từ những ước mơ thời trẻ dại…
     

Trên đây là lời tâm nguyện thiết tha của một cô bé, để rồi sau đó trở thành một nữ tu trẻ dòng kín Cát Minh. Muốn là cơn mưa hoa hồng. Một linh mục truyền giáo phương xa. Một thầy phó tế. Một tiến sĩ hội thánh. Thậm chí muốn được sống những năm tháng cuối đời tại dòng kín Hà Nội xa xăm kia. Tôi muốn nhiều, thật nhiều, muốn tất cả. Đấy là tiếng nói khát yêu của con sơn ca líu lo bên lòng bạn tình Giêsu chí ái. Con chim ấy, trái tim ấy, giọng hót ấy, vòng nguyệt quế và chùm hào quang ấy chính là Thánh Nữ Tê rê sa Hài Đồng Giêsu (1873-1897), quê thành Lisieux, nước Pháp. Tôi mạn phép gọi Nàng là vì sao lẻ loi, hắt bóng lên bầu trời thế giới ở những ngày tháng vụt tàn của thế kỷ XIX.
 

Trong số các nhân vật lịch sử, danh nhân và các thánh, có lẽ chưa có vị nào một trăm năm sau khi khuất bóng mà đượcsống lại” một cách vẻ vang, đồng thời được ngưỡng mộ, dễ thương, dễ mến đối với mọi người, nhưNữ Thánh Tê rê sa kiều ái của Chúa”. Đó là chùm ngôn ngữ thi ca mượt mà rất tâm tình của nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991) để dành tặng khi gặp gỡ mối duyên thơ với Tê rê sa, mặc dù không gian và thời gian ở đôi bờ cách trở nghìn trùng. Cái giây phút thần thiêng kỳ ngộ ấy, tình cờ, hiện ra lung linh trong một khổ thơ của bàiThể Chất” đăng trên bán nguyệt san Thanh Niên, số 179 (01.4.1944) ở Nam Định.(1)
 

Mắt thuê thoả, ta lùng trong cõi thật
Ngắm quên say thần sắc Mẹ Đồng Trinh
Riết mê man cả khối lửa ân tình
Của Nữ Thánh Tê rê sa kiều ái Chúa
”.

 

Được biết, Hồ Dzếnh - theo tìm hiểu của chúng tôi - đã chọn cho mình tên thánh là Phao lô Tê rê sa khi chịu bí tích thánh tẩy vào ngày 23.3.1941 tại nhà thờ lớn Hà Nội, do cha Villebonnet (M.E.P) chủ sự.Và người đỡ đầu là ông Paul Trần Đình Kỹ, một trí thức Công giáo đất Thanh Nghệ. Về sau, ông này hợp tác với cha Cras Đỗ Minh Vọng, OP mở trường trung học Công giáo đầu tiên ở Hà Nội, mang tên nhà bác học Louis Pasteur.(2) Ngoài chi tiết lý thú trên trong sổ rửa tội, Hồ Dzếnh còn lưu giữ, trao gửi cho chúng ta một kỷ niệm khá đẹp mãi đến cuối đời vềngười em gái Tê rê sa” vô danh nào đó đã xuất hiện rất sớm, ngay từ những dòng thơ đầu đời của nhà thơ mang trong mình hai dòng máu Việt Hoa. Mỗi câu thơ là một trải lòng, đọc và ngẫm ngợi, cứ mang mang như là một chuyện tình thiên cổ. Nếu coi đây như làdòng thơ Công giáo truyền thống” thì cũng cùng một trang lứa, một thuở một thời với Hàn Mạc Tử (1912-1940). Chẳng hiểu, Hồ Dzếnh bắt đầu viết những câu thơ dưới đây vào thời điểm nào cụ thể? Chắc hẳn là sau năm 1943, khi Tuyển tập “Tác Phẩm Đầu Xuân”, một tuyên ngôn, hiểu theo một chừng mực nào đấy của văn học Công giáo ra đời.(3)
 

Người yêu tôi đeo cây thánh giá
Tự nghìn xưa,
Chúa chịu cực hình…
“Miễn là ở chốn xa xôi ấy
Lạy Chúa,
xui nàng nhớ đến con…
“Con gái nhà chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em…
“Em ạ,
quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ,
tôi đi với
Gió đạo,
lời kinh tỏa vấn vương.”
                                    (Hoa Mẫu Đơn)

 

  1. Đến Nữ Hoàng Bé Nhỏ…
     

A la petite Reine” - Kính Nữ Hoàng Bé Nhỏ. Kiểu nói vừa trân trọng vừa trìu mến của thân phụ thường gọi Thánh nữ trong mái nhàLes Buissonnets”, tổ ấm của gia đình, một lần nữa,đã được bất tử hoá dưới ngòi bút tài hoa của linh mục - nhà thơ Sảng Đình, Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)(4). Ngoài ra, trong tuyển tập Sảng Đình Thi Tập, người ta còn đọc được khá nhiều bài thơ của Thánh nữ viết trong Truyện Một Tâm Hồn, cũng do cha chuyển dịch sang tiếng Việt, như: Trời Cao Đất Thấp Gặp Nhau (Le Ciel…et La Terre); Than Thở Cùng Đức Chúa Giêsu Hài Đồng; Bỏ Mình Trong Tay Chúa (L’abandon); Bằng An Và Vui Mầng (Ma paix et ma joie); Ngày Hôm Nay (Mon chant d’aujourd’hui); Những Điều Tôi Yêu (Ce que j’aimais)… Chúng tôi dẫn ra đây vài trích đoạn từ một trong những bài thơ mang hơi thở đồng dao, để thấy những cảm xúc dạt dào mà tinh khiết của Thánh Nữ như đã lan toả sang ngòi bút của các nhà thơ Công giáo Việt Nam.
 

Tôi yêu đồng lúa chín vàng
Tôi yêu núi tía,
nẻo đàng xa xa
Chị em đua chạy hái hoa
Khí trong đầy ngực, gió hoà đưa chân

Tôi yêu từ chốn thánh đàng
Chuông vàng rải tiếng như gần, như xa
Tôi yêu hơi gió thoáng qua
Chiều chiều ngồi ngắm bóng tà bên non
…Tôi yêu mắt Mẹ ôn tồn
Miệng cười như nói cùng con mấy lời
“Mẹ mong ước phước đời đời
Mẹ mong thấy Chúa đời đời cao xanh…”


 

  1. Và từ mỗi duyên thơ của Thánh nữ …
    đến hành trình đức tin và cuộc trở về của nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988).

     

Câu chuyện này gần như một phép mầu giữa Thánh nữ và mấy anh em chúng tôi: nhà nghiên cứu Võ Long Tê ở tít tắp Alberta, Canada; nhà sử học Phạm Đình Khiêm; nhà thơ Bàng Bá Lân và kẻ viết bài này ở Sài gòn trong một khoảng thời gian còn vướng víu nhiều trường đoạn khó khăn, tưởng khó mà vượt qua được, nếu không có ơn trên, đặc biệt cậy trông vào lời chuyển cầu của Thánh Nữ.
 

Xuất thân là “người lương”, theo lời kể của nhà sử học Phạm Đình Khiêm, Bàng Bá Lân theo đạo thờ cúng ông bà. Quá trình hoạt động giáo dục và văn học, báo chí, có lẽ, đã tạo điều kiện và cơ hội cho Bàng quân và chúng tôi thân quen nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Từ đó, từng bước dẫn đến tìm hiểu, có thiện cảm và tham gia vào việc sáng tác thi ca Công giáo. Dĩ nhiên, những suy nghĩ và rung động của ông còn đang dừng lại ở ngưỡng cửa thăm dò, khám phá. Như vậy, có thể suy ra, văn học nghệ thuật cũng phải được quan niệm như là một trong những con đường để chuyển tải và thu hút người ta đến với đức tin, đạo Chúa, không thể xem thường.(5) Tôi còn nhớ rõ mấy lần tiếp cận ông trên giường bệnh vào năm 1984. Quyển sách luôn thấy ở đầu giường làHistoire d’une âme - Truyện Một Tâm Hồn” nguyên văn bằng tiếng Pháp, chúng tôi gửi biếu ông đã lâu… Ít lâu sau, ngày áp lễ Đức Mẹ Mân Côi (6.10.1984). Anh em chúng tôi nhận được một sáng tác mới của thi sĩ họ Bàng, kèm theo mấy dòng thủ bút:Tôi vừa sáng tác được bài thơ về Thánh Nữ Tê rê sa Hài Đồng Giêsu nhan đềTê rê sa, tôi rất cám ơn Người, với phụ đề: Cảm xúc sau khi đọc Truyện Một Tâm Hồn. Hẳn là, qua tác động thiêng liêng của Thánh Nữ và tấm lòng đang khao khát đức tin của ông, chúng ta được đọc mấy hàng cảm khái sau đây.
 

“Mới ba tuổi, nguyện hiến mình cho Chúa
Năm mười lăm, quyết chí trọn đường tu
Vận động đó đây,
chẳng được đền bù
Qua La Mã,
cầu Giáo hoàng chấp thuận
Bao thử thách, gian nan,vui vẻ nhận
Miễn làm sao vô đan viện Cát Minh
Chín năm trời thương khó, sống thu hình
Thật bé nhỏ như không là gì cả
…..
Hăm bốn tuổi,cửa thiên đường đón mở
Mưa hoa hồng thơm tưới xuống trần gian…”

 

Chuyện Thánh Nữ Tê rê sa Hài Đồng Giêsu, cũng như Truyện Một Tâm Hồn, còn khá nhiều tình tiết, khơi gợi nhiều cảm hứng cho những ai viết văn và làm thơ Công giáo. Hiện trong tay chúng tôi còn lưu giữ, nhưng vì khuôn khổ một bài báo không cho phép.
Mối duyên thơ diệu kỳ ấy của Thánh Nữ,
vì thế, xin được tạm khép lại với đồng cảm của một hồi âm khác, cũng không kém dạt dào cảm xúc, như một lời khẩn nguyệnJ’ai soif d’amour - Tôi thèm yêu” sau đây:

 

Chiều đã muộn, bóng kim ô dần khuất
Ở lại đây,
hỡi lữ khách thiên cung
Và giúp con vác thánh giá lên đường
Chân mạnh mẽ dọc sườn đồi bước trải
Lời của Chúa,
hồn con đang vọng lại
Con ước mong được nên giống như Ngài
Con van nài được đau khổ,
Chúa ôi
Lời lửa Chúa làm tim con cháy rực…
Ôi,
lạy Chúa,Đấng tạo thành vũ trụ
Mà đêm ngày phải giam giữ trong con
Mỗi phút giây văng vẳng tiếng trong lòng
“Này,
Ta khát!khát rất nhiều… ân ái!”
Con đây cũng là tù nhân Ngài vậy
Miệng vọng lên lời kinh nguyện du dương
Hỡi người Anh,
hỡi Người Bạn Yêu Đương
“Này,
con khát, khát rất nhiều ân ái!”
Con khát yêu,
xin Ngài cho phỉ chí
Xin cho lòng bừng cháy lửa yêu thương
Con khát yêu và càng khát đau thương
Hồn mong ước chóng bay về đất hứa
Cuộc tử đạo con đây là Yêu Chúa
Lửa Yêu Đương càng bùng cháy nơi con
Thì hồn con càng mong ước Chúa hơn
Giêsu hỡi, vì Yêu, con muốn chết”

                                                (J’ai soif d’amour, 31 Mai 1896)(6).
 

Thì ra, Chúa yêu bé thơ và chỉ tỏ mình ra với những ai có tâm hồn khiêm tốn, biết mình yếu đuối, cậy dựa vào Ngài. Con đường ấu thơ nên thánh của Tê rê sa Hài Đồng Giêsu, rõ ràng, không huyền bí, cao xa, không nặng nề thần học ,triết học hay giáo điều. Nhưng chỉ giản đơn, thật thà nhưTruyện Một Tâm hồn” với những tự sự, tâm tình, như những vần thơ. Nói như Descartes thìngười ta có thể ngạc nhiên khi những ý tưởng sâu sắc lại được tìm thấy trong những tác phẩm thi ca của các nhà thơ hơn là của các triết gia. Bởi vì nhà thơ vận dụng hết mọi nỗi niềm và khai thác tối đa khả năng tưởng tượng để hình thành các ngôn từ (+vần điệu). Như viên đá lửa trong chúng ta có những hạt giống của ánh sáng. Qua lý trí, triết gia chỉ khơi dậy chúng, trong khi nhà thơ làm cho chúng chiếu toả rạng ngời hơn ,nhờ đặc ân tưởng tượng.(7)
 

Và ngày nay, cơn mưa hoa hồng của Thánh Nữ, như ước mơ, đã tưới tắm nhuần nhã khắp địa cầu…

Chú thích:
 

  1. Với bài thơ “Thể Chất”, lần đầu tiên Hồ Dzếnh - nhà văn, nhà thơ không Công giáo - đã tiếp cận với nguồn cảm hứng mang màu sắc Công giáo. Đây là một chuyện lạ, bởi vì trong văn học Việt Nam hiện đại, người ta chỉ thấy cáichất Công giáo” ở nhà thơ Hàn Mạc Tử và nhà văn nữ Thuỵ An.
    -Thanh Niên: Là một bán nguyệt san đặt toà soạn tại thành phố Nam Định,
    năm 1943, do Phạm Đình Khiêm chủ biên. Nội dung chuyên về nghị luận, thông tin, văn học Công giáo.
    Sau 1954,
    tại Sài gòn, nhóm báo Thanh Niên chủ trương tuần báo Văn Đàn (1960) với các cây bút có uy tín, như: Võ Long Tê, Nguyễn Gia Trí, Bùi Tuân ,Lê Ngọc Trụ, Đoàn Thêm ,Lê Văn Đệ, Trần Tấn Quốc, Trương Bửu Lâm, Nghiêm Thẩm, Tế Xuyên, Thái Bạch…
    -Vì Chúa: tuần báo viết bằng ba ngôn ngữ:
    Quốc văn, Hán văn Pháp văn (Hebdomadaire Trilingue), chủ biên là linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích, Huế (1939-1942).
    (2)
    Gia cô bê Nguyễn Khắc Xuyên (1923-2005), bút danh Hồng Nhuệ. Giáo sư các Đại chủng viện, nhà nghiên cứu văn hoá. Nhạc sĩ thành viên ban đầu của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ở Hà Nội, 1945 cùng thời với các nhạc sĩ: Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo, Duy Tân, Hoài Đức, Nguyễn Bang Hanh, Hoài Chiên v.v.
    (3)
    Tác Phẩm Đầu Xuân: Theo nhà nghiên cứu Võ Long Tê (1927-2017), có thể coi đây như là một tuyên ngôn của văn học Công giáo Việt Nam ra mắt tại Nam Định, để đối thoại với nhóm Xuân Thu Nhã Tập (1939-1945). Tác Phẩm Đầu Xuân do nhóm nhà văn, như Phạm Đình Khiêm, linh mục Thanh Hải (Nguyễn Định Tường), Bùi Hiển, Lưu Thị Hạnh, Lê Minh Thu, Đoàn Văn Cừ, Hồ Dzếnh, Nguyễn Duy Diễn.
    -Tham khảo
    Văn Học Công giáo Việt Nam- Những Chặng Đường” của Lê Đình Bảng, nxb Từ Điển và Bách Khoa, 2010.
    (4)
    Theo ghi nhận của nhà sử học Công giáo Phê rô Vinh Sơn Maria Phạm Đình Khiêm (1920-2013). Chủ biên báo Thanh Niên (1943); Văn Đàn (1960); khởi xướng Tinh Việt Văn Đoàn. Những tác phẩm tiêu biểu: Minh Đức Vương Thái Phi; Người Chứng Thứ Nhất; Giáo Sĩ Đắc Lộ và Tác Phẩm Quốc Ngữ Đầu Tiên; Đoá Hoa Tu Nữ; Chứng Từ Người Ra Đi;  Máu Đào Minh Chứng…
    (5)
    Tham khảo Văn Học Công giáo Việt Nam - Những Chặng Đường” của Lê Đình Bảng, nxb Từ Điển và Trí Thức, 2010.
    (6)
    Bản dịch Việt ngữ, trích trongTê rê sa Thi Tập” của linh mục - nhà thơ Giuse Trần Năng Luật, bút hiệu Xuân Thu, thành viên của nhạc đoàn Sao Mai, giáo phận Bùi Chu, cùng với Hải Linh,Thăng Ca (Ngô Duy Linh), Minh Trân, Võ Thanh ,Hương Trinh, Thế Kiên…1947.
    -Tham khảo
    Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam - Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện” của Lê Đình Bảng ,nxb Phương Đông, 2009.
    (7)
    Cogitationes của nhà triết học duy lý Descartes
    .
 
LỜI HỨA HOA HỒNG

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây