Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.vn


CHA MẸ DẠY CON NGAY TỪ PHÒNG BẾP*

Ít ai biết rằng, không gian tưởng như lúc nào cũng phảng phất mùi dầu mỡ ấy lại là nơi tuyệt vời để bồi dưỡng cho con cái của chúng ta sự tự tin, độc lập cùng nhiều bài học khác.
CHA MẸ DẠY CON NGAY TỪ PHÒNG BẾP*

4 BÀI HỌC TUYỆT VỜI
CHA MẸ HÃY DẠY CON NGAY TỪ PHÒNG BẾP
Theo Trần Quỳnh, Trí thức trẻ

Ngày nay, câu nói "trẻ con càng ngày càng khó bảo" dường như đã trở thành lời than phiền của nhiều người, đặc biệt là các bậc ông bà, cha mẹ.
Kỳ thực đứa trẻ nào cũng trong sáng như tờ giấy trắng, chỉ tiếc rằng đôi khi người lớn chúng ta đã bỏ lỡ mất thời điểm tốt để dạy bảo con cái, khiến hiệu quả giáo dục trong gia đình bị giảm đi rất nhiều.
Chỉ cần bạn để tâm một chút thì nhiều không gian, nhiều vật dụng, nhiều câu chuyện xung quanh ta hoàn toàn có thể trở thành bài học làm người ý nghĩa mà con cái mang theo cả đời.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 4 bài học dạy con sâu sắc từ một không gian nhỏ mà ít ai để mắt tới trong gia đình - đó chính là phòng bếp.

A 1

 

BÀI HỌC THỨ NHẤT TỪ PHÒNG BẾP:
DẠY CON HIỂU ĐƯỢC SỰ VẤT VẢ CỦA CHA MẸ

Không biết từ bao giờ, nhiều gia đình đã mặc định căn bếp là không gian thiếu an toàn và luôn yêu cầu con trẻ tránh xa. Căn phòng luôn ám mùi thức ăn lại chứa nhiều vật dụng sắc nhọn ấy khiến các ông bố, bà mẹ lo lắng con của mình có thể bị bỏng, bị đứt tay, bị dính bẩn mỗi khi tiến vào.
Thế nhưng đây kỳ thực chính là một điển hình về cách yêu con sai lầm của các bậc phụ huynh thời hiện đại.
Vì quá yêu chiều mà không nỡ để các em "đụng tay đụng chân" xuống nhà bếp chỉ là việc làm gây trở ngại cho tính độc lập, đồng thời còn vô tình tước đoạt đi quyền được cống hiến của con cái đối với gia đình.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cô bé, cậu bé ngay từ nhỏ đã hình thành tính cách "ham ăn, lười làm", thậm chí trở thành các tiểu thư, công tử khó chiều chuộng và hay than vãn.
Các em không hề biết rằng, vào lúc mình đang thúc giục mẹ dọn cơm, thì mẹ của các em đang bận bịu nơi phòng bếp. Các em cũng không biết rằng, những món ăn mà mình chê "không ngon", "khó nuốt" đều là tất cả sự kỳ công và tâm huyết của cha mẹ.
Hết thảy lý do của những điều "không biết" ấy chính là bởi con trẻ của chúng ta chẳng mấy khi bước chân vào nhà bếp. Người xưa có câu "khổ trước sướng sau". Mở cửa nhà bếp để chào đón con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để các em tiến vào không gian ấy và trải nghiệm sự vất vả thì mới có thể hiểu được thế nào là "có làm thì mới có ăn".
Để biến gian bếp gia đình thành nơi giáo dục về tình yêu thương, các bậc phụ huynh có thể dạy con em của mình bắt đầu học làm những việc đơn giản như dọn mâm bát, đập trứng, vo gạo…
Chỉ khi hiểu được sự vất vả của mỗi lần nấu cơm, các em mới càng thêm ghi nhớ công ơn cha mẹ, từ đó mới có thể yêu thương và quý trọng đấng sinh thành của mình.

A 2

 

BÀI HỌC THỨ HAI TỪ NHÀ BẾP:
DẠY CON KHẢ NĂNG PHỐI HỢP, LÊN KẾ HOẠCH

Cái nhìn của trẻ em đối với các sự việc xung quanh đôi khi ngược lại hoàn toàn với quan điểm của người lớn. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy nhà bếp là một nơi nguy hiểm, thì không gian ấy trong mắt con trẻ lại tựa như một sân chơi nhỏ và khơi dậy ở các em ham muốn tìm tòi, khám phá.
Vào những lúc như vậy, bạn có thể dẫn dắt một cách khéo léo để dạy con trẻ sử dụng một số dụng cụ đơn giản trong nhà bếp. Thay vì biến con cái của mình thành những "con mọt sách", hãy tạo điều kiện cho trẻ mặc tạp dề và sắn tay làm bếp ngay từ khi còn bé.
Bởi trong quá trình nấu nướng, trẻ có cơ hội được lựa chọn và phối hợp các nguyên liệu nấu ăn, từ đó giúp kích thích các giác quan để phát huy trí tưởng tượng của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tạo điều kiện cho con phối hợp cùng mình. Ví dụ như khi bạn làm cá thì các bé sẽ chuẩn bị gia vị. Khi bạn sắp nấu ăn xong thì các con nên chuẩn bị thêm mâm bát. Những công việc được phân công theo từng bước rõ ràng như vậy sẽ tập cho trẻ cách làm việc nhóm cùng khả năng lập kế hoạch.
Bước đầu tiên trên con đường trưởng thành của con trẻ chính là học cách tự lập. Dạy cho con trẻ cách nấu ăn là một cách giúp con của bạn trưởng thành mạnh mẽ. Chỉ khi cho trẻ luyện tập không ngừng, bạn mới có thể phát hiện ra rằng các bé không hề yếu đuối mà luôn ẩn chứa những tiềm năng vô hạn.

A 3

 

BÀI HỌC THỨ BA TỪ NHÀ BẾP:
ĂN CƠM CÙNG CON LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ BỒI DƯỠNG TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Có rất nhiều phụ huynh vẫn thường than phiền rằng bản thân bận tới nỗi không có thời gian ăn cơm cùng con cái. Thế nhưng dù có bận rộn tới đâu, bạn cũng không nên bỏ lỡ khoảng thời gian sum họp gia đình này.
Trong những bữa cơm sum vầy, con trẻ và bố mẹ mới có cơ hội giao lưu. Mà chiếc bàn ăn nhỏ trong phòng bếp chính là nơi tốt nhất để các bậc phụ huynh tăng thêm kết nối với các bé.
Một nghiên cứu khoa học của Anh Quốc đã chỉ ra rằng, bố mẹ và con các con cùng nhau dùng bữa tối 5 lần/tuần sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối với mọi người của các bé. Thường xuyên ăn cơm, giao lưu với con cũng là cách để bạn bảo vệ thế hệ sau của mình khỏi những cám dỗ xấu từ bên ngoài.
Từ đó có thể thấy, "giáo dục trên bàn ăn" là một điều rất cần thiết và cũng không quá khó để thực hiện.
Chỉ cần cả nhà ngồi quây quần bên nhau để thưởng thức một bữa tối, không khí gia đình sẽ trở nên ấm áp và thân mật hơn bao giờ hết. Những lúc như vậy, bạn có thể kể cho con nghe một câu chuyện vui hoặc vài tin tức mà bạn nghe được trên báo đài để tìm ra chủ đế thú vị cùng thảo luận với các bé.
"Giáo dục trên bàn ăn" sẽ là một cách để rèn luyện cho con trẻ cách tiếp cận cũng như phương thức giải quyết, xử lý nhiều vấn đề trong cuộc sống.

A 4

 

BÀI HỌC THỨ TƯ TỪ NHÀ BẾP:
DẠY CON TÁC PHONG ỨNG XỬ ĐƯỜNG HOÀNG, LỊCH SỰ

Ngoài những ích lợi kể trên, bàn ăn của gia đình còn là nơi phù hợp nhất để bạn truyền dạy cho con cái của mình các tác phong trong ứng xử. Để bé trở thành một người lịch sự và lễ phép, bạn nên rèn luyện cho con cái nhà mình những tác phong này ngay từ khi còn bé:
Thứ nhất, ngồi ăn phải ngay ngắn, tuyệt đối không dùng tay bốc thức ăn.
Thứ hai, trong lúc nhai hay uống canh không được phát ra tiếng động. Nếu buồn hắt xì hơi hay muốn ho đều phải dùng khăn che miệng lại và quay ra chỗ khác. Thứ ba, không dùng đũa, thìa đụng vào nhiều miếng ăn để chọn "miếng ngon" cho riêng mình. Thứ tư, sau khi ăn xong phải nói lời xin phép với người lớn và tự đem bát đũa của mình để vào bồn và súc miệng, rửa tay.

Rèn luyện con cái những phép tắc chuẩn mực trên bàn ăn như vậy sẽ biến con bạn trở thành người lịch sự, lễ phép và được người khác tôn trọng.
Chính nhờ những bài học quý giá này, nhiều chuyên gia giáo dục đã từng ví căn bếp nhỏ trong mỗi căn nhà là những kho tàng giáo dục đồ sộ cho con trẻ.
Khi xảy ra hỏa hoạn, trẻ em cũng cần biết cách đương đầu: Những quy tắc sống còn phụ huynh nhất định phải dạy con.

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây