CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Thứ sáu - 10/12/2021 04:35
Chúa nhật thứ ba mùa vọng trở về với sắc màu phụng vụ đầy hy vọng, niềm vui và bình an, đó là sắc màu hồng tươi. Từ sắc màu đầy niềm vui và hy vọng đó, người tín hữu Kito như thấy ẩn hiện bóng dáng của Đấng Cứu Thế, đồng thời, cần phải hối hả hơn để dọn dẹp tâm hồn, sửa lại những lối nẻo trong cuộc đời, thay đổi ý thức và cách nhìn về một Thiên Chúa tình yêu.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 3, 10-18)

 

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

 

Suy niệm

 

Chúa nhật thứ ba mùa vọng trở về với sắc màu phụng vụ đầy hy vọng, niềm vui và bình an, đó là sắc màu hồng tươi. Từ sắc màu đầy niềm vui và hy vọng đó, người tín hữu Kito như thấy ẩn hiện bóng dáng của Đấng Cứu Thế, đồng thời, cần phải hối hả hơn để dọn dẹp tâm hồn, sửa lại những lối nẻo trong cuộc đời, thay đổi ý thức và cách nhìn về một Thiên Chúa tình yêu. Cuộc đời của thánh Gioan Tiền hô cùng với sứ điệp của thánh nhân, gợi nhắc cho mỗi người cần có một sự đổi thay quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn và khiêm tốn đủ. Chính sự cố gắng từng ngày của mỗi người, sẽ góp phần vào tâm tình sám hối và tỉnh thức để luôn sẵn sàng mở cánh cửa tâm hồn và cuộc đời cho Đấng Cứu Thế ghé lại và đồng hành với mình.

 

Trước bức tranh ảm đạm của đời sống tôn giáo trong cộng đoàn dân Do thái, một dân tộc được mệnh danh là dân riêng của Thiên Chúa, tiên tri Sô-phô-ni-a đã xuất hiện, dù ngài không là một tiên tri lớn, nhưng sứ mạng cũng như sứ điệp của ngài đã thổi một luồng gió mới, đem lại nhiều sức sống tinh thần cho cộng đoàn. Tiên tri đã cất tiếng loan tin: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa”. Còn gì hạnh phúc và vui sướng khi bước ra khỏi nhà là được hòa nhịp sống mới với mọi người. Vui lên anh em, hãy nhảy mừng hết tâm hồn, Chúa không còn kết án ngươi nữa. Quả thực là một lời khích lệ và cũng là một tin mừng cho mọi người. Nỗi lo sợ vì tội lỗi, vì sự bội phản bao trùm trên tất cả, thái độ bất trung và bất tín đã làm cho Thiên Chúa nổi giận, thế nhưng, Ngài là một Thiên Chúa tình yêu, đã quên đi mọi lầm lỗi và mong muốn đưa mọi người đến một vương quốc hòa bình và đầy niềm vui. Con người sẽ chọn lựa thế nào, hoặc là đồng hành với Thiên Chúa, đi vào vương quốc của Ngài, hoặc là tìm thú vui và khoái lạc ở trần gian bằng chủ nghĩa cá nhân và thực dụng của xã hội hiện thời.

 

Dù không một lần được gặp Đức Giesu lịch sử, nhưng thánh Phaolo đã được gặp Đức Giesu phục sinh, Ngài đã biến đổi thánh nhân trở thành một con người mới hoàn toàn, một con người sống và làm chứng cho mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa. Hiểu được trách vụ của mình, thánh nhân đã gởi đến các cộng đoàn giáo hội sơ khai những lời động viên trong đời sống tôn giáo, đồng thời mời gọi mọi người hãy đón chờ Con Thiên Chúa trở lại trong niềm vui, trong sự cố gắng đổi thay cuộc đời của bản thân. Trong lá thư gởi cộng đoàn Phi-lip-phê, thánh nhân đã nói: “Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ”. Thiên Chúa rất hài lòng khi con người biết sống tâm tình tạ ơn. Hiểu được điều đó, thánh Phaolo đã nhắc mọi người hãy tạ ơn khi có thể, bởi chỉ có Thiên Chúa mới ban cho con người đủ ơn để con người hoán cải, để con người đổi thay và để con người làm mới chính mình từng ngày, đặc biệt trong mùa vọng. Có thể thánh Phaolo cũng đang mời gọi mỗi người hôm nay hãy sống niềm vui có Thiên Chúa trong tâm hồn, để cố gắng đổi thay và luôn tỉnh thức đón Ngài.

 

Tâm tình mừng vui của phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ này, mời nhân loại hướng về niềm vui tình người. Chính trong niềm vui này, con người tìm gặp lại chính mình, tìm lại được anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Thánh Gioan nhắc nhở các thành phần trong cộng đoàn hãy cố gắng làm lan tỏa niềm vui tình người đó qua thái độ sống hàng ngày: “Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình". Mỗi thành phần trong cộng đoàn tìm thấy cho mình một việc cần đổi thay. Thánh Gioan đã hướng dẫn họ sống niềm vui tình người khi biết chia sẻ, biết cảm thông và biết nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Chính lúc biết chia sẻ, biết cho đi và biết phục vụ, con người tìm thấy chính mình nơi tha nhân, đặc biệt nơi những người bất hạnh và khổ đau.

 

Đọc lại bản văn tin mừng của tuần lễ thứ ba, chúng ta thấy lời mời của thánh Gioan hướng về niềm vui tình người rất thực tiễn. Để có thể gặp gỡ Con Thiên Chúa làm người, các tín hữu Kito có mạnh dạn chấp nhận sự hiện hữu của Con Thiên Chúa trong tha nhân không, bởi Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai ra khỏi gia đình của Ngài. Có chấp nhận được tha nhân, có sẵn sàng chia sẻ tình thương với mọi người và cảm thông chất người nơi họ, người tín hữu mới có thể nhận ra Đấng Cứu Thế đang hiện diện ở đâu giữa cuộc đời. Lời nhắc của các tiên tri thời Cựu ước cũng không nằm ngoại lệ, bởi các ngài được sai đến với dân Do thái để giúp họ biết chấp nhận sự hiện diện của những con người thấp cổ bé miệng đó là những người nô lệ, những người thuộc các nhóm dân thiểu số giữa cộng đoàn. Từ đây, khi bước vào vùng đất chảy sữa, người Do thái biết tôn trọng lẫn nhau, biết phục vụ nhau trong sự trân trọng và yêu thương.

 

Giai đoạn chuẩn bị cho Con Thiên Chúa vào đời là một giai đoạn đầy những thăng trầm, thế nhưng, Chúa Cha đã có những kế hoạch để giúp dân riêng của Ngài sống giới luật yêu thương ngày càng hoàn thiện hơn. Khi Đức Giesu đi vào lịch sử nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể, Ngài đã hoàn thiện giới luật đó qua việc loại trừ những lề luật ngăn cản con người đến với nhau, phục vụ nhau và yêu thương nhau. Từ việc chữa bệnh cho người phong cùi, cho đến việc đụng đến quan tài của con trai bà góa thành Naim, từ việc chữa bệnh cho người bất toại trong ngày Sabat, cho đến việc đồng bàn với những người tội lỗi và thu thuế, Con Thiên Chúa đã nêu gương sống niềm vui tình người giữa một cộng đoàn nặng về lề luật và hình thức. Mẹ Giáo hội hôm nay đang mong chờ con cái hãy tiếp bước của Thầy Chí Thánh khi bước vào đời làm chứng cho tin mừng.

Sống trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân luôn được đề cao, khởi đi từ gia đình, trong tương quan vợ chồng, tương quan cha mẹ và con cái, rồi sau là mối quan hệ trong xã hội. Dù là vợ chồng trong một tổ ấm, nhưng ai cũng muốn có một khung trời riêng bất khả xâm phạm, chính những suy nghĩ như thế, vô tình tạo ra những ngăn cách giữa vợ chồng với nhau, chỉ là bổn phận chứ chưa là của nhau trong tình yêu, chỉ vì con cái chứ chưa là một hy sinh cho nhau trong tình yêu. Cha mẹ vì yêu thương con cái, chăm sóc, chiều chuộng, bảo vệ con cái thái quá, tạo cho chúng một thói quen chỉ biết hưởng thụ chứ không dám cho đi, chỉ biết tiêu thụ chứ không biết hy sinh, chia sẻ cho tha nhân. Bước vào cuộc sống xã hội, con người chỉ biết tôn thờ cái tôi, sống ích kỷ hơn, hẹp hòi hơn và thiếu khoan dung, vì thế, bao tệ nạn vẫn tồn tại, bao người qua đời vì bệnh tật và đói nghèo, bao người bị bỏ rơi bên lề xã hội và cuộc sống, dù trên đầu họ có nhiều khẩu hiệu hãy bảo vệ sự sống, chăm sóc người già và trẻ em.

 

Một xã hội như thế thì tâm tình tôn giáo làm sao có được những khởi sắc, làm sao có được một cộng đoàn huynh đệ, như thưở giáo hội ban đầu thời các Tông đồ. Lời mời phục vụ, chia sẻ và đồng hành vẫn luôn luôn được gởi đến cho con cái. Để chuẩn bị cho những nẻo đường của Giáo hội trong tương lai, mỗi cộng đoàn được mời gọi hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, luôn biết đồng hành, luôn biết hiệp thông và luôn biết chia sẻ với nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Tâm tình của Giáo hội trong tương lai là vậy, nhưng người tín hữu hôm nay có can đảm chấp nhận lời đề nghị của thánh Gioan Tiền Hô là hãy dừng lại trước những tham vọng, những toan tính theo kiểu thế gian, để nâng đỡ nhau, để trân trọng nhau và để chung chia mọi nỗi niềm trong cuộc đời với nhau. Có thể đó là những lời mời rất giản đơn nhưng đòi hỏi phải có một sự quyết tâm cao độ mới có thể dám dấn thân và thực hiện hoán cải cuộc đời. Ơn của Ta luôn đủ cho các con, Thiên Chúa đã hứa, còn lại là sự cố gắng của con người.

 

Lạy Chúa Giesu, để thực hiện trọn vẹn sứ mạng của mình, Ngài đã nhờ thánh Gioan đi trước dọn đường, vừa là con đường trong tương quan xã hội, vừa là con đường trong tương quan tình người và tình Trời, xin cho chúng con mỗi ngày biết lắng nghe lời nhắc của thánh Gioan, để cố gắng đổi thay ý thức và thái độ sống của mình. Chúa đã chấp nhận cúi xuống vì yêu con người, trong đó có chúng con, xin giúp chúng con biết cúi xuống như Chúa, để phục vụ các linh hồn, phục vụ tha nhân và cộng đoàn. Những gì Chúa mong muốn qua sứ điệp của thánh Gioan, chỉ là vì không muốn con người phải hư đi, nhưng muốn họ được sống trong niềm vui cứu độ, một niềm vui đến từ tình yêu thương của Thiên Chúa, cội nguồn tình yêu. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây