Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


Viết Cho Các Gia Đình Trẻ : PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU VẤN NẠN GIA ĐÌNH

Vấn nạn gia đình thường xảy ra khi những người trong gia đình không được thỏa mãn những nhu cầu, đặc biệt là những nhu cầu tâm lý. Cụ thể, khi phải sống với người vợ hay người chồng có tính cố chấp và độc đoán, luôn khẳng định mình là chân lý và bắt người kia phải theo ý mình.

Vấn nạn gia đình thường xảy ra khi những người trong gia đình không được thỏa mãn những nhu cầu, đặc biệt là những nhu cầu tâm lý. Cụ thể, khi phải sống với người vợ hay người chồng có tính cố chấp và độc đoán, luôn khẳng định mình là chân lý và bắt người kia phải theo ý mình. Khi sống cố chấp và độc đoán, chồng hay vợ luôn phóng chiếu tính cách, lối sống và suy nghĩ của mình sang cho người kia, và bắt người đó phải theo tính cách, lối sống và suy nghĩ của mình. Sống trong một gia đình có người chồng hay vợ như vậy, chắc chắn vấn nạn sẽ xảy ra, và hạnh phúc gia đình sẽ bị rạn nứt và tan rã, nếu không kịp thời giải quyết.

Vậy đâu là phương pháp trị liệu cho vấn nạn này?

Để giải quyết hay chữa trị vấn nạn tâm lý này, hầu có thể cứu vãn được hạnh phúc gia đình, người ta đưa ra những kỹ năng sống để ngăn ngừa và chữa trị tận căn những vấn nạn về tâm lý trong gia đình.

- Kỹ năng lắng nghe

Trong gia đình, để tránh lối sống cố chấp, độc đoán, phóng chiếu tính cách, lối sống và suy nghĩ của mình sang cho người kia, và bắt người đó phải theo tính cách, lối sống và suy nghĩ của mình, vợ chồng phải biết lắng nghe nhau. Tuy hai vợ chồng là một, nhưng vẫn là hai con người với những tính cách khác nhau. Người này không thể áp đặt tính cách của mình trên người kia. Nếu làm như vậy, người kia sẽ có cảm giác như mình bị nô lệ và bị trói buộc bởi tính cách, lối sống và suy nghĩ của người khác. Để vợ chồng, với những tính cách khác biệt, có thể sống hòa hợp với nhau và trở nên tâm đầu ý hợp, hai người phải biết lắng nghe nhau. Quả vậy, ai cũng có nhu cầu muốn nói. Nhưng ai cũng nói thì ai nghe? Và khi đó những cãi vã và xung đột xảy ra là điều không thể tránh được. Có người nói thì phải có người nghe. Chồng cần phải lắng nghe vợ nói, đó như là cách để cho vợ được bày tỏ quan điểm và suy nghĩ, và như vậy, người vợ sẽ có được cảm giác mình được tôn trọng, và cũng vậy, vợ cũng cần phải biết lắng nghe chồng nói. Khi vợ chồng biết lắng nghe nhau chính là lúc vợ chồng trở nên tâm đầu ý hợp, với những tính cách khác biệt. Điều này cũng áp dụng trong tương quan giữa cha mẹ với con cái.

- Kỹ năng thấu cảm

Nếu việc vợ chồng biết lắng nghe nhau để có thể trở nên tâm đầu ý hợp, với những khác biệt về tính cách, thì việc thấu cảm là kết quả của việc lắng nghe. Chỉ khi biết lắng nghe nhau, vợ chồng mới có thể thấu hiểu được những tâm tự nguyện vọng, những suy nghĩ của nhau, để rồi mới có thể sống tâm đầu ý hợp với nhau.

Thực vậy, thấu cảm là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hiểu được những cảm xúc, cũng như những suy nghĩ của người ấy, đồng thời vẫn giữ được ranh giới của bản thân và đối tượng, nghĩa là không hòa nhập vào đối tượng như trong khái niệm về đồng cảm, và vì vậy, vẫn giữ được sự sáng suốt. Thấu cảm khác với đồng cảm. Khi đồng cảm, vợ hay chồng đánh mất chính mình, và hoàn toàn sống theo người kia. Kỹ năng thấu cảm giúp cho chồng hay vợ tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi cho người kia có thể chia sẻ những khó khăn, những suy nghĩ hay quan điểm sống. Từ sự thấu cảm như vậy, vợ chồng sẽ có thể giúp nhau gạn lọc những gì chưa tốt, chưa phù hợp, để rồi cùng nhau đưa ra sự thống nhất trong cách sống và trong cách thức vun đắp và bảo vệ hạnh phúc gia đình, cũng như trong cách thức nuôi dạy con cái. Kỹ năng thấu cảm này cũng được áp dụng trong mối tương quan giữa cha mẹ đối với con cái để giáo dục chúng nên người tốt.

- Kỹ năng diễn dịch

Kỹ năng diễn dịch là kỹ năng mà nhờ đó, vợ chồng đọc được những suy nghĩ, cảm xúc của nhau qua những hành động, cử chỉ. Có những suy nghĩ, cảm xúc được nói ra thì cần đến sự lắng nghe. Tuy nhiên, có khi những suy nghĩ, cảm xúc không được nói ra, mà chỉ được thể hiện qua những hành động và cử chỉ. Trong trường hợp này, vợ chồng càn phải có sự nhạy bén để đọc được suy nghĩ, cảm xúc của nhau qua những hành động và cử chỉ bên ngoài, để rồi có thể thấu cảm với nhau. Ví dụ, tự nhiên hôm nay thấy chồng ít nói hơn mọi ngày, thì vợ phải đọc ra được là có lẽ anh ấy đang có chuyện không vui; hoặc mọi khi, mỗi lần nhậu say về, vợ hay cằn nhằn đủ điều, nhưng hôm nay nhậu say về không thấy vợ nói gì, thì chồng phải hiểu là cô ấy không thèm quan tâm nữa … Vợ chồng cần phải đọc được những suy nghĩ, cảm xúc của nhau, thì mới có thể ngăn ngừa và chữa trị được những vấn nạn trong gia đình. Kỹ năng diễn dịch này cũng được áp dụng trong việc cha mẹ giáo dục con cái.

- Kỹ năng đối đầu

Rất nhiều khi chồng hay vợ cố nén những suy nghĩ, cảm xúc của mình, nhất là sự bất đồng, sự không hài lòng về một việc gì đó đối với người kia, tìm cách tránh né, không muốn nói ra, và cũng không thể hiện qua những hành động hay những cử chỉ. Nói cách khác, vợ hay chồng đang cố tình chơi trò “chiến tranh lạnh”. Trong trường hợp này, vợ hay chồng cần phải áp dụng kỹ năng đối đầu để giúp vợ hay chồng có thể nói ra những suy nghĩ hay cảm xúc đó.

Thực vậy, kỹ năng đối đầu là cách mà vợ hay chồng tìm hiểu để biết về người kia, qua việc đặt ra những tình huống hay những vấn đề mà mình cho là người kia đang dùng để chơi trò “chiến tranh lạnh”, để cùng nhau thảo luận, hầu đọc được những suy nghĩ, cảm xúc của nhau, để rồi có thể thấu cảm với nhau hơn. Khi đã tìm ra được đúng vấn đề để cùng nhau thảo luận, vợ chồng cần:

+ Thảo luận trong tinh thần xây dựng và tôn trọng nhau, nghĩa là chỉ nhắm vào vấn đề là nguyên nhân chính gây ra cuộc “chiến tranh lạnh”.

+ Cùng với tinh thần xây dựng và tôn trọng nhau, vợ chồng cần phải nêu ra và nhìn nhận những ưu điểm của nhau.

+ Biết mềm mỏng và nhẹ nhàng khi góp ý cho nhau, đồng thời cũng biết khiêm nhường nhìn nhận những khuyết điểm của mình.

+ Cũng cần có chút khôi hài trong khi cùng thảo luận vấn đề. Tuy nhiên, cần tránh sự khôi hài quá trớn dẫn đến việc không còn tập trung vào vấn đề chính. Làm như vậy, người kia sẽ có cảm giác mình bị coi thường.

Kỹ năng đối đầu này cũng được áp dụng trong tương quan giữa cha mẹ và con cái.

Tóm lại, gia đình nào cũng có những vấn nạn; vợ chồng nào cũng có lúc có những bất hòa. Đó là chuyện thường tình. Vấn đề chính yếu là làm thế nào để chữa trị và ngăn ngữa những vấn nạn và những bất hòa trong đời sống vợ chồng, cũng như trong gia đình? Trên đây là phương pháp, cùng với những kỹ năng xin được gởi đến các bạn – các gia đình trẻ. Chúc các bạn hạnh phúc!

Tác giả bài viết: Hương Quê

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây