ĐÔNG TRÀNG: MỘT THOÁNG QUÊ XƯA.

Thứ ba - 24/10/2023 19:24
Thuở ấy… Đông Tràng là một làng quê nghèo, thu mình dưới núi rừng Hương Sơn, bên dòng sông Ngàn Phố, Giáo đường hướng ra sông sau lũy tre làng
ĐÔNG TRÀNG: MỘT THOÁNG QUÊ XƯA.



ĐÔNG TRÀNG: MỘT THOÁNG QUÊ XƯA.

 

 

  Thế rồi, cũng có ngày Hắn được về thăm quê xưa “Đông Tràng” Xứ Mẹ thân yêu nhạt nhòa trong tâm trí trẻ thơ, ngày Hắn theo đoàn người “hành phương Nam”, một nơi chốn mà khi lớn lên, Hắn được người ta cho biết đó là “nguyên quán”.

 

DongTrang 01042013 (20)
nhà thờ giáo xứ Đông Tràng


Một làng quê đã trở thành huyền thoại bên ấm nước chè xanh, nghe các cụ kể lại rằng: Thuở ấy… Đông Tràng là một làng quê nghèo, thu mình dưới núi rừng Hương Sơn, bên dòng sông Ngàn Phố, Giáo đường hướng ra sông sau lũy tre làng, con đê dài ôm lấy cả miền quê lam lũ, nắng thì cháy da, mưa thì như “cầm vò mà trút”, có những đêm con nước về trở tay không kịp, chỉ một thoáng cả nhà đã phải ngồi trên “chạn” vì nước lũ dâng cao. Thiên nhiên dường như cũng khắc nghiệt với phận người chân đất áo tơi, thế nhưng tình làng nghĩa xóm lại vô cùng thắm thiết, thân thương. Nơi đây, có những vị chủ chăn đạo đức, tài ba xuất chúng như cha già Ân, cha Ngọc…, lại có những kẻ khác thường và độc đáo, đến nỗi đã có những câu dân gian “… như Tích chợ”, hay cách ví von từ một loài sinh vật bé tí, để chê cười ai đó “…như rươi sổ rọt”. Ở đây, còn có những tên gọi địa danh ấn tượng như: Nầm, Bàu Đông, Bàu Phủ, Xóm Trò, Chợ Choi, Chợ Gôi…nghe mãi đến thân quen. Nhưng không thể hình dung được nơi ấy như thế nào.

  Thích lắm khi còn nhỏ, buổi trưa hè, Hắn và lũ trẻ chăm chú ngồi nghe ông bà kể chuyện “đời sơ”… những đêm mưa nghe kể chuyện “ma ngoài Bắc”… đứa nào cũng sợ, nhưng vẫn cứ muốn nghe, càng nghe càng ngồi sát vào nhau, co chân lên ghế, chẳng đứa nào dám nhúc nhích, “ngoài nớ nhiều ma lắm”! Này nha: có những người đi “nơm”, đã nơm được “ma cá hai đầu”, lại có kẻ đi cất vó, khi kéo lên thấy con ma nhỏ bằng đứa con nít, đầu tròn như quả cam… khiếp quá, bèn quăng vó chạy về, lại có chuyện người bị ma thu trên nhà hay ở trong bụi tre. Các cụ còn kể: Ngoài Bắc, ăn cái gì cũng ngon, uống nước sông cũng ngọt, thịt cá thì thơm ngon hơn cá thịt trong Nam. Tóm lại (theo các cụ đời sơ, di cư vào Nam, nhưng có cụ vẫn mong ước có ngày trở về quê cũ!) tất cả những gì thuộc về “ngoài ta” đều trở thành huyền thoại khó quên.

  Thế đó! 50 năm sau, hình như nước sông Ngàn Phố vẫn đang chảy trong tim, hòa quyện trong máu đoàn con cái xứ Đông Tràng, dẫu xa xôi vạn dặm.
 

14671315 361429274211980 4409300219903776282 n 033917
dòng sông Ngàn Phố

  Về đến Hà Tĩnh, Hắn nghe lòng mình xôn xao, bước chân vô Đông Tràng, mới cảm nhận được thế nào là quê cha đất tổ. Cảm động và thương lắm Đông Tràng ơi! Những nụ cười và ánh mắt gặp nhau chứa chan tình hạnh ngộ, cây “Tro” cổ thụ bên đường dường như xòe lá vẫy tay, hàng rào cây “Giới” âm thầm nửa thế kỷ chờ mong đoàn người trở về thăm lại cố hương. Con đường làng đưa Hắn vào huyền thoại một miền quê, bàn tay Hắn như vừa chạm vào quá khứ, hồn quê chấp chới trong tiếng chuông chiều, tiếng hát nào bên song cửa như ca dao mẹ ngân vang. Đông Tràng bên ni, còn Yên Bài bên nớ! Dòng sông Ngàn Phố trườn mình chuyển nước về xuôi, mùa này nước cạn nên bến đò thưa vắng khách sang sông. Những chiếc thuyền kia đã bao lần nối nhịp bờ vui hay chia đôi nỗi nhớ? Phải chăng bến sông này, ngày xưa mẹ Hắn và bao thôn nữ gánh nước chiều hôm? Hay thấp thoáng:

            Thuyền ai đợi bến sông trăng đó
            Có chở trăng về kịp tối nay?
                          (Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)

  Ai đó về tắm lại trên dòng sông xưa mà rưng rưng nước mắt, còn ai kia thì lại âm thầm đếm từng bước chân trên bờ cát mịn, nâng niu từng viên sỏi như vừa tìm lại được kỷ niệm người xưa. 50 năm dòng sông Ngàn Phố vẫn “bên bồi bên lở, khi đục khi trong” như cuộc sống ở đâu rồi cũng đắp đổi buồn vui, được mất và sướng khổ.

  Hắn về thăm mảnh vườn xưa, lòng bâng khuâng tự hỏi; “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” (Ông Đồ, Vũ Đình Liên), đi lễ nhà thờ Đông Tràng rồi lên Khe Sắn kính viếng đền ông thánh Antôn, một địa danh nổi tiếng linh thiêng mà ở đây “dân ngoại” thường gọi là “Ông Khe Sắn hay làm phép lạ”

  Chuyến đi thật ngắn ngủi, nhớ thương một làng quê hiếu khách và chân chất nghĩa tình, lớp bụi thời gian vẫn phủ kính huyền thoại…

          “Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
          Những đời thường cũng có bóng hoa che”

                                                        (Chế Lan Viên)

  Vâng! Mừng cho xứ Mẹ đang chuyển mình đổi thịt thay da, tình tự quê hương vẫn mặn mà thắm thiết. Gió Lào vẫn thổi, nước sông Ngàn Phố vẫn xuôi.

  Tạm biệt Đông Tràng nhé! Một thoáng quê xưa như một đời thương nhớ.

 

Jos. Trần Ngọc Hạnh.

(Trích lại từ kỷ yếu kỷ niệm Kim khánh Giáo họ ANTÔN 1957-2007)
 

360103528 600743772164394 5834988673207809410 n
Linh địa Thánh An tôn Khe Sắn

Tác giả bài viết: Jos. Trần Ngọc Hạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây