TỌA ĐÀM VỀ SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI NĂM 2024

Thứ bảy - 11/05/2024 20:00
Tọa đàm về Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2024 - Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của con tim
TỌA ĐÀM VỀ SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI NĂM 2024


TỌA ĐÀM VỀ SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI NĂM 2024 - TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ SỰ KHÔN NGOAN CỦA CON TIM
 

vn100524a


WHĐ (10.05.2024) – Hiện diện trong buổi tọa đàm có Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam; Anh Vincente Phaolô Đinh Duy Hải - CEO Công ty Truyền thông ADV DIGITAL; và Linh mục Phaolô Hoàng Mạnh Huy - Phó Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường, phụ trách nhóm Tông Đồ IT, Sáng lập Hệ thống C-Mate. Buổi tọa đàm do Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện.

MC: Kính thưa Đức cha, sứ điệp lần này Đức Thánh Cha nói về chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và Sự khôn ngoan của Con tim: Vì một truyền thông nhân bản trọn vẹn”.

Phần đầu của câu chủ đề là: Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim. Đọc đến đây chúng con nhận thấy 2 yếu tố rõ rệt, đó là: trí tuệ nhân tạo, tức là máy móc; còn sự khôn ngoan của trái tim, tức là con người. Và đằng sau dấu hai chấm là: “Vì một truyền thông nhân bản trọn vẹn”, đây giống như là kết quả của một điều kiện, nghĩa là: để có được một nền truyền thông phát triển trọn vẹn đúng nghĩa thì cần phải phối hợp được giữa con người và máy móc, hay nói cách khác là sự phối hợp giữa trái tim và công nghệ.

Vậy, với chủ đề này, Đức giáo hoàng muốn gửi gắm điều gì đến với cộng đồng Dân Chúa, cách riêng là những người làm truyền thông trong thời đại hôm nay? Đức cha có thể chia sẻ cho chúng con hiểu về những điều Đức giáo hoàng muốn nhắm tới…

Đức cha Giuse: Không phải chỉ trong sứ điệp truyền thông lần này, mà trước đó trong sứ điệp Ngày thế giới hoà bình, Đức Thánh Cha cũng đã ưu tư về điều này. Đứng trước sự phát triển của cái gọi là các hệ thống “Trí tuệ nhân tạo”, Đức Thánh Cha nhận thấy một sự thay đổi mãnh liệt của thế giới cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, trong sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội lần này, ngài nhấn mạnh đến các yếu tố sau:

Thứ nhất: Tầm ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến thế giới hiện thực của con người. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo làm thay đổi triệt để thế giới truyền thông và nền tảng của sự chung sống của con người. Điều này ta có thể hiểu là: Sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cả vật chất lẫn con người: thay đổi về cách vận hành xã hội, thay đổi về tư duy nơi con người.

Thứ hai: Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Với những tiềm năng và tốc độ thay đổi của Trí tuệ nhân tạo, liệu con người có bị mất phương hướng do Trí tuệ nhân tạo gây ra không? Họ có duy trì được bản chất đích thực của mình không?

Cuối cùng, Đức giáo hoàng đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể duy trì con người cách trọn vẹn và hướng sự thay đổi văn hóa này để phục vụ một mục đích tốt đẹp?

MC: Như vậy, bên cạnh những tiện ích mà công nghệ Trí tuệ nhân tạo mang lại cho đời sống, thì nó cũng mang lại những thách đố lớn cho bản chất của con người. Tuy nhiên, để có thể thấy được những thách đố đó, những nguy cơ tiềm tàng của nó, thì trước tiên chúng ta phải hiểu rõ về Trí tuệ nhân tạo là gì?

Hôm nay, chúng ta có sự hiện diện của anh Hải, là một chuyên gia về công nghệ hiện đại Thực tế ảo - VR. Hải có thể cho Đức cha cũng như mọi người biết sơ lược về Trí tuệ nhân tạo là gì và nó vận hành ra sao?

CEO Hải: Trí tuệ nhân tạo là viết tắt của cụm từ tiếng Anh là Artificial Intelligence, dịch ra là “Trí tuệ nhân tạo", là công nghệ do con người làm ra, giúp cho máy tính có khả năng suy luận, học tập và ra quyết định tương tự con người. Mục đích chính của Trí tuệ nhân tạo là làm thay những công việc phải lập đi lập lại của con người.

Nhưng, nếu nhận định rằng Trí tuệ nhân tạo có thể tư duy, đưa ra quyết định một cách độc lập, thậm chí có thể biết nhận thức, thì điều này là không đúng. Hầu hết các hệ thống hiện có ngày nay chưa đến gần được với nhận định như vậy về Trí tuệ nhân tạo. Thực tế, chúng đều hoạt động trong khuôn khổ các thuật toán đã được xác định trước bởi con người.

Cách vận hành của Trí tuệ nhân tạo:

- Thu thập và sử dụng tập dữ liệu lớn

- Huấn luyện nhận diện các quy luật quan hệ trong tập dữ liệu

- Suy luận khi có dữ liệu mới được nạp vào và dự đoán kết quả

- Tối ưu và cập nhật dữ liệu mới để cải thiện khả năng suy luận và tăng hiệu quả chính xác

- Tăng khả năng giao tiếp tự nhiên như con người bằng thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP

Những tiện ích của AI:

- Trí tuệ nhân tạo thực sự đã xuất hiện trong những sản phẩm thông dụng như nhận diện giọng nói, chẩn đoán Y Khoa, Robot, tài chính, giao thông, quân sự.

- Từ khi Open AI ra mắt năm 2015 và ChatGPT được giới thiệu vào năm 2018 thì Trí tuệ nhân tạo đã tạo ra sự bùng nổ với hàng loạt các ứng dụng được sinh ra có khả năng tạo các đoạn văn bản (ChatGPT), tạo ra hình ảnh (Midjourney), tạo video (RunwayML), tạo người ảo (Synthesia) thậm chí là các sản phẩm phần mềm như Photoshop với Generative, Window với copilot thậm chí Trí tuệ nhân tạo còn có thể viết code và sửa code của việc phát triển ứng dụng phần mềm.

MC: Vậy thì trong công việc hiện tại Hải đã vận dụng Trí tuệ nhân tạo như thế nào?

CEO Hải: ADV Digital là công ty công nghệ truyền thông nên thường xuyên phải áp dụng Trí tuệ nhân tạo trong công việc và sản phẩm của công ty, chẳng hạn như: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào thiết kế hình ảnh, hỗ trợ tìm ý tưởng, nội dung social, số hóa không gian, nhân vật sử dụng trong VR (Virtual Reality - Thực tế Ảo), tracking khuôn mặt, tay chân trong AR (Augmented Reality - Thực tế Tăng cường).

Đặc biệt chúng con còn ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm Web VR có thể số hóa một không gian thực tế lên internet. Ví dụ như có thể Thực tế ảo một ngôi nhà thờ để người giáo dân có thể thay vì đến nhà thờ thực tế cách đó mấy ngàn km, thì họ có thể thông qua Thực tế ảo để tham quan nhà thờ một cách sống động… mọi người có thể di chuyển thoải mái tự do bên trong không gian đó tương tự như đến nhà thờ thực tế. Ngoài ra có thể số hóa một linh mục để có thể tương tác với người dùng bên trong không gian Thực tế ảo 360 thông qua giọng nói hoặc menu lựa chọn thậm chí có thể thêm các hiệu ứng âm thanh và ánh sáng để người tham quan cảm thấy chân thực hơn.

Cha Huy: Quả thật là một ứng dụng hay! Nhưng có khi nào đến một lúc nào đó trong tương lai người ta chẳng cần đến nhà thờ nữa không? Vì họ chỉ cần ở nhà rồi thông qua Thực tế ảo để có thể đến bất cứ đâu. Vậy thì nguy hiểm quá…

CEO Hải: Chúng ta chỉ nên coi Trí tuệ nhân tạo là “công cụ”, không thể thay thế con người đặc biệt là cảm xúc, tinh thần, kết nối giao tiếp, tình cảm giữa người với người và giữa người với Thiên Chúa. Việc chúng ta chỉ cần ở nhà thông qua VR để xem lễ thì cũng như đang xem 1 đoạn video hay livestream trên YouTube, việc này không thể thay thế việc chúng ta phải đến nhà thờ để dự lễ.

Đức cha Giuse: Về vấn đề này thì trong sứ điệp truyền thông lần này, Đức Thánh Cha đã nói rằng: “Trước hết, chúng ta cần gạt sang một bên những dự đoán thê thảm và hậu quả tê liệt của chúng. Một thế kỷ trước, suy tư về công nghệ và con người, Romano Guardini đã mời gọi chúng ta đừng trở nên cứng nhắc chống lại “cái mới” khi cố gắng “giữ lấy một thế giới đẹp bị kết án phải biến mất”. Đồng thời, ông đã cảnh báo rằng “vị trí của chúng ta luôn trong tiến trình trở thành. Chúng ta phải tham gia vào tiến trình này, mỗi người theo cách riêng của mình, gắn bó một cách trung thực nhưng vẫn nhạy bén, bằng một con tim liêm khiết..”.

Đức cha Giuse: Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Vào thời đại có nguy cơ giàu có về công nghệ và nghèo nàn về nhân tính, những suy tư của chúng ta phải bắt đầu từ trái tim con người”. Chỉ bằng cách trang bị cho mình một cái nhìn tâm linh, sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể hiểu được sự mới mẻ của các công nghệ và làm chủ được chúng. Chẳng hạn như Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong công nghệ Thực tế ảo của Hải có thể giúp cho mọi người tham quan nhà thờ online, nhưng với cái nhìn tâm linh và sự khôn ngoan của trái tim thì người ta cũng biết rằng không thể tham dự thánh lễ theo kiểu đó.

CEO Hải: Thưa Đức cha, con là một người giáo dân, và cũng đang làm trong nghề truyền thông. Con thấy nãy giờ chúng ta nhắc đến rất nhiều lần cụm từ “sự khôn ngoan của trái tim”. Đây cũng là cụm từ nòng cốt được Đức Thánh Cha nêu lên trong sứ điệp Ngày quốc tế Truyền thông xã hội lần này. Phải chăng đây là sự khôn ngoan mà kinh thánh nhắc tới là khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu, hay là sự khôn ngoan được định nghĩa trong sự phân định đúng – sai, nên làm hay không nên làm được quyết định. Đức cha có thể giải thích cho chúng con hiểu hơn về cụm từ này không?

Đức cha Giuse: Đức Thánh Cha cho chúng ta thấy một không gian rất rộng của sự khôn ngoan của trái tim. Nó được kết hợp bởi một tiến trình: Với chính mình, với Chúa, và với tha nhân.

Trong Kinh Thánh, con tim được xem là nơi tự do và ra quyết định. Nó tượng trưng cho sự toàn vẹn và thống nhất, nhưng cũng gợi lên những tình cảm, mong muốn, ước mơ; và trên hết, đó là nơi gặp gỡ nội tâm của chúng ta với Thiên Chúa. Do đó, sự khôn ngoan của trái tim là đức tính cho phép chúng ta kết hợp toàn bộ lại với nhau: tình cảm ước muốn trong ý hướng của Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, sự khôn ngoan của trái tim còn hiện diện trong mối tương quan với những người xung quanh. Khôn ngoan ở với những người sẵn sàng nhận lời khuyên, những người được ban cho một trái tim ngoan nguỳ và lắng nghe (1V 3, 9). Do đó, sự khôn ngoan của trái tim là một ân ban của Thánh Thần, cho phép chúng ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Thiên Chúa.

MC: Như vậy thì… đứng trước một sự tiến bộ và phát triển của công nghệ hiện đại, con người phải đối diện với 2 khía cạnh rõ ràng là: Cơ hội và nguy hiểm. Nó sẽ là cơ hội cho những người có cái nhìn tâm linh và sự khôn ngoan của trái tim. Họ sẽ tận dụng được sức mạnh của công nghệ để phát triển bản thân và cộng đồng trong ý muốn của Thiên Chúa; nhưng… nó sẽ trở nên nguy hiểm với những người thiếu cái nhìn tâm linh và một sự khôn ngoan của trái tim. Những người đó có thể là những người không biết lắng nghe, không biết đón nhận lời khuyên của người khác như Đức cha vừa đề cập đến. Đứng trước thách đố này, Đức Thánh Cha có cho chúng ta lời khuyên gì không thưa Đức cha? Làm sao để phối hợp giữa máy móc và con người, để cả hai trở nên như những quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho?

Đức cha Giuse: Đức Thánh Cha khẳng định với chúng ta rằng: “Chúng ta không thể mong đợi sự khôn ngoan từ máy móc”. Máy móc không có sự khôn ngoan của trái tim, cũng không có mối tương quan với tha nhân. Đức Thánh Cha khẳng định: Vào thời đại có nguy cơ giàu có về công nghệ và nghèo nàn về nhân tính, chúng ta phải bắt đầu từ trái tim con người. Nghĩa là, chúng ta không bác bỏ Trí tuệ nhân tạo, vì nó là quà tặng của Thiên Chúa ban cho, nhưng để có thể phối hợp giữa Trí tuệ nhân tạo AI và con người, thì phải khởi đi từ sự khôn ngoan của trái tim.

MC: Con cám ơn đức cha! Tuy nhiên, nếu nói về sự khôn ngoan, thì con thấy, trong thời buổi công nghệ hiện đại phát triển như ngày hôm nay, thì mình phải hiểu sự khôn ngoan theo nghĩa như thế nào. Bởi vì, đối với máy tính thì nó luôn sở hữu những yếu tố đặc thù là: xử lý dữ liệu nhanh, khả năng tổng hợp dữ liệu lớn, khả năng kết nối nhanh và rộng… thì với những khả năng đó so với bộ óc - tức là sự khôn ngoan của con người, thì máy móc rõ rằng hơn hẳn chúng ta. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa sự khôn ngoan của máy móc và con người?

Cha Huy: Như đức cha vừa nói là sự khôn ngoan của con người luôn có sự kết hợp chặt chẽ với 3 yếu tố: Với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Ở đây chúng ta có thể lấy một ví dụ cụ thể về mối tương quan chẳng hạn: anh A và anh B cãi nhau, thì trong mối tương quan này sẽ xuất hiện CẢM XÚC, có thể là nóng tính, giận dữ, hoặc có thể là bình tĩnh và an bình, thì từ những cảm xúc này nó sẽ đưa đến nhiều kết quả khác nhau. Còn đối với máy tính, sự bất đồng giữa anh A và anh B chỉ đơn giản là các dòng dữ liệu. Qua các dòng dữ liệu này máy tính biết được A và B đang có trục trặc, nhưng nó sẽ không cảm được cái cảm xúc của A và B. Và như thế, kết quả đầu ra cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn đối với con người, tuy rất giận, rất hận, nhưng vì tình thương họ vẫn tiếp tục yêu thương và đón nhận đối phương, nhưng đối với máy tính, thuật toán ở điều kiện là đúng là nó kết luận luôn, không có cái chuyện là vì tình yêu mà hy sinh tính mạng vì người bạn hữu như Chúa Giêsu. Đó chính là sự khác nhau rõ nét giữa sự khôn ngoan giữa máy móc và con người.

MC: Cám ơn cha, nếu sự thông minh của máy móc chỉ dừng lại ở dữ liệu mà không có cảm xúc, thì liệu rằng máy móc có sự trung lập trong các kết quả đầu ra không?

Đức cha Giuse: Trong sứ điệp Ngày quốc tế truyền thông xã hội lần thứ 58, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng: Sự khác biệt giữa máy móc và con người ở chỗ: Máy móc chắc chắn sở hữu khả năng lưu trữ và tương quan dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với con người. Tương quan dữ liệu của Trí tuệ nhân tạo hoàn toàn khác với tương quan tha nhân nơi con người. Còn đối với con người thì khả năng lưu trữ hạn hẹp, nhưng chỉ con người mới có khả năng hiểu được dữ liệu đó, cảm được dữ liệu đó, và có mối tương quan với tha nhân. Trong sứ điệp ngày thế giới hoà bình, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Trí tuệ nhân tạo chỉ đơn thuần là sự “chắp vá”, theo nghĩa là chúng chỉ có thể bắt chước hoặc tái tạo một số chức năng nhất định của trí tuệ con người”. Vì thế, khi nói về sự “trung lập”, người ta đặt ra câu hỏi là: “Trí tuệ nhân tạo có trung lập và công bằng trước các sự kiện không?”. Chúng ta hãy nhìn vào các công ty lớn như OpenAI và Google, mặc dù họ không tiết lộ đầy đủ các bộ dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình AI, nhưng nhìn chung, ChatGPT hay Bard đều hoạt động trên mô hình được đào tạo bằng các nguồn như internet, các diễn đàn công khai, bài viết Wikipedia, tài liệu web,… Mà các nguồn tài liệu này từ đâu ra? Tất cả đều do trí tuệ và tình cảm của con người viết ra.

Tuy nhiên, những nguồn tài liệu này lại là những thông tin không thể kiểm chứng, và nó dẫn đến kết quả đầu ra cho mô hình Trí tuệ nhân tạo có thể xuyên tạc thực tế hoặc phản ánh những định kiến tiêu cực. Một nghiên cứu gần đây tiết lộ các mô hình ngôn ngữ khác nhau thể hiện những thành kiến khác biệt tùy thuộc vào các bộ dữ liệu được con người sử dụng để huấn luyện chúng. Chẳng hạn như các mô hình BARD của Google bảo thủ về mặt xã hội do được đào tạo dựa trên các cuốn sách cũ.

Vì thế, để có thể phối hợp giữa Trí tuệ nhân tạo và con người, nó tuỳ thuộc vào định hướng của trái tim khôn ngoan của con người, mọi thứ trong tay con người đều trở thành cơ hội hoặc nguy hiểm. Chính sự khôn ngoan sẽ giúp chúng ta điều chỉnh hệ thống trí tuệ nhân tạo phù hợp với một nền truyền thông nhân bản trọn vẹn.

CEO Hải: Thưa Đức cha, con là người giáo dân, nhưng với tư cách là những người đang nghiên cứu về lãnh vực công nghệ, thì bên cạnh những hiểm hoạ có thể xảy đến của Trí tuệ nhân tạo, đó có thể là do con người sử dụng chúng sai mục đích. Nhưng, sự ích lợi của Trí tuệ nhân tạo trong thế giới hôm nay là tuyệt vời, là không tưởng. Thì… con muốn hỏi là, Truyền thông Công giáo của mình đã áp dụng công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo vào công việc truyền thông hay truyền giáo của mình chưa ạ?

Đức cha Giuse: Với tư cách là Chủ tịch uỷ ban Truyền thông, cha cũng rất ưu tư về vấn đề này. Thế nên, cùng với quý cha trong uỷ ban, cha đã mời gọi các anh chị em giáo dân có tinh thần nhiệt huyết và một trái tim chân thành để cùng nhau đưa những ứng dụng công nghệ hiện đại vào để phục vụ cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội.

Hiện tại, cha đang thúc đẩy và tạo điều kiện xây dựng một nhóm nòng cốt với tên gọi là “Tông Đồ IT”. Nhóm này đã và đang xây dựng một “Hệ Sinh thái Công nghệ và Truyền thông Công giáo” – C-Mate, để phục vụ cho các nhu cầu truyền thông của Giáo hội. Để hiểu rõ hơn về hoạt động của “Tông Đồ IT” thì cha Huy sẽ chia sẻ với quý vị.

Cha Huy: Được sự cho phép của Đức cha, thì chúng con đã lập nên nhóm “Tông Đồ IT”. Thành viên của nhóm này gồm nhiều anh chị em trẻ ở các giáo phận quy tụ về. Họ tập trung làm việc, ăn ngủ, thể thao, và thánh lễ vào thứ Bảy và Chúa Nhật tại Văn phòng Truyền thông Giáo Phận Phú Cường. Sự quy tụ này của các bạn trẻ có thể nói là khởi đi từ “sự khôn ngoan của trái tim” như lời Đức Thánh Cha đã nói: Không lương bổng, nhưng khởi đi từ trái tim sẻ chia và sự nhiệt thành tông đồ của từng thành viên.

CEO Hải: Nãy Đức cha có nói là Tông Đồ IT đang xây dựng hệ thống C-Mate. Vậy hệ thống này là gì thưa cha? Và C-Mate có tích hợp Trí tuệ nhân tạo vào đó không? Ví dụ như bây giờ con lên web muốn hỏi về thủ tục cho Hôn nhân khác đạo thì thế nào? Tại vì vợ con là tân tòng, nên trước đây, khi chuẩn bị kết hôn, con muốn tìm hiểu về thủ tục này nọ rất là khó khăn, phải vào cha xứ hỏi, còn bây giờ với AI thì mình có thể tận dụng được nó.

Cha Huy: C-Mate được viết tắt từ cụm từ: Catholic Media And Technology Ecosystem, nghĩa là: “Hệ sinh thái công nghệ và truyền thông Công giáo”. Đây là hệ thống được Tông Đồ IT ứng dụng vào các công nghệ hiện đại, bao gồm cả Trí tuệ nhân tạo. Hệ thống C-Mate được làm ra là để hỗ trợ cho các Giáo phận cũng như các dòng tu trong việc tạo và quản lý website và app ứng dụng nếu cần.

Hiện tại website của Hội đồng Giám mục Việt Nam đang chạy trên hệ thống C-Mate. Sắp tới Tông Đồ IT sẽ tích hợp hệ thống tìm kiếm và tra cứu với sự hỗ trợ của Trí tuệ nhân tạo vào cho tất cả các website chạy trên C-Mate. Chẳng hạn, hiện tại Tông Đồ IT đang đào tạo Trí tuệ nhân tạo dựa trên tài liệu của: Giáo luật, giải thích Giáo luật, Phụng vụ, Kinh thánh... Thế nên, khi độc giả tra cứu một vấn đề về thủ tục hôn nhân khác đạo chẳng hạn, thì Trí tuệ nhân tạo sẽ cho ta cái nhìn của Giáo luật là gì, Phụng vụ là gì… Như vậy, đây sẽ là một tiện ích rất cần và ích lợi cho chúng ta.

CEO Hải: Con cám ơn cha, hay quá cha ơi...

MC: Thưa cha, nãy con nghe cha nói là C-Mate làm ra là để hỗ trợ cho các Giáo phận và các Dòng tu trong việc tạo và quản lý Website cũng như app ứng dụng. Vậy, hiện tại đã có bao nhiêu giáo phận chạy trên C-Mate, và khi các Giáo phận cùng chạy trên C-Mate thì có khác khi chạy độc lập không?

Cha Huy: Hiện tại Tông Đồ IT đang thực hiện triển khai chuyển đổi hệ thống C-Mate cho các Giáo phận. GP Phú Cường là Giáo phận đầu tiên chạy C-Mate, và vừa rồi thì cũng chuyển đổi xong cho web của HĐGMVN, còn hiện tại thì đội ngũ Tông Đồ IT đang làm cho Hải Phòng và Xuân Lộc. Còn một dự án nữa cho Tổng Giáo Phận Melbourn là quản lý giáo xứ, giờ lễ và map cũng đang chuẩn bị.

Vấn đề mà bạn MC vừa đặt ra là khi các Giáo phận cùng chạy trên C-Mate thì có khác khi chạy độc lập không, thì như thế này: Khi các Giáo phận đã chuyển đổi qua C-Mate thì sẽ có sự liên kết và hỗ trợ trong công tác mục vụ truyền thông giữa các nơi qua lại với nhau.

Chẳng hạn: Khi một giáo phận nào đó có một bản tin xứng tầm và nổi bật, và muốn cho phép web của HĐGM, hay web các Giáo phận khác đăng bài đó, người quản lý của website Giáo phận chỉ cần tick vào nút share, thì lập tức bên hệ thống của web HĐGM và web các Giáo phận sẽ nhận được thông báo và danh sách các bài share. Người quản lý của web HĐGM và các Giáo phận chỉ cần tick vào nút active thì bài đó lập tức xuất hiện. Điều này được lợi ích gì?

- Thứ nhất, người quản lý của web HĐGM không phải đi một vòng 27 website của 27 giáo phận để tìm các bài tin hot.

- Thứ hai, nếu bài đó bị sai một lỗi chính tả hay lỗi nào đó, thì chỉ cần hệ thống website của giáo phận nguồn sửa, thì nó sẽ ăn theo tất cả các nơi có bài share. Thay vì phải thông báo cho các nơi sửa.

- Đó là một vài những tiện ích khi chạy trên C-Mate, còn nhiều cái khác nữa, nhưng hẹn ở một dịp khác, chúng ta sẽ bàn thêm.

Đức cha Giuse: Hy vọng rằng mọi sự sẽ tiến triển tốt đẹp theo ý Chúa, khi chúng ta biết nghe theo sự khôn ngoan của trái tim.

MC: Chúng con cám ơn Đức cha đã đến chia sẻ với chúng con trong buổi toạ đàm này.

Truyền thông HĐGMVN
(Cập nhật lúc 11h50 ngày 10.05.2024)

 

 

Tác giả bài viết: Truyền thông HĐGMVN

Nguồn tin: Truyền thông HĐGMVN - https://hdgmvietnam.com/:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây