MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỎ HOA
Thân chào Anh chị em ban biên tập trang tin Giáo xứ Châu Sơn quý mến trong Chúa. Cám ơn ban biên tập đã hồi âm, đồng thời - qua bản tường trình tại chỗ rất sống động là các buổi “trà đàm” mỗi sớm mai, trước khi dao cuốc, lên nương, ra rẫy – đã cho tôi biết được bức tranh toàn cảnh của Giáo xứ Châu Sơn. Tôi nhắc lại, trang nhà của Giáo xứ Châu Sơn có đủ sắc màu, hương vị.
1/ Nghe ban biên tập kể chuyện ấm nước chè xanh mỗi sáng hằng ngày, tôi thèm lắm!. Thèm gì? Thèm cái thói quen dân dã, thời vụ, thanh đạm, mà truyền đời của một xứ đạo - bản làng, vẫn giữ được cái nếp nhà “thanh hạnh” của dòng Châu Sơn và của người Nghệ An, Hà Tĩnh. Suốt con đường “đi tìm ký ức văn hoá lễ hội Công giáo Việt Nam” từ 1965 và đặc biệt những thập niên 1988-2015, khá nhiều lần, tôi đã lặn lội về Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có nhiều đêm, cũng ngồi nghe người Hướng Phương, Bình Chính, Ba Làng, Xã Đoài, Quỳnh Lưu v.v. nói chuyện mùa gieo, mùa gặt…
Ra Bắc, về quê Thái Bình, Nam Định, tôi liên tưởng tới những buổi sáng tinh mơ ở Hà Nội, ngồi bệt xuống cái ghế gỗ thấp bên hè phố, uống bát nước chè xanh, rít một ngao thuốc lào Vĩnh Bảo, quên đời.
Trở lại Sài gòn, ra phố Bonard (Lê Lợi) hoặc Catinat (Tự Do/ Đồng Khởi), gọi một ly cà phê đá kêu lanh canh, tai nghe mọi người xung quanh góp chuyện trên trời dưới đất. Ôi thôi, thượng vàng, hạ cám. Hỉ nộ ái ố, tào lao bí đao…Hồi ấy, cánh nhà văn nhà báo gọi đấy là “Radio Catinat”. Vui lắm!. Mà cũng khá chính xác đấy. Thời sự mà.
2/ Đã nói, văn là người. Làm sao chuyển đổi được?
Nó lặn sâu vào gan ruột, tim máu, hồn cốt mình rồi. Giả như, có luân hồi, hoá kiếp thì cũng đành bótay.com. Đã không viết thì thôi. Chứ hễ cầm bút, đặt tay vào bàn phím, là y như chúng cứ bảo nhau tuôn ra vỡ bờ. Có đắp đê bao, xẻ rạch, cũng chẳng ăn thua gì.
Tôi biết, đa phần độc giả tìm đọc bài nghiên cứu chuyên sâu của tôi ở độ tuổi U70, U80. Thiểu số rất nhỏ là U60. Không sao. Thành phần ấy, theo tôi, chính là “linh hồn” của một giáo xứ, của gia đình, gìn vàng giữ ngọc. Nhà phải có nóc chứ!. Lớp trẻ ăn món ăn khác. Ban biên tập phải khai thác và gợi ý để tìm ra nhân tố mới, tìm ra thế hệ kế thừa.
3/Đã là nghiên cứu văn hoá Ki tô giáo thì phải căn cơ, rạch ròi, thuyết phục. Phải động não, ngẫm ngợi. Chẳng hạn, bài “Một áng kinh văn tuyệt bút” vừa rồi, là cả một “giả thuyết”, một thách đố mang tính lịch sử và văn hoá, ngôn ngữ học. Chứ đâu phải là chuyện “vẽ vời màu mè riêu cua” cho có chuyện?
Nói thật tình, thưa ban biên tập, trước tôi, chưa có một phát hiện nào về gốc gác sâu xa của nó, vì ai cũng “xem thường” kinh kệ nhà đạo! Bởi thế, mới có câu “hát lâu, chầu mỏi” và “Văn nhà thờ, thơ nhà đạo!”
Riêng tôi nghĩ khác. Cho nên, một mình tôi lặn lội đi tìm…Cả một kho tàng châu báu, mà tôi đã viết trong bộ sách nghiên cứu, gồm 6 Tập, hơn 4000 trang, mang tên là “Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam” đã phát hành vào 4.10.2009. Khi có dịp, tôi sẽ gửi các bài “điểm sách” để anh chị em tham khảo.
4/ Dĩ nhiên. Bên cạnh hạng mục chuyên môn và đặc thù ấy, vẫn có những bài viết tản mạn, đầy ắp tự sự, cảm xúc, để nhớ, để thương. Lại cũng có những cảm nghiệm rất đời thường, có cả mồ hôi, nước mắt, tình yêu, nương rẫy, mùa màng, con nước, tuần trăng của làng xóm Châu Sơn và cả Ban Mê Thuột đang mùa dịch giã…
5/Như tôi đã nói lần trước, tôi sẽ cộng tác với Ban biên tập để gởi bài viết cho trang tin của Giáo xứ. Và tôi sẽ cung cấp bài theo từng mùa phụng vụ, cứ “mùa nào thức ấy” để chuyển tải món ăn tinh thần cho bà con. Có lúc tôi gửi 2,3 bài liên tiếp là vì nhớ được gì thì phải làm ngay, kẻo quên. Tuổi già đấy. Xin lỗi. Có 2,3 bài, ban biên tập tuỳ nghi sắp xếp…dàn trải ra cách quãng trong tháng đăng lên trang Web.
6/Những vấn đề chúng ta trao đổi trên đây, theo tôi ban biên tập nghiên cứu, triển khai mở thêm chuyên mục mới trên trang nhà để đăng bài, ví dụ như “XA MÀ GẦN”, người đọc sẽ thấy thân tình hơn.
Xin cảm tạ Đức Cha Vinh Sơn, chủ chiên của giáo phận, Cha Gioan quản xứ Châu Sơn, cha giáo AnTôn Vũ Thanh Lịch, HĐMV Giáo xứ, Anh chị em Tráng niên, Ban biên tập và tất tần tật bà con giáo dân của Châu Sơn mến yêu.
Xin cúi đầu trước anh linh của các đấng bậc tiền nhiệm.
Xin cầu nguyện cho tôi với. Rất mong tin, Amen.Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn