BẢO VỆ CÁ NHÂN & NGƯỜI CAO TUỔI TRƯỚC COVID-19

Thứ hai - 01/03/2021 09:18
Nhằm bảo vệ cá nhân và Người cao tuổi Giáo dân trước Đại dịch Covid-19, BBT xin giới thiệu hai bài viết của Nhóm Soạn thảo Chuyên đề Y Tế thuộc Giới Y Tế Công Giáo TGP Sài Gòn để Bạn đọc tham khảo và tìm hiểu cách bảo vệ và phòng tránh Covid-19
BẢO VỆ CÁ NHÂN & NGƯỜI CAO TUỔI TRƯỚC COVID-19
BẢO VỆ CÁ NHÂN & NGƯỜI CAO TUỔI TRƯỚC COVID-19

GIÁO DÂN TRONG MÙA DỊCH:  NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN

Một số gợi ý cho giáo dân khi tham dự Thánh lễ và Bí tích trong mùa dịch COVID-19

NÊN

a11

 

◦Mang khẩu trang khi tham dự Thánh lễ hoặc khi đến toà giải tội
◦Rửa tay trước và sau khi tham dự Thánh lễ.
◦Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác trong Thánh lễ.

KHÔNG NÊN
◦Chấm nước thánh làm dấu Thánh giá ở cửa ra vào nhà thờ.
◦Ôm, bắt tay chúc bình an.
◦Rước lễ bằng miệng.
◦Đưa tay lên mặt, sờ mũi, miệng.
◦Tham dự Thánh lễ khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở.
◦Đến những nơi sinh hoạt tập trung đông người.
◦Nói lớn tiếng gây phát tán các giọt bắn cho người khác.

NHÓM ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ CAO NHIỄM BỆNH COVID-19
◦Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (đặc biệt các cụ trên 70, 80 tuổi)
◦Người có nhiều bệnh mạn tính đồng mắc như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, suy tim gan thận, tai biến mạch máu não…
◦Người tiếp xúc gần hoặc xa với người nhiễm virus SARS-CoV-2
◦Người đi về hoặc có tiếp xúc với người thân về từ vùng dịch như Trung quốc, Hàn quốc, Châu Âu, Mỹ...

NHÓM ĐỐI TƯỢNG NÀY NÊN
◦Hạn chế di chuyển và tiếp xúc mọi người.
◦Tự cách ly trong phòng riêng tại nhà.
◦Hạn chế tham dự các Thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo cộng đồng.

 

BẢO VỆ CÁ NHÂN VÀ NGƯỜI CAO TUỔI TRƯỚC NGUY CƠ DỊCH COVID-19

a22

 

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp gọi là COVID-19 do virus SARS-CoV-2 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã lây lan nhiều nơi trên thế giới. Ngày 11/03/2020 Tổ chức Y Tế Thế Giới đã chính thức công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ngày 13/03/2020 Tổng thồng Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Dịch COVID-19 ở nước ta sau giai đoạn 1 từ 23/01/2020 đến 25/02/2020 với 16 trường hợp lây có nguồn gốc Trung Quốc và Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn 2 từ ngày 08/03/2020 với bệnh nhân 17 từ London về Việt Nam qua chuyến bay VN0054 sáng sớm ngày 02/03/2020.
Trong chống dịch, giai đoạn 1 chỉ có ít bệnh nhân nhiễm virus do lây truyền từ vùng dịch tễ, ví dụ như hoàn cảnh Việt Nam trước 8/3, chỉ có 16 BN. Giai đoạn 2 có nhiều bệnh nhân nhiễm virus tại nhiều nơi, và có thể có bệnh nhân cộng đồng không rõ từ nguồn lây dịch tễ nào, nhưng có thể khống chế kiểm soát được, ví dụ như những nước Singapore, Ấn Độ. Giai đoạn 3 là có quá nhiều bệnh nhân chủ yếu cộng đồng tại nhiều vùng và ngày càng tăng, do đó rất khó hoặc không kiểm soát được, ví dụ như Hàn Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha.
Đến ngày 14/3/2020, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 3 bệnh nhân số 32, 45 và 48. Người bệnh nhiễm virus dương tính được gọi là F0. Người tiếp xúc với F0 là F1. Người tiếp xúc với F1 là F2, và cứ tiếp tục đến F3, F4, F5... F0 và F1 được cách ly tập trung và điều trị lại bệnh viện chuyên trách. F2 và F3 có thể cách ly tại nhà. Khu vực có nhiều người nguy cơ lây nhiễm F1–F2–F3... có thể bị phong tỏa. Số người F1–F3 đang được theo dõi của thành phố chúng ta đã lên đến hàng ngàn người.
Nguy hiểm ngày càng tăng lên. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 toàn cầu ban đầu từ 2% số ca nhiễm, nay đã lên đến 5.416 chết/145.341 ca nhiễm = 3,7% (tính đến ngày 14.03.2020). Virus đã biến chủng và có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Phòng chống dịch cần kết hợp cách ly và hạn chế lây nhiễm cho người cao tuổi, bệnh mạn tính.
Trong phòng chống dịch, có 2 phương pháp chính là khoanh vùng (containement) và giảm nhẹ (mitigation). Khoanh vùng là bao vây những người có nguy cơ lây nhiễm để tách họ ra khỏi những người chưa mắc bệnh. Khoanh vùng bao gồm các biện pháp cô lập (isolation) nhằm tách riêng những người bị nhiễm (F0) hoặc đang mắc bệnh, và cách ly (quarantine) nhằm tách riêng những người tiếp xúc hoặc có nguy cơ (F1, F2, F3 ...). Khoanh vùng là biện pháp chính trong xử trí dịch giai đoạn 1 và giai đoạn 2, với những biện pháp cách ly mà nhà nước ta đang thực hiện quyết liệt hiện nay. Mục đích điều trị là phòng ngừa những trường hợp xâm nhập từ ngoài và lây nhiễm nguy cơ, phát hiện sớm, xử lý nhanh, và dập tắt dịch bệnh như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rõ.
Khi dịch chuyển sang giai đoạn 3, với số lượng người nhiễm và bệnh nhân nặng rất cao – gọi là vỡ trận – như tình hình của Ý hoặc Iran, Tây Ban Nha và gần đây là các nước ở Châu Âu, Trung Đông, biện pháp khoanh vùng hoặc phong tỏa cả 1 thành phố, 1 khu vực trở nên ít hiệu quả, số người bệnh quá nhiều, khả năng tử vong cao, biện pháp giảm nhẹ (mitigation) là cần thiết. Lúc này mục tiêu không phải là phòng ngừa hoặc dập tắt được dịch vì dịch vẫn tiếp tục diễn tiến, mà mục tiêu là làm giảm vận tốc tăng của bệnh, nhằm giảm số người nhiễm và làm chậm thời gian đạt đến đỉnh, nhằm giảm bớt tỷ lệ tử vong. Các biện pháp giảm nhẹ là cần điều trị bệnh nhân tốt, tiếp tục cách ly người bệnh, hạn chế lây lan đến các đối tượng nguy cơ cao.
Các biện pháp tự bảo vệ cá nhân & người cao tuổi : Cụ thể, mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ chính mình bằng 4 biện pháp: rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, mang khẩu trang, giữ khoảng cách với các đối tượng tiếp xúc (tối thiểu 1 đến 2 mét), và hạn chế tụ họp đông người. Bộ Y Tế đã khuyến cáo cần mang khẩu trang khi đến các khu vực tập trung đông người như bến xe, nhà ga, sân bay, chợ, siêu thị, phố đi bộ, ngừng hoạt động ở các khu vui chơi giải trí đông người, nhà hát, các quán Karaoke, Bar, vũ trường ...
Trong mỗi gia đình, cần lưu ý đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi > 60 tuổi, đặc biệt là những người rất cao tuổi có nhiều bệnh mạn tính đồng mắc. Những người cao tuổi tuyệt đối tránh tụ họp nơi đông người như nhà thờ, chợ, siêu thị, trường học, lễ hội, bến xe, sân ga cho máy bay, tàu lửa, xe buýt...
Những gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh mạn tính đồng mắc nên chuẩn bị sẵn 1 phòng cách ly cho cha mẹ, người thân của mình. Phòng cách ly nên bao gồm 1 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh bên cạnh để các cụ có thể sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh, và nghỉ ngơi tại chỗ. Phòng này nên thiết kế cửa sổ thông thoáng, không nên sử dụng máy điều hòa không khí, hạn chế người qua lại tiếp xúc như trên lầu, trên gác, và luôn luôn có chuông và/hoặc điện thoại để liên lạc với con cháu khi cần thiết. Khi cần liên lạc với người khác, nên giữ khoảng cách tối thiểu 1 đến 2 mét. Những người được cách ly nên cố gắng hạn chế di chuyển đi lại và chỉ tiếp xúc với người khác khi thật cần thiết.
Áp dụng trong các sinh hoạt tôn giáo : Dựa vào các nguyên tắc phòng bệnh căn bản nêu trên, chúng ta cần chú ý tuân thủ một số các biện pháp sau trong các sinh hoạt tôn giáo:
◦Tất cả những người nhiễm cúm Covid- 9 và các đối tượng nhóm F1 – F5 đang buộc cách ly không được tham dự các nghi thức tôn giáo tại cộng đồng.
◦Trong các Thánh lễ cộng đồng, tất cả mọi người, kể cả ca đoàn, đều nên mang khẩu trang. Ngoại trừ linh mục chủ tế khi ra bàn thánh hoặc bục giảng đứng cách xa mọi người có thể không đeo khẩu trang.
◦Khi trao Mình Thánh Chúa, linh mục và những thừa tác viên trợ giúp phải mang khẫu trang và rửa tay trước khi trao Mình Thánh Chúa. Giáo dân rước lễ bằng tay, ngoại trừ tình huống bất khả kháng phải rước Mình Thánh Chúa bằng miệng.
◦Khi thực hiện nghi thức chúc bình an, giáo dân chỉ cúi đầu chào, không ôm và bắt tay nhau.
◦Khi tham dự các giờ cầu nguyện và đọc kinh chung như lần hạt Mân Côi, lần hạt Lòng Chúa Thương Xót, những giờ sinh hoạt chung, giáo dân nên đeo khẩu trang và hạn chế nói, đọc lớn tiếng.
◦Khi có những biểu hiện sốt, ho khan, khó thở giáo dân tự giác không tham dự thánh lễ hoặc đến nơi đông người nếu chưa được nhân viên y tế loại trừ Nhiễm cúm Covid -19.
◦Ngoài việc đeo khẩu trang, mọi người cần rửa tay với savon và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh thường xuyên, nhất là sau khi đưa tay lên vùng mặt và chạm vào khẩu trang.
◦Tòa giải tội phải có màn che, linh mục giải tội và hối nhân đều phải mang khẩu trang.
◦Trong giai đoạn này xin tạm ngừng sử dụng Nước Thánh đặt ở cửa nhà thờ khi bước vào.
◦Nên mở cửa thông thoáng nhà thờ và hạn chế sinh hoạt trong phòng máy điều hòa không khí.
◦Khi dịch bệnh diễn biến xấu hơn, Đấng Bản Quyền có thể sẽ đóng cửa tuỳ thời gian và địa điểm liên quan, sẽ hạn chế nhiều hơn các buổi sinh hoạt đông người, và các tiếp xúc gần gũi khi thăm kẻ liệt, viếng người bệnh.
◦Khi có các triệu chứng sốt, ho khan, khó thở hoặc tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm Covid–19 nên chủ động đến cơ sở Y Tế địa phương để được tầm soát và cách ly phòng bệnh kịp thời nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.
◦Nhằm giữ khoảng cách an toàn tối thiểu từ 1 đến 2 mét giữa mọi người, giáo xứ có thể tổ chức nhiều Thánh lễ để giáo dân giảm số lượng tham dự mỗi Thánh lễ.
◦Hạn chế để những người cao tuổi tham dự các cử hành tôn giáo cộng đồng nhất là Thánh lễ, Chầu Giờ Thánh và các nghi thức kéo dài nhiều thời gian trong dịp Tuần Thánh – Phục sinh.

Tác giả bài viết: BBT-Trang tin GXCS tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây