HỒN QUÊ NÚI NGỌC

Thứ hai - 15/05/2023 08:05
Nhân dịp mừng lễ Bổn mạng Chúa Thăng Thiên và kỷ niệm 5 năm Trang tin giáo xứ đi vào hoạt động. Chắt lọc từ những nét đặc sắc qua các bài viết từ các Cộng Tác viên, Ban Biên tập Trang Tin Giáo xứ trân trọng giới thiệu tuyển tập HỒN QUÊ NÚI NGỌC đến quý độc giả, sẽ phát hành vào Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên 21.5.2023. Mong quý bạn đọc đón nhận.
HỒN QUÊ NÚI NGỌC
HỒN QUÊ NÚI NGỌC



Cùng với quý Bạn đọc gần xa!

Khởi đi từ ngày Lễ Chúa Thăng Thiên (13.5), Trang tin Điện tử Giáo xứ Châu Sơn, đã chính thức ra mắt hoạt động. Sau một chặng đường đầy nỗ lực và cố gắng tự thân, Trang tin sắp sửa mừng sinh nhật lần thứ năm.  thấm thoát đã Năm năm (2018–2023). Và năm năm ấy, biết bao nhiêu tình!
 

Để đánh dấu một chặng đường đầy kỷ niệm, BBT tập hợp lại một số bài viết nhằm bảo lưu cho tư liệu báo viết, và ra mắt Bạn đọc Tuyển tập với tựa đề HỒN QUÊ NÚI NGỌC.

Chủ đề nầy được gợi hứng từ câu thơ cuối cùng của bài ĐỨC MẸ ĐẦU LÀNG, sáng tác của nhà thơ Giuse Trần Ngọc Hạnh, đậm đà dấu ấn của “hương đồng gió nội”. Khi nói về làng quê, hình ảnh bộ tứ: cổng làng cùng với cây đa, giếng nước, mái đình đã hình thành nên hồn cốt của làng quê Việt, nhưng giờ đã mai một với thời gian. Bởi thế, cách đây 60 năm, điểm độc đáo nơi xứ đạo nầy, là ngay trước cửa ngõ vào làng, Đức Cha cố Giuse Trịnh Chính Trực (1925–23.9.2011), nguyên Linh mục Quản xứ (từ 1960–1967) đã cho đặt Đài Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội, Đấng Bổn mạng đã ôm ấp Giáo xứ Châu Sơn hơn nửa thế kỷ qua.
 

Vâng. “Mẹ đứng đó như hồn quê Núi Ngọc”. Quả là một hình tượng chất ngất bến bờ yêu thương giữa một người Mẹ Thiên quốc với cuộc đời lam lũ của một người mẹ trần gian:

“Ta về gặp lại hồn quê

Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa

Một đời sướng thiếu khổ thừa

Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau…

(“Hồn quê và Mẹ ta xưa”, Đặng Xuân Xuyến)

***

Vâng. Từ bao đời, mỗi một làng quê đều neo đậu một hồn quê.
 

Đó là tấm giấy căn cước cho mỗi một người con. Hồn quê chính là cái phần tinh anh quý báu nhất, luôn tồn tại của riêng một vùng miền. Từng ngày, hồn quê được chắt lọc và lắng lại trong tim ta, làm cho làng vừa gần gũi, lại vừa thiêng liêng, bền vững.  Hồn quê giản dị gần gũi vậy thôi nhưng nó luôn sống trong lòng người dân làng từ đời này sang đời khác. Hồn quê, với những hình ảnh mộc mạc bình dị, từ lâu đã in sâu trong tâm thức, trở thành nhịp sống, hơi thở, thành thứ tài sản quý giá mà ai cũng trân quý giữ gìn.

Hồn quê ẩn hiện và bàng bạc ở khắp nơi, suốt 67 năm qua, trên xứ Châu Núi Ngọc nầy (24/8/1956).  Quê là mái nhà tranh, đầm ấm bên bếp lửa chan chứa nghĩa tình. Quê là quả cau miếng trầu; là những câu chuyện râm ran bên ấm nước chè xanh, đầm ấm bữa cơm gia đình bên đĩa cà muối với tô canh khoai lang.  Quê là mảnh vườn nhà quen thuộc; là bãi mía nương khoai; là thửa đất cà phê kinh doanh; là đám thanh long vào mùa thu hoạch; là diện tích cây ăn trái nơi vùng đất trắng; là lời ru theo năm tháng của mẹ; là phẩm chất cần cù; là những đức tính chịu thương chịu khó của người dân quê một nắng hai sương. Bởi xóm làng chính là nơi lưu giữ hồn quê bền chặt nhất, làm lòng ta luôn đau đáu trong nỗi nhớ về quê hương khôn nguôi. Tắt một lời, Hồn quê, chính là điểm tựa tinh thần để mỗi người con xa quê khắc khoải mong nh, tìm về.
 

Hồn quê xóm đạo là nơi hình thành và nuôi nấng di sản Đức tin, là nơi lưu giữ những phong tục tập quán hiếu hỷ tốt đẹp và ý nghĩa của người dân xứ đạo; là những địa danh thiêng liêng, như giếng nước thuở ấy của Đan viện Châu Sơn Nho Quan; là núi cao Kitô Vua sừng sững đứng cuối làng; là những dấu ấn kỷ niệm đậm đà của lớp thế hệ cha anh đạo hạnh, là lớp hậu sinh “khả uý” đang làm rạng rỡ quê hương.
 

Hồn quê là những nếp sống dung dị, thói quen, là những nét văn hóa mà nơi thị thành không dễ gì có được, dần dà đã trở thành “đất quê lề thói”; là tình làng, nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau"; là “Lá lành đùm lá rách”, hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… Những thứ rất đỗi bình dị, nhưng đó chính lại là hồn quê, ngày qua ngày tựa chất keo đậm đặc kết dính, cứ thế thành nếp, thành khuôn bền chặt, thâm tình bên trong xóm đạo thanh bình, êm ả.

Xóm làng là nơi ta gắn bó máu thịt, là chốn duy nhất mà mỗi người con tha hương không bao giờ cảm thấy xa xôi, dẫu cho đi đến chân trời góc biển. Con người vốn từ đất sinh ra. Phải chăng

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên 1920–1989).
 

Đất và làng cùng hòa làm một. Làng cũng chính là quê, là nhà, là những người thân thích. Con người thì có căn có cốt, làng quê có tính có hồn. Cái cốt cái hồn ấy xâm chiếm trong ta, làm nên nỗi nhớ. Chân không bám đất, thân mất phương hướng. Quên lối về làng, ta đánh mất mình.

Tóm lại, hồn quê là ảo, là trừu tượng không nhìn thấy, không nắm bắt được nhưng lại là thực để người vui buồn, thương nhớ, mong đợi. 

Chút tản mạn về Hồn quê. Bởi tất cả những nét đẹp văn hoá trên, đang là trầm tích từng ngày thẩm thấu vào HỒN QUÊ NÚI NGỌC, bàng bạc nơi mỗi Trang tin Giáo xứ hôm nay.

***

Thưa Quý Bạn đọc,
Quả thật, nhờ phép mầu của không gian truyền thông xã hội, qua nhịp cầu dẫn lối bất ngờ của Trang tin,  đã mang đến bao cuộc hội ngộ thật diệu kỳ.  BBT xin trân trọng cám ơn cuộc kỳ ngộ với Hoạ sĩ Mai văn Nhơn, sinh năm 1960, tại Ðồng Nai. Là tác giả bức tranh sơn dầu
Thăm Viếng rất độc đáo đậm đà phong cách Việt Nam, đến những dòng tâm tình đầy giao cảm “tri âm” của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng, quê Thái Bình, mà nay là Cộng tác viên thường xuyên của Trang tin. Ông là tác giả các tập thơ: Bước chân giao chỉ (Sài gòn 1967); Hành hương (2006); Quỳ trước đền vàng (2010); Lời tự tình của bến trần gian (2012); Ơn đời một cõi mênh mang (2014); Kinh buồn (2014); các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, ông là tác giả “Văn học Công giáo Việt NamNhững chặng đường” (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn, 4.088 trang in: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu…( Dẫn theo “Một tấm lòng với thi ca công giáo : cuộc Trò chuyện với nhà thơ nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng, do nhà văn Bùi Công Thuấn, Hội Nhà văn Việt Nam, thực hiện tháng 7/2020).
 

Cuối cùng, BBT xin chân thành tri ân Quý Cha Quản xứ, Quý BTV.HĐGX đương nhiệm và mãn nhiệm, quý Cộng tác viên gần xa và quý Ân nhân đã cưu mang và khuyến khích; đã động viên và giúp đỡ cho Trang tin Giáo xứ vững vàng hiện diện cùng dòng chảy Truyền thông Xã hội hôm nay.

Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc Tuyển tập HỒN QUÊ NÚI NGỌC, chắt lọc từ bao nét đẹp từ mỗi Trang tin của Giáo xứ Châu Sơn.

 

z4330755621499 9242ce98403f81e30fa7623ee9c79bbe


 

Tác giả bài viết: BBT Trang Tin GXCS

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây