Mua hoa ngày Tết
Về Bến Tre vào mùa này cảnh bên đường đầy sắc hoa vàng đỏ. Dọc đường những chiếc xe tải, những chiếc ba bánh tự chế, những chiếc ghe, thuyền dưới bến, tấp nập người người mang hoa chuẩn bị lên bán tại thành phố và ra các tỉnh.
Đi trên con đường vào các vườn hoa, không khí xuân dường như đang nhộn nhịp với các nhà vườn. Nhiều người cặm cụi bên những chậu hoa, nhặt đi những cành lá vàng, chăm chút từng cái nụ để nở hoa đúng ngày.
Rất nhiều công đoạn trước đó, có xuống tận vườn mới thấy sự vất vả của người trồng hoa. Khuôn mặt cháy nắng, làn da bám bụi đất, chiếc áo quần ướt đẫm mồ hôi và nước tưới cùng bùn đất. Đâu phải có ngay thành quả hoa cho ngày tết. Trước đó cả một năm chăm sóc cho từng cây mai, vài ba tháng cho các loại hoa. Trồng ươm từ hạt giống nhỏ, những cây hạnh chăm từ ngày còn non xanh trên đất. Đâu phải cây hoa nào cũng dễ trồng đâu, vừa đòi hỏi kinh nghiệm vừa xem chừng nắng mưa. Quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, phân bón, hoá chất, bao thứ độc hại bám vào người, nhiễm vào nước uống, đi vào thức ăn. Cực khổ là thế! Vẫn phải sống, bám lấy nghề.
Những ngày trước “ông Táo về trời” hoa cần được đưa về các tỉnh thành để bán. Tất bật từ sớm, xế trưa người thợ ăn vội vài ba miếng cơm, rồi trở ra vườn đưa hoa vào chậu, tỉa bớt cành lá. Những chậu hoa được nâng niu, mang vác từ vườn ra xe qua những lối đi bờ đất nước đọng, bằng đôi chân trần. Có tận mắt thấy mới thương cho đời người làm vườn cơ cực. Đa phần, họ là những người theo nghề cha ông mà tiếp nối chăm sóc mảnh vườn. Nhiều bạn trẻ khác đã rời ruộng vườn làm các nghành nghề khác nơi thành phố, các tỉnh.
Bán vườn, đổi nghề ư? Đâu dễ như ta nghĩ! Bao năm lớn lên theo cây cảnh vào mùa, vất vả đã quen, kể cả khi chấp nhận mang theo những căn bệnh ung thư do hoá chất. Tiền kiếm được bao nhiêu, bệnh tới rồi cũng hết, mà người cũng có thể chết. Người ta nói tại cái số phận của họ chứ ai muốn. Được cái ruộng vườn thoáng mát, bình thường chỉ có người già và con trẻ, mấy hôm cận tết người từ tỉnh thành lai rai xuống check in, mua vài ba chậu hoa cảnh. Vui được chút ít, nhưng không xoá đi được nỗi lo.
Tất cả chỉ trông vào mùa tết, một vụ có thể thất bại hoặc chỉ dư dả chút ít tuỳ theo sức mua của người mua hoa chưng ngày tết. Đặt những chậu hoa lên xe tải, những chiếc thuyền, ghe, khuôn mặt nặng buồn suy nghĩ, vốn liếng bỏ ra thu về được bao. Nhiều thứ tiền bỏ ra ngoài những chậu hoa, tiền khuân vác, tiền ghe đò, tiền thuê chỗ, tiền công năm, sáu người trông coi, từ 23 tết đến sáng ba mươi. Nhiều lúc muốn bỏ nghề mà chẳng sao ra khỏi cái lênh đênh cuộc đời.
Năm nay nhiều nhất vẫn là hoa giấy. Một loại hoa dễ trồng, dù không bán được cũng mang về ươm lại để Tết năm sau như những cây mai. Năm nay dường như nhiều người trồng hoa, ngại bỏ vốn ra nhiều mà chẳng thu được bao nhiêu. Một cặp hoa hai ba trăm, một cây hạnh (tắc) đẹp năm, bảy trăm, một cây mai hơn triệu. Tiền công chở đi, bán có thu về được hay chỉ bán đổ bán tháo vào sáng ngày ba mươi. Ai cũng mong mua giá rẻ, giá hời, nên chăng người làm vườn chỉ trồng những loại có thể bán không hết thì mang về gầy lại mùa sau.
Ai mua hoa cảnh, mai, đào, xin thương mua giúp cho người trồng hoa. Xin đừng ép giá, cũng đừng để chờ ngày cuối, để họ phải bán đổ bán tháo, chặt bỏ bao công sức. Giúp nhau cùng sống nhé!
Nhớ lại những ngày xưa, ngày mà nhà nào, cửa hàng nào cũng mua vài chậu hoa cảnh về chưng trước cửa nhà đón tết. Mấy năm nay, ít dần đi, nhà nhà đóng cửa, lấy ai mua hoa. Các cửa hàng cũng ế ẩm, chưng cho có, chứ đâu chưng hoa cho xôm tụ. Chỉ còn nhà thờ, chùa, các đền, có hoa, cây cảnh, mai, đào, chưng cảnh cho nhiều người cùng hưởng hơi ấm mùa xuân còn lại.
Mỗi năm xuân, tết đến lại thêm nét buồn, không rượu bia, không hoa cảnh, ngồi lại với nhau trà nước chẳng được lâu. Người làm vườn muốn bỏ vườn làm hoa, muốn thôi nghề chăm mai, đào, hoa ngày tết. Người người lo tận hưởng nghỉ ngơi du lịch, sống co cụm với niềm vui riêng bạn bè, gia đình, đánh mất cộng đoàn, bỏ quên nghĩa tình lối xóm. Tết thế thôi, sao mà buồn!
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn