BA VUA, LỄ NẾN - TẾT ĐẾN SAU LƯNG

Thứ sáu - 31/12/2021 05:54
Còn nhớ, mới hôm nào vào Tuần Thánh, nghe cụ Chánh bảo "Chúa Nhật Lễ Lá, ném đá, Phục Sinh". Diễn nôm ra, là mấy ngày Tuần Thánh, theo thứ tự: Lễ lá, tuần thương khó và đại lễ Phục Sinh. Mới đấy, mà nay lại nghe câu hát vè "Ba vua, lễ nến, Tết đến sau lưng !"
Lê Ba Vua
Lê Ba Vua

BA VUA, LỄ NẾN - TẾT ĐẾN SAU LƯNG

 

francis assisi lê đình bảng

 

1.Trên đây là câu hát vè cửa miệng của dân gian nhà đạo mình, được đọc và nghe vào Chúa nhật Hiển Linh,tức lễ Ba Vua hằng năm. Như một " lời rao trước"cho ai nấy biết và ghi nhớ những mốc thời gian và sự kiện sẽ diễn ra tiếp theo nhau: lễ Ba Vua, lễ Nến( Đức Mẹ dâng Chúa vào đền thánh) và sau đó là Tết Nguyên đán. Có đạo, có đời. Vừa thánh thiêng của phần hồn; lại vừa thực tế cho phần xác. Nói một cách đơn giản, đây là cách tính toán, cách đếm ngược thời gian (count down ), một thời khoá biểu được "thi ca hoá". Vừa hình tượng cụ thể (Ba Vua; Lễ Nến; đến sau lưng); lại vừa trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc nằm lòng. Bởi thế, dễ đến cả năm, sáu, bảy chục năm rồi còn gì ? Bao nhiêu nước chảy đã qua cầu.
Và những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ? Ấy thế mà, cái chùm ngôn ngữ có vần điệu rất riêng ấy của xứ đạo-nhà thờ ở đồng đất làng quê ta có mất mát, trôi dạt đi đâu ? Nó chỉ nhạt nhoà, phất phơ tơ liễu ở đâu đó trong tiềm thức. Mà hễ ai động chạm tới, là y như oà vỡ ra, sống lại, không thiếu một tí một li gì. Có thể nói không ngoa rằng các bậc tiền nhân đã giữ đạo, sống đạo và truyền đạo bằng cái kho tàng kinh sách rất thâm thuý kinh nhà đạo/gạo nhà chùa. Hoặc cơm gạo nuôi phần xác, kinh sách nuôi phần hồn. Mới hay, tổ tiên, cha ông mình ngày xưa rõ là khôn khéo tài tình. Lời lẽ răn dạy và khuyên nhủ lúc nào cũng rất giáo khoa, rất sư phạm, mà lại còn thi phú, văn chương chữ nghĩa nữa là đàng khác. Không tin, cứ tìm và mở lại từng trang các sách Thánh Giáo Kinh Nguyện, Mục Lục Nhựt Khoá và Toàn Niên Kinh Nguyện của các giáo phận Triều/Dòng, từ Bắc chí Nam ra mà coi.

 

IMG 0944


Tại sao cả một núi sách, một biển kinh kệ Hán, Nôm, Quốc ngữ bao la bát ngát đến thế, mà các cụ nhà ta vẫn cứ là thuộc làu làu, đọc trơn như cháo chảy ? Không những thuộc nằm lòng, mà còn nói kinh, hát kinh, dạy dỗ con cháu bằng kinh, ví von bằng kinh.  Chúa ôi, bao nhiêu mầu nhiệm, bí tích. Bao nhiêu điều hay lẽ phải, bao nhiêu bài học đức tin và bao nhiêu hiểu biết, kinh nghiệm đều được rao giảng bằng kinh sách ở nhà thờ, có chuẩn ấn phép tắc đàng hoàng( Imprimatur ). Chứ đâu dám nói khơi khơi. Từ Thư Chung(Thư mục vụ ) đến Phụng vụ Công giáo. Từ Giáo Lý, Huấn đức đến lề luật, phong tục, tập quán và cả những thông tin rất đời thường về kinh nghiệm, mùa màng, nghề nghiệp, thời vụ, con nước, tuần trăng,  buôn bán, cưới hỏi, tang ma, giỗ Chạp, Tết nhất...Tất tần tật - đúng hơn, là đa phần - lời bảo và kinh nguyện đã được các đấng bậc bản quyền chuyển tải hoặc diễn dịch bằng thứ ngôn ngữ vần điệu, đối đăng của thi ca truyền thống Việt Nam ( các thể loại như : tứ lục, lục bát, song thất lục bát, vè vãn, ca ngâm...). Có đọc kỹ và ngẫm ngợi từng câu, từng chữ, mới thấy kinh và thơ hoá thân vào nhau. Tín lý, thần học được trang trải, gửi gắm vào chữ nghĩa, vần điệu của thi ca.

Hãy mở một dấu ngoặc và liên tưởng đến trường hợp tương tự của 150 Thánh Vịnh, của Diễm Tình Ca, của Khải Huyền Ca...Cũng là trường hợp tương tự của Nam Hoa Kinh của Trang Tử và Ngũ Kinh của Khổng Tử. Không lạ gì, người Công giáo Việt Nam ta đã coi kinh sách và lời bảo ở nhà thờ như là một thứ "bửu bối" và "truyền khẩu "rất chính thống, là thước ngọc khuôn vàng, lâu thật lâu rồi, trước khi tiếp cận với những phương tiện truyền thông như ngày nay ?

 

IMG 1191


Tình cờ những chuyến điền dã, lang thang về những xứ đạo - nhà thờ có lịch sử lâu đời, ta còn bắt gặp những thú vị không ngờ. Cả một quá khứ ký ức văn hoá Công giáo còn ngồn ngộn, sinh động những đất lề quê thói về khai sinh, hộ tịch, quan hôn, tang tế, lễ hội , đình đám. Đạo và đời đan xen, hoà quyện rất nhuần nhị, bão hoà. Cứ thế mà diễn ra trong lũy tre xanh, tuần tự theo thời khắc, tháng năm, mùa nào thức nấy.

Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà
Tháng Hai, Ngắm đứng; tháng Ba ra mùa
Tháng Tư, tập trống, dâng hoa...

2.Chẳng biết bà con nhà đạo mình ở bên Tây, bên Mỹ bây giờ thế nào, sau gần 50 năm biệt xứ, tha hương ? Chứ ở quê nhà này, có gì khác đâu. Chỉ có điều,nhịp sống đã nhanh hơn,gấp gáp hơn, sắc màu hơn, có lẽ do tốc độ đô thị - công nghiệp hoá càng lúc càng gia tăng, không kìm hãm được.

Chưa đến Tết, nhưng gặp ai, đến đâu, tôi cũng được nghe tận tai và thấy tận mắt cái không khí vội vã, nôn nao của "năm hết, Tết đến". Đã rộn ràng, hào hứng. Đã xôm tụ, linh đình. Cứ như có thể chạm tay vào được rồi. Chợ búa, bếp núc, trong nhà, ngoài sân, dao thớt, nồi niêu, cỗ bàn, bát đĩa, áo quần, giày dép. Ấy là chưa nói đến đèn nến, hương hoa, nhang khói, bàn thờ, cây kiểng...Nhìn chung, vẫn còn dính dấp, vang bóng khá nhiều cái phong vị đậm đà của một dân tộc đã cắm rễ sâu vào nền văn minh nông nghiệp thủ công. Cũng bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, tôm khô, xôi vò, giò lụa, chả quế, ninh, mọc. Cũng cây mai, gốc đào, chậu quất, chục cam, mớ quít, hộp mứt gừng và hũ hạt dưa để khách khứa lai rai, nhấm nháp cho vui cửa vui nhà.
 

bpqG0bS
Ngày Tết

Riêng nhà đạo mình, ngoài những việc trên, khối người còn rối rít trăm thứ ngổn ngang chồng chéo ở nhà thờ, nhà xứ, của đoàn thể này, của hội hè kia. Thật ra, có ai bắt họ phải "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" đâu ? Chẳng qua, là việc công quả, là hy sinh, là tập đi đàng nhân đức. Xưa nay, đã có không ít người cứ như mua dây tự buộc mình, mắc nợ chung thân với nhà thờ, với khói hương, với kinh kệ, không dễ gì...muốn thoát ra. Đã bảo rằng thì là "nhà Cha Ta có nhiều chỗ". Ấy vậy cho nên, lễ lạy, chầu chực xong, nhà thờ nhà xứ lại sầm uất, đông vui ngay. Chỗ này rộn ràng tập tành đàn hát, diễn kịch. Chỗ kia ồn ã trống kèn, ca vãn, dâng tiến lễ vật theo nghi thức tế tự cổ truyền: Đêm giao thừa, mồng 1 tết cha mẹ, mồng 2 tết thầy cô và mồng 3 thánh hoá công ăn việc làm...

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Còn nhớ, mới hôm nào vào Tuần Thánh, tôi nghe cụ Chánh bảo "Chúa Nhật Lễ Lá, ném đá, Phục Sinh". Diễn nôm ra, là mấy ngày Tuần Thánh, theo thứ tự: Lễ lá, tuần thương khó ( các tượng ảnh trong nhà thờ được che phủ màn vải tím, để tưởng niệm cuộc thương khó) và đại lễ Phục Sinh. Mới đấy, mà nay lại nghe câu hát vè "Ba vua, lễ nến, Tết đến sau lưng !" Này nhé, không trật đi đâu được. Chúa nhật Hiển Linh - lễ Ba Vua nhằm ngày 2 tháng 1 năm 2022. Tiếp theo là đến mồng 1 Tết nguyên đán Nhâm Dần ngày 1 tháng 2 năm 2022. Rồi sau đó là lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh - lễ Nến rơi vào ngày 2 tháng 2 năm 2022 mồng hai tết. Đúng là Lịch của người Công giáo mình - một thuở một thời - chỉ thuần là cách bấm đốt ngón tay, chỉ là những ngôn ngữ cửa miệng rất mộc mạc đồng áng. Nhưng nhờ có vần điệu, nhịp nhàng của thi ca, nên dễ thấm lâu giàu bền trong ký ức văn hoá của biết bao thế hệ đến tận ngày nay. 

 

ducmedangminh
Lễ Nến

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây