ĐỘI VỆ BINH PHỦ GIÁO HOÀNG

Thứ bảy - 08/09/2018 17:49
Từ hơn 500 năm qua, đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã được tin tưởng giao phó cho trách nhiệm phục vụ Đức Giáo Hoàng và bảo vệ Tòa Thánh Vatican.
ĐỘI VỆ BINH PHỦ GIÁO HOÀNG
ĐỘI VỆ BINH PHỦ GIÁO HOÀNG

TÌM HIỂU VỀ ĐỘI VỆ BINH THỤY SĨ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
A VBTS 1Vệ binh Thụy Sĩ (tiếng Latinh: Custodes Helvetici) là những người lính Thụy Sĩ đã từng phục vụ với vai trò là vệ sĩ tại các triều đình nước ngoài ở châu Âu kể từ cuối thế kỷ 15. Ngoài ra, họ cũng tham gia trong vai trò là lính đánh thuê tại các quân đội khác nhau, đặc biệt là quân đội Pháp, Tây Ban Nha và Naples cho đến tận thế kỷ 19. Đội Cận vệ Thụy Sĩ cho Giáo hoàng (Pontificia Cohors Helvetica) đề cập lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ giáo hoàng kể từ năm 1506, bao gồm cả việc đảm bảo an ninh khi ra vào Điện Tông TòaThành Vatican. Đây là đơn vị duy nhất còn sót lại của Vệ binh Thụy Sĩ cho đến ngày nay. Thực tế, họ còn phục vụ như là lực lượng quân đội của thành Vatican, dù không chính thức, họ được coi là quân đội kế thừa lâu đời nhất trên thế giới. Đến năm 2003, đội cận vệ này gồm 134 chiến sĩ. Tuy Vatican dùng tiếng Latinh làm ngôn ngữ chính thức và tiếng Ý trong công việc hằng ngày nhưng Đội cận vệ Thụy Sĩ lại chủ yếu nói tiếng Đức.
Tuyển quân
A Tuyển QuânĐội cận vệ Thụy Sĩ bảo vệ giáo hoàng chỉ tuyển nam giới đang độc thân, là người Công giáo, là công dân Thụy Sĩ tuổi từ 19 đến 30, cao tối thiểu 174 cm (5 ft 8,5 in),  đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản của đội vệ binh Thụy Sĩ và có giấy chứng nhận hạnh kiểm tốt, phải có bằng cấp chuyên ngành hoặc tốt nghiệp trung học. Năm 2009, ông Daniel Anrig  chỉ huy Đội cận vệ Thụy Sĩ của giáo hoàng cho biết, có thể một lúc nào đó sẽ mở rộng tuyển quân đối với nữ giới, nhưng ông cũng nói thêm rằng việc này vẫn còn là tương lai xa. Vào tháng 12 năm 2014, Giáo hoàng Phanxicô ra quyết định cách chức Daniel Anrig, người ta cho rằng lý do là vì phong cách của tư lệnh này quá cứng nhắc, ông mãn nhiệm vào 31 tháng 1 năm 2015.
Ứng viên phải nộp đơn, nếu được chấp nhận, tân binh mới được tuyên thệ nhậm chức cố định vào ngày 06 tháng 5 hằng năm tại Sân San Damaso (tiếng Ý: Cortile di San Damaso), là ngày diễn vụ bạo loạn thành Roma xảy ra năm 1527 làm 190 vệ binh thiệt mạng.
Tuyên úy sẽ đọc to lời tuyên thệ bằng ngôn ngữ của tân binh (chủ yếu là tiếng Đức): Tôi thề sẽ trung tín, trung thành và vinh dự phục vụ Đức Giáo hoàng Phanxicô và người kế vị hợp pháp của ngài, và cũng dấn thân vì các ngài với tất cả sức mạnh của mình, hy sinh mạng sống của tôi nếu cần thiết để bảo vệ các ngài. Tôi giả định cam kết tuân theo Hồng y đoàn bất cứ khi nào trống Tông Tòa. Hơn nữa, tôi thề luôn tôn trọng, trung thành và vâng lời chỉ huy và cấp trên khác của tôi. Tôi xin thề! Xin Thiên Chúa và các thánh quan thầy của chúng ta trợ giúp cho tôi!
Khi tên tân binh được gọi, mỗi người sẽ tiến đến lá cờ, tay trái nắm lấy lá cờ, tay phải giơ lên với ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa mở rộng dọc theo ba trục, như là một cử chỉ tượng trưng cho Thiên Chúa Ba Ngôi và nói:Tôi, [tên của tân binh], thề nhiệt tâm và trung thành tuân theo tất cả những gì vừa được đọc ra cho tôi, xin Thiên Chúa ban phúc lành và xin thánh quan thầy trợ giúp con. Thời hạn tại ngũ là từ 2 đến 25 năm.
Lương
Lính thường trực nhận mức lương được miễn thuế là 1.300 euro mỗi tháng, cộng với tiền lương trả thêm giờ khi làm việc thêm giờ. Ngoài ra, họ được cấp chỗ ở nội trú. Theo Ibtimes, một người có thể phục vụ trong lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ từ 2 tới 25 năm. Một binh sĩ bình thường nhận lương 2.200 USD cùng tiền lương ngoài giờ nếu họ làm thêm. Họ được cấp nơi ở nội trú tại Vatican.

ĐỘI VỆ BINH PHỦ GIÁO HOÀNG
Lm Nguyễn Hữu Thy

A VB Phủ GH

Hằng năm, ngày 06 tháng 5 là ngày kỷ niệm biến cố “Scco di Roma“, biến cố quân đội Đức đánh chiếm và cướp phá thành Roma và Vatican, và cũng là ngày các tân binh thuộc đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng, hay cũng được gọi là đội Vệ Binh Thụy Sĩ, tuyên thệ trước lá cờ của binh đoàn. Bởi vậy, ngày Chúa Nhật 06.5.2012 , 26 tân binh của đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã long trọng tuyên thệ tuyệt đối trung thành phục vụ Đức Giáo Hoàng và các Đấng kế vị hợp hiến của ngài một cách chân thành và kính cẩn.
Từ hơn 500 năm qua đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã được tin tưởng giao phó cho trách nhiệm phục vụ Đức Giáo Hoàng và bảo vệ Tòa Thánh Vatican. Khởi đầu là vào năm 1506, để đáp lại lời kêu gọi xin bảo vệ Tòa Thánh Vatican của Đức Giáo Hoàng Julius II lúc bấy giờ trước sự bao vây và đe dọa trầm trọng của các lực lượng thù địch, thì trong lúc các nước Âu châu khác từ chối, các Vệ Binh người Thụy Sĩ đầu tiên đã lên đường tập họp tại miền Nam nước Ý. Ngày 22.01.1506, đội Vệ Binh gồm 150 người Thụy Sĩ dưới quyền chỉ huy của đại úy Kaspar von Silenen đã chính thức long trọng được thành lập. Sau đó, đội Vệ Binh đã can đảm và khôn khéo vượt qua được cổng thành Porta del Populo và lần đầu tiên lọt được vào trong nội thành Vatian và đã được Đức Giáo Hoàng Julius II vui mừng đón tiếp và ban phép lành cho.
Đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng được tuyển chọn rất kỹ càng và nghiệm nhặt trong số các thanh niên Công Giáo người Thụy Sĩ. Các thanh niên Công Giáo người Thụy Sĩ này nhất thiết phải là những người có hạnh kiểm tốt, có đời sống đạo đức gương mẫu, dũng cảm, nhân hậu, độ lượng và trung thành bảo vệ Đức Giáo Hoàng và Toà Thánh Vatican đến sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình.
Vào ngày 06.5.1527 một biến cố thảm khốc đã xảy ra cho đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng người Thụy Sĩ, đó là khi sư đoàn bộ binh của hoàng đế Đức Karl V đã đánh chiếm Roma để cướp giật của cải, giết hại dân lành và đốt phá các nhà thờ. Trước quân số đông đảo và được trang bị khí giới đầy đủ của quân Đức, đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã khó lòng cầm cự được. Tuy lực lượng quá yếu so với quân Đức và phải chống trả kẻ thù trong sự tuyệt vọng, nhưng đội Vệ Binh Thụy Sĩ đã can trường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng. Vì thế, dù sau cùng chỉ còn 42 người sống sót trong số 189 vệ binh, nhưng vào giây phút cuối cùng họ cũng đã thành công trong việc đưa Đức Giáo Hoàng Clemens VII trốn qua một lối thoát bí mật vào ẩn náu trong lầu đài Engelsburg một cách an toàn.  Do đó, hằng năm biến cố đầy thảm khốc nhưng cũng đầy can trường và anh dũng này của đội Vệ Binh Thụy Sĩ vẫn được tưởng nhớ mãi cho đến ngày hôm nay, và đồng thời được chọn làm ngày tuyên thệ phục vụ Đức Giáo Hoàng của các tân binh vừa được tuyển từ Thụy Sĩ sang. Trong số họ, có người phục vụ có thời hạn và có người lại phục vụ suốt đời trong đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng. Nhưng một điều chắc chắn là đối với các vệ binh này, dù một khi họ đã chấm dứt nhiệm kỳ phục vụ Đức Giáo Hoàng tại Vatican thì trong lòng trí và trong tâm tình kính yêu đối với Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican họ vẫn là người vệ binh, vâng, một lần đã là vệ binh thì họ sẽ là vệ binh suốt đời! Đây là một điều vô cùng đáng cảm kích, đáng trân trọng và đáng kính phục nơi các Vệ Binh Thụy Sĩ.
Ngày nay, đội Vệ Binh Thụy Sĩ gồm 110 người. Trách nhiệm chính của họ là ngày đêm bảo vệ Đức Giáo Hoàng và canh giữ an ninh tại dinh thự của ngài. Ngoài ra, các vệ binh còn phải canh giữ tại các cổng thành Vatican, cùng đồng hành với Đức Giáo Hoàng trong các chuyến công du mục vụ của ngài tại các nước với tính cách là cận vệ danh dự và giữ an ninh cho ngài. Trong trường hợp Tòa Thánh trống ngôi, thì các vệ binh Thụy Sĩ tuân phục Hội đồng các Đức Hồng Y.
Các Vệ Binh được chia từng nhóm ba người để thi hành các công tác được giao phó và các nhóm luân phiên nhau cứ 24 giờ trong công tác phục vụ của họ. Trong các cuộc yết kiến chung, các Thánh Lễ và các cuộc đón tiếp các vị nguyên thủ các quốc gia của Đức Giáo Hoàng, tất cả các vệ binh luôn phải sẵn sàng phục vụ tùy nhu cầu đòi hỏi. Các vệ binh cũng được nghỉ phép, tùy vào hoàn cảnh cần thiết của mỗi người, như: tham dự tuần cấm phòng, trao đổi thông tin, tham gia các cuộc tập huấn, trau dồi và thực tập ca nhạc. Các tân vệ binh cũng như các vệ binh khác đều đòi buộc phải hiểu và nói thông thạo tiếng Ý; nếu không, họ bó buộc phải tham dự các lớp học tiếng Ý và phải thi cử đàng hoàng.
Trong thời gian phục vụ tại Vatican, các Vệ Binh Thụy Sĩ đều mang quốc tịch Vatican, và do đó các vệ binh phải tuân phục các luật lệ của nhà nước Vatican cũng như nội quy của đội Vệ Binh. Họ phải tuyên thệ trung thành, kính trọng, vâng lời, trung thực và luôn sẵn sàng phục vụ các vị Bề Trên của họ trong bất cứ trường hợp nào và vào bất cứ lúc nào. Trong khi thi hành công tác cũng như lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi, các vệ binh luôn phải sống đầy đủ luân lý đạo đức, trau dồi nghề nghiệp và liên đới với hết mọi người.
Điều kiện để được tuyển chọn
Để có thể được tuyển chọn vào đội Vệ Binh Thụy Sĩ, bó buộc phải hội đủ các điều kiện sau:
• có quốc tịch Thụy Sĩ,
• hạnh kiểm tốt,
• trong lớp tuổi từ 19 đến 30 tuổi,
• còn độc thân,
• tín hữu Công Giáo Rôma
• đã lãnh nhận các Bí tích: Rửa Tội, Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức,
• cao ít nhất 1m74,
• ít nhất phải có bằng tú tài hay đã tốt nghiệp trường huấn nghệ,
• đã thi hành nhiệm vụ quân dịch trong quân đội Thụy Sĩ.
Khi được nhận vào đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng, các tân vệ binh phải phục vụ ít nhất là 25 tháng tại Vatican. Sau hai năm phục vụ trong đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng, các vệ binh được tự do, hoặc tiếp tục phục vụ trong đội Vệ Binh với sự chấp thuận của vị Tổng chỉ huy đội Vệ Binh, hoặc giải ngũ trở về gia đình. Trong thời gian phục vụ, tất cả các vệ binh phải cư trú tại Vatican. Khi mới tới Vatican, tất cả các tân binh ngủ chung trong một nhà ngủ dành cho họ. Sau đó, họ sẽ được chia ra từng hai hay ba vệ binh ngủ trong một phòng. Các hạ sĩ quan và các vệ binh cao tuổi mỗi người được phép có phòng ngủ riêng. Hằng ngày các vệ binh dùng bữa tại Cantine được dành riêng cho họ trong nội thành Vatican. Tại đây, các thực đơn và các thức uống được thay đổi tùy thuộc vào thời khóa biểu phục vụ của các vệ binh.
Còn việc thăng chức phó hạ sĩ, hạ sĩ, tổ trưởng các nhóm canh phòng và thượng sĩ trong đội Vệ Binh, v.v… tùy thuộc vào nhu cầu, và do các vị chỉ huy trưởng đề cử với sự chấp thuận của ĐHY Quốc Vụ Khanh, dựa trên khả năng và điều kiện cá nhân của mỗi vệ binh. Trong trường hợp cần thiết các hạ sĩ quan có thể được thăng hàm sị quan, nhưng các đương sự đòi hỏi phải có hạnh kiểm hoàn toàn tốt, có các khả năng chuyên môn trổi vượt. Trong thời gian phục vụ các vệ binh cũng được phép lập gia đình, với các điều kiện cần thiết sau, ít nhất:
• phải có cấp bậc hạ sĩ quan,
• phải từ 25 tuổi trở lên,
• đã phục vụ tại Vatican ít nhất là ba năm,
• và hứa sẽ tiếp tục phục vụ tại phủ Giáo Hoàng ít nhất là ba năm nữa.
Đội Vệ Binh Thụy Sĩ không chỉ là niềm tự hào của dân tộc nhỏ bé Thụy Sĩ với dân số xấp xỉ trên dưới 7 triệu người, nhưng còn là một vinh dự to lớn của toàn thể Kitô giáo. Thật vậy, binh đoàn bé nhỏ nhất thế giới của một quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này và đặc biệt nhất là họ không hề mang bất cứ vũ khí nào trên mình trong khi thi hành nhiệm vụ giữ an ninh và trật tự tại Vatican, là một biểu tượng cao cả và đầy tính chất nhân bản của nhân loại. Điều đó muốn khẳng định rằng con người không nhất thiết phải giải quyết các bất đồng và tranh chấp trong cuộc sống hằng ngày bằng vũ khí và bạo lực, nhưng trên hết bằng thái độ hợp lý, sự thông cảm, tình yêu thương, sự tha thứ và tình liên đới giúp đỡ.
“Các con hãy yêu thương nhau để qua đó thiên hạ nhận ra các con là môn đệ củaThầy!”

BÀI VIẾT TỔNG HỢP TỪ CÁC BÁO
Bảo vệ Giáo hoàng là nhiệm vụ thiêng liêng và cũng đặc quyền của người Thụy Sỹ. Đó là một truyền thống có từ hơn 500 năm qua.
Tại sao lại là Thụy Sĩ? Bởi vào thời Trung cổ, lính Thụy Sĩ nổi tiếng là can đảm và tinh nhuệ, thiện chiến, trung thành, là đội quân đánh thuê nổi tiếng ở nhiều nước châu Âu theo các hiệp ước ngoại giao mà chính phủ Thụy Sĩ ký kết với các quốc gia đó. Những người lính xuất sắc của Thụy Sĩ cũng được một số hoàng gia châu Âu thuê làm lính ngự lâm, bảo vệ nhà vua và hoàng tộc.
Cho đến nay, đội cận vệ bảo vệ Giáo hoàng đã có lịch sử hơn 5 thế kỷ, và là lực lượng vũ trang có quân số nhỏ nhất thế giới, hiện là 100 người, gồm 1 đội trưởng, 24 sĩ quan và 75 binh sĩ.
Vào ngày 22/01/1506, 150 binh lính Thụy Sĩ đầu tiên đã đặt chân đến thành Rome để bảo vệ giáo hoàng Julius đệ nhị, mở đầu cho sứ mệnh đặc biệt của đội quân này. Kể từ đó, nhiệm vụ bảo vệ Đức Thánh Cha không dành cho bất cứ dân tộc nào khác. Tuy nhiên, đến năm 1848, Thụy Sĩ ban hành hiến pháp mới, nghiêm cấm các công dân của mình phục vụ cho quân đội ngoại quốc, nói cách khác là về mặt chính thức, sẽ không còn danh xưng “lính đánh thuê Thụy Sĩ” nữa. Tuy nhiên, vẫn có một ngoại lệ duy nhất: các công dân Thụy Sĩ có thể tham gia lực lượng bảo vệ Giáo hoàng, nếu đáp ứng được các yêu cầu cho nhiệm vụ này. Và tiêu chuẩn chọn lính cho đội cận vệ của Vatican cũng không thay đổi: trước hết phải là công dân Thụy Sĩ.
Các chiến binh Thụy Sĩ đã không phụ lòng tin cậy của Vatican trong hơn 500 năm qua, với hơn 40 đời Giáo hoàng kế tiếp nhau. Công lớn đầu tiên của họ được ghi vào lịch sử sau 21 năm thành lập, khi thành Rome – lãnh thổ của Giáo hội công giáo La Mã, bị xâm phạm, cướp phá, các linh mục bị khủng bố. Đội cận vệ đã cứu Giáo hoàng Clement VII thoát khỏi cuộc tấn công của lính Tây Ban Nha vào ngày 06/5/1527 và cái giá phải trả cho chiến công đó là 147 binh sĩ đã bỏ mình. Kể từ đó đến nay, ngày 6/5 hằng năm trở thành ngày truyền thống mà đội cận vệ Thụy Sĩ tuyên thệ trung thành tuyệt đối với Đức Thánh cha. Lời thề đó được tuyên ở quảng trường Thánh Damaso, bên trong Vatican.
Việc các đội viên đội cận vệ Thụy Sĩ xả thân bảo vệ giáo hoàng không phải chỉ xảy ra vào thời Trung cổ. Rất gần đây thôi, vào ngày 13/5/1981, Giáo hoàng John Paul II bị một tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ nã đạn khi ngài đang ngồi trên xemui trần đi qua quảng trưởng St Peter. Ngay lập tức, đại úy trẻ Alois Estermann nhảy lên chiếc xe mui trần của Giáo hoàng, lấy thân mình che chắn cho ngài trên suốt chặng đường đến bệnh viện. Với sự quên mình này, Alois đã được bổ nhiệm làm đội trưởng. Đó là ngoại lệ duy nhất trong lịch sử của đội cận vệ Thụy Sĩ, bởi Alois xuất thân nông dân, trong khi chức đội trưởng vốn chỉ dành cho người có xuất thân quý tộc.
Tuy nhiên, số phận của người anh hùng Alois Estermann không được may mắn. Tháng 5/1998, Alois cùng vợ đã bị ám sát bằng súng ngay tại căn hộ của mình trong tòa thánh Vatican, đúng vào hôm kỷ niệm ngày anh được Giáo hoàng bổ nhiệm vào chức đội trưởng. Vụ ám sát này là một sự kiện đen tối của an ninh Vatican và danh tiếng đội cận vệ. Hung thủ là một thành viên của đội, vì bất mãn đã giết đội trưởng rồi tự sát.

ĐỘI CẬN VỆ THỤY SĨ CÓ 6 BÍ MẬT
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn : phanxico.vn

A G Bí Mật
Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, địa phận Parramatta, Úc với hai cận vệ Thụy Sĩ.

Không biết các bạn biết được mấy trong các bí mật này, nếu chưa biết, xin mời các bạn xem nhé.

1. Một phụ nữ Úc sống bên trong hàng rào Đội Cận vệ Thụy Sĩ

A 6 1
Joanne và Dominic Bergamin trong ngày cưới.

 Joanne Bergamin (tên họ là Ford) là nữ thư ký đầu tiên của Đội Cận vệ Thụy Sĩ. Năm 2014, cô lập gia đình với Dominic Bergamin, sĩ quan chỉ huy Đội Cận vệ Thụy Sĩ. Cô có tài khoản Instagram được nhiều người theo, cô chia sẻ cuộc sống của một người vợ của cận vệ Thụy Sĩ trên tài khoản này.
Bình thường các cận vệ sống độc thân trong thời gian phục vụ, nhưng muốn lập gia đình thì cần phải có phép đặc biệt.

2. Đội có một sách làm bếp

A 6 2
Sách dạy nấu ăn của Vatican và món mà Đức Phanxicô thích.

 “Quyển sách công thức bếp của Vatican: do Đội Cận vệ Thụy Sĩ giới thiệu” được ông David Geisser viết, ông là đầu bếp trẻ của Đội.
Đức Phanxicô đã cho David một miếng bánh để nâng tinh thần của anh sau khi đội Argentina hạ đội Thụy Sĩ ở Giải Bóng đá năm 2014.

3. Các Cận vệ thường trở thành các linh mục Thụy Sĩ

A 6 3
Hình tại Nhà thờ Chính tòa Bâle.

Tập trung vào Đức Thánh Cha, nhận bí tích và cầu nguyện liên tục đã làm cho nhiều cận vệ cảm nhận mình có ơn gọi. Hàng năm có một hoặc hai cận vệ chịu chức trong tổng số 10 đến 18 linh mục chịu chức ở Thụy Sĩ.
Linh mục Rudi Heim, tổng đại diện vùng St Viktor, địa phận Bâle là cựu cận vệ Thụy Sĩ.

4. Cận vệ Thụy Sĩ chiến đấu cho đến chết

A 6 4


Gần như toàn bộ Đội Cận vệ Thụy Sĩ bị chết trong trận đánh phá Rôma năm 1527 để bảo vệ giáo hoàng. Các chuyên gia bảo vệ an ninh được mô tả như “một binh sĩ được huấn luyện để bảo vệ với vũ khí hiện đại”. Trong lời thề của họ, các cận vệ thề “sẽ hy sinh mạng sống, nếu cần thiết để bảo vệ Đức Giáo hoàng”.

 5. Đội Cận vệ Thụy Sĩ có một cửa hàng bán quà lưu niệm

A 6 5
Một cận vệ Thụy sĩ gác cổng Sant’Anna.

Cửa hàng ở gần Cửa Sant’Anna, là cửa thường dành cho các cận vệ đi vào nhà của mình ở Vatican. Họ sẵn sàng hướng dẫn du khách… mua quà.

 6. Trong phim Roman Holiday

A 6 6
Diễn viên Gregory Peck và Audrey Hepburn trong phim Roman Holiday.

Các cận vệ Thụy sĩ là những thanh niên bình thường như tất cả các thanh niên khác. Khi họ không phục vụ, họ có thể nghỉ hè ở Roma với bạn bè.

Nguồn tin: Tổng hợp từ các Báo

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây